V.League 2015: 'Cách mạng' khán đài?

Thứ Năm, 25/12/2014, 09:26
Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn hy vọng giải đấu năm nay sẽ là một cuộc cách mạng trên khán đài, và một trong những "phương pháp cách mạng" là hằng tháng VPF sẽ trao giải cho Hội CĐV có phong cách cổ vũ văn minh nhất.

Cuộc cách mạng khán đài được VPF đặc biệt chú ý, sau khi khảo sát J.Leauge (giải VĐQG Nhật Bản) - một giải đấu mà các khán đài luôn trong cảnh đầy ắp khán giả, và như tiết lộ của chính một thành viên BTC giải đấu này, thì số lượng khán giả nữ và trẻ em ở J.League luôn thuộc tốp đầu các giải vô địch quốc gia trên thế giới.

Thực tế thì mỗi trận đấu ở J.League đều giống một ngày hội, và các khán giả luôn trung thành với đội bóng của mình trong bất luận những hoàn cảnh thành  - bại khác nhau. Có được điều này là bởi mỗi đội bóng ở J.League không chỉ sống nhờ bầu sữa của một nhà tài trợ, nên không biến thiên, trồi sụt theo cảm hứng của một nhà tài trợ, mà được vun đắp bởi một  tập hợp các nhà tài trợ khác nhau. Và điều hay nhất nằm ở chỗ: Tất cả các đội bóng đều nêu cao tôn chỉ mỗi đội là tài sản chung của người hâm mộ địa phương, chứ không phải tài sản riêng của các nhà tài trợ.

V.League 2014, sân Cẩm Phả (Quảng Ninh) là một trong hiếm hoi các SVĐ luôn đông khách. Ảnh: H.M.

Bóng đá Việt Nam hiện tại chưa thể xây dựng một kết cấu CLB bền vững như vậy, nhưng nói như Trưởng BTC V.League 2014 Tanaka Koji - người có khả năng sẽ chuyển sang làm GĐKT cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong thời gian tới, thì: "Bất luận trong hoàn cảnh nào, văn hoá khán đài cũng cần đặc biệt coi trọng. Khán đài sôi động, khán giả đông đảo chứng tỏ thương hiệu giải đấu tốt và ngược lại".

Thực tế thì những mùa giải vừa qua nhiều CLB đã làm nhiều cách khác nhau để kêu gọi khán giả đến sân. Ví dụ như trong một số trận đấu quan trọng của HN.T&T ở sân Hàng Đẫy, lãnh đạo CLB đã thuê những đoàn múa lân đến biểu diễn, còn trong một số trận đấu tại sân Thống Nhất (TP.HCM) hay sân Gò Đậu (Bình Dương) cũng đã xuất hiện những màn ca hát của các ca sĩ "ăn khách" hiện thời. Lại có cả những SVĐ từng nghĩ đến chuyện mở cửa tự do, hay tổ chức "uống bia miễn phí" trong một vài trận đấu đặc biệt. Tuy nhiên tất cả những cách làm trên chỉ mang tính hình thức, vụn vặt, nên số lượng khán giả trung bình ở V.League 2014 sụt giảm trông thấy so với V.League 2013.

Còn nói về chất lượng, không khó thấy là trên các khán đài V.League vẫn thường xuất hiện những tiếng cổ vũ quá khích, những lời nhạo báng trọng tài, cầu thủ đối phương, thậm chí cả những màn ném vật thể lạ vào những đối tượng này. Cá biệt, từng có chuyện ẩu đả giữa khán giả Sông Lam Nghệ An với khán giả Hải Phòng trên sân Vinh ở mùa giải 2008 - cuộc ẩu đả mà khi đó dù BTC V.League cứ cố nhấn đi nhấn lại: "Nó diễn ra ở bên ngoài SVĐ", thì ai cũng hiểu cái bên ngoài là giọt nước tràn ly, bắt nguồn từ những biến động bên trong. Lại từng có chuyện một hoặc một nhóm các CĐV được trả tiền đi cổ vũ cho đội bóng, đã cố chứng tỏ lòng trung thành với người trả tiền cho mình bằng cách chặn xe ôtô chở trọng tài giữa đường, rồi có nhiều hành động xúc phạm trọng tài, xúc phạm cả ông trưởng giải đang đi cùng trọng tài. 

VPF, VFF không ngừng kêu gọi các hội CĐV nói riêng và những nhóm CĐV riêng lẻ nói chung phát huy văn hoá khán đài, nhưng nhiều lúc có cảm giác những lời kêu gọi mang nặng tính hình thức. Ngay cả giải thưởng cho hội CĐV có phong cách cổ vũ văn minh nhất, mà VPF trao tặng sau mỗi mùa giải cũng không có tính khích lệ cao. Vì thế ở mùa giải năm nay, một giải thưởng tháng dành cho các hội CĐV chắc chắn sẽ mang tính thiết thực hơn. Và như tiết lộ của TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn thì để dồn kinh phí cho giải thưởng này, VPF đã quyết định "cắt" số tiền thưởng cho đội vô địch V.League từ 4 tỷ đồng xuống còn 3 tỷ đồng.

Cắt tiền thưởng cho đội vô địch để dồn tiền làm "cách mạng khán đài" - theo chúng tôi đấy là một tính toán hợp lý. Và với những bước đi như thế, hy vọng các khán đài V.League 2015 sẽ mang một bộ mặt, một màu sắc đầy sáng sủa.

Lời cổ vũ tuyệt đẹp từ sân Mỹ Đình

Ai cũng biết trận lượt đi bán kết AFF Suzuki Cup 2014 tại Malaysia, một nhóm các CĐV Việt Nam đã bị những CĐV quá khích của Malaysia tấn công, hậu quả là có một số người đổ máu. Vì thế trước trận bán kết lượt về giữa hai đội trên sân Mỹ Đình cũng từng có một bộ phận nhỏ các CĐV quá khích Việt Nam đề nghị  khán giả Việt Nam "trả đũa".

Tuy nhiên, hội CĐV Việt Nam đã đứng lên kêu gọi các CĐV Việt Nam ứng xử văn minh, thân thiệt với các CĐV Malaysia. Thực tế là trận lượt về, dù Việt Nam thua sốc 1-4 và bị loại khỏi cuộc chơi một cách đáng tiếc, nhưng các CĐV Việt Nam vẫn ghi điểm bằng những bandrone và những màn giao lưu, chụp ảnh thể hiện rõ thông điệp thân thiện, hiếu khách của mình với các VĐV đội bạn. Hy vọng một biểu hiện tuyệt đẹp ở khán đài sân Mỹ Đình sẽ là lời cổ vũ ý nghĩa và thiết thực cho những hành xử đẹp của khán đài V.League năm nay. (Tuấn Thành)

Sợ khán giả đến sân tới mức phải... tăng giá vé

Trước một trận đấu của một đội bóng Hà Nội trên sân Hàng Đẫy cách đây vài mùa, BTC sân đột nhiên thông báo kế hoạch tăng giá vé. Tăng giá dĩ nhiên không phải để "lấy thu bù chi" mà để hạn chế những CĐV Hải Phòng - những người vốn hay tạo ra những màn tranh cãi, ẩu đả trên sân Hàng Đẫy có thể ồ ạt kéo tới sân. Cách làm này đã bị các CĐV Hải Phòng nói riêng và những người có tư duy tổ chức bóng đá chuyên nghiệp nói chung phê phán nặng nề. Bởi muốn các CĐV không loạn, thì bên cạnh việc kêu gọi họ phát huy văn hoá khán đài, công tác an toàn an ninh phải được BTC sân thực hiện một cách triệt để, chứ không thể tăng giá vé một cách tuỳ tiện, nghiệp dư như thế. (Ngọc Anh)

Hiếu Hà
.
.
.