Tự trói chân nếu không thay đổi

Chủ Nhật, 18/03/2018, 08:57
Hàng loạt thay đổi trong tổ chức thi đấu của các Liên đoàn thể thao quốc tế khiến các nhà quản lý thể thao Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi để thích nghi, qua đó có thể hoàn thành mục tiêu châu lục, ASIAD, thế giới cũng như Olympic.


Khi môn vật không thể đứng yên

Cách đây vài năm, vật Việt Nam đã chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ sang các đô vật nữ nhằm tranh những tấm huy chương châu lục cũng như suất tham dự Olympic. Tuy nhiên, một số đô vật nam nội dung vật tự do vẫn được quan tâm đầu tư trong khi các đô vật nội dung vật cổ điển không có trong danh sách ưu tiên thi đấu quốc tế.

Dù sao, trình độ vật nữ của Việt Nam vẫn có thể so đọ, tranh chấp huy chương và vé dự Olympic với các đô vật ở châu Á. Trong khi đó, các đô vật nam Việt Nam hoàn toàn lép vế trước những đô vật ngoài Đông Nam Á.

Một đô vật có tiếng là “độc cô cầu bại” ở Việt Nam như Cấn Tất Dự khi tới sân chơi châu lục trở nên nhạt nhòa, không thể gây dấu ấn đủ thấy trình độ vật nam Việt Nam và châu lục “vênh” đáng kể. Cho nên, Tổng cục TDTT cũng chỉ dám đầu tư cầm chừng cho một số đô vật nam vật tự do.

Tay vợt Phạm Cao Cường cần dự 8-10 giải quốc tế/năm để hy vọng dự Olympic 2020.

Nhưng đến đầu năm 2018, các nhà quản lý vật Việt Nam đã dồn toàn bộ kinh phí thi đấu và tập huấn quốc tế cho các đô vật nữ. Một phần nguyên nhân là xu hướng buộc VĐV phải thi đấu nhiều nhằm tích điểm trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Vật thế giới.

Nhờ vậy, VĐV có thứ hạng cao mới giành lợi thế trong bốc thăm, xếp hạt giống tại các giải quốc tế quan trọng.

Nếu ít tham dự và không có vị trí cao trên bảng xếp hạng này, đương nhiên VĐV sẽ gặp bất lợi. Nguồn cơn của việc dồn toàn bộ cho vật nữ cũng do kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế trong năm của bộ môn Vật (Tổng cục TDTT) không dồi dào, khoảng 2 tỷ đồng/ năm.

Trong khi ấy, lệ phí thi đấu của các giải vật quốc tế lại cao hơn so với nhiều môn thi đấu khác. Bình thường, một giải đấu châu lục ở nhiều môn khác chỉ có lệ phí thi đấu khoảng 60 USD/ vận động viên.

Nhưng lệ phí ở môn vật là 180 USD/ vận động viên. Ngoài ra, chi phí di chuyển của đội tuyển vật tại các giải châu lục cũng tốn kém hơn do giải thường diễn ra tại các nước Liên Xô cũ. Chi phí tốn như vậy nhưng kinh phí của bộ môn lại chỉ như nhiều bộ môn khác.

Trong khi đó, Liên đoàn Vật thế giới cũng quy định rằng, VĐV phải tham gia giải đấu ở cấp độ thấp rồi mới được dự giải cấp độ cao hơn. Mà muốn dự đủ giải cũng phải có kinh phí.

Vật Việt Nam cũng từng có bài học về chuyện này khi đội vật tự do nam đã đăng ký tham dự giải Vật vô địch thế giới năm 2017 nhưng không được chấp nhận vì không tham dự giải Vật vô địch châu Á trước đó.

Vì thế nhà quản lý phải “liệu cơm gắp mắm”, phải quyết đoán khi chọn lựa mục tiêu đầu tư.

Mang lên bàn cân, vật nữ được chọn đầu tư còn các đô vật nam đành chờ cơ hội vào dịp khác, khi trình độ của họ và nguồn kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn vật (Tổng cục TDTT) nhiều hơn gấp bội so với hiện nay. Mà điều này hoàn toàn bất khả thi trong ít nhất vài năm tới.

Tại giải Vật châu Á 2018, đội tuyển Việt Nam chỉ có 6 đô vật nữ. Tại đó, những đô vật có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Vật thế giới được xếp ở vị trí hạt giống để không phải trải qua những vòng ngoài và chỉ mất một trận là có thể vào trận tranh huy chương.

3 đô vật của đội tuyển Việt Nam đã được hưởng ưu tiên này khi được xếp vào nhóm hạt giống và đều suýt giành huy chương.

Sau giải đấu này, ông Nguyễn Thế Long – Trưởng bộ môn Vật (Tổng cục TDTT) đã khẳng định rằng, sự may mắn từ bốc thăm giúp VĐV vào nhánh đấu với những đối thủ yếu để dễ giành huy chương như trước đây sẽ hầu như không thể lặp lại tại các giải đấu châu lục và thế giới trong thời gian tới. Muốn có thành tích thì VĐV chỉ còn cách thi đấu quốc tế nhiều hơn.

Như lý giải của ông Đới Đăng Hỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội thì ngoài các giải lớn cấp châu lục, thế giới thì các đô vật nữ trọng điểm của Việt Nam cũng cần được dự những giải đấu mở ở các quốc gia nhằm tích điểm. Nếu không, khả năng đánh mất vị thế của vật nữ ở châu lục sẽ rất cao.

Phải huy động nhiều nguồn lực để nâng cấp VĐV

Việc sử dụng thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới để làm căn cứ xác định vị trí hạt giống ở các giải đấu quốc tế cũng như tranh vé dự Olympic đã được thực hiện trong một vài năm qua.

Vật là môn thể thao mới nhất có những động thái đi theo sự thay đổi này. Trước đó, ở môn cầu lông đã xét vé dự Olympic thông qua thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới.

Theo đó, một tay vợt Việt Nam phải trong nhóm 40 – 50 tay vợt hàng đầu thế giới ở nội dung đơn hoặc nội dung đôi mới có cơ hội tham dự Olympic. Muốn vậy, ngoài trình độ thượng thừa, họ phải dự ít nhất 8-10 giải quốc tế trong năm để tích điểm.

Môn Karatedo cũng đặt ra những tiêu chí về thứ hạng thế giới để VĐV được tham dự Olympic 2020. Theo đó, những VĐV trong nhóm 10 VĐV hàng đầu ở mỗi hạng cân sẽ giành quyền tham dự Olympic.

Hiện tại, karatedo Việt Nam chỉ có võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan đang xếp hạng 8 thế giới ở hạng 61kg nữ.

Vì vậy, dù kinh phí có hạn nhưng bộ môn karatedo (Tổng cục TDTT) vẫn dành phần lớn kinh phí thi đấu quốc tế, bên cạnh nguồn kinh phí từ đơn vị chủ quản của Ngoan là Quân đội, để võ sĩ này tham dự 7-8 giải quốc tế/năm nhằm giữ vị trí trong nhóm 10 võ sĩ hàng đầu thế giới.

Ở môn boxing nữ, nhà vô địch châu Á Nguyễn Thị Tâm cũng được đơn vị chủ quản Hà Nội lên kế hoạch cho thi đấu 5-6 giải quốc tế trong năm 2018. Ngoài ra, Nguyễn Thị Tâm có thể được dự một số giải khác từ nguồn kinh phí của Tổng cục Thể dục thể thao.

Gần đây, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) Hoàng Quốc Vinh đã chia sẻ rằng: “Đây là giai đoạn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Thể dục thể thao với các đơn vị chủ quản của VĐV, nhằm giúp VĐV được thi đấu quốc tế tối đa để nâng cao trình độ, cải thiện thứ hạng thế giới, qua đó chinh phục được các mục tiêu quan trọng với thể thao Việt Nam như ASIAD hay vòng loại Olympic”.

Cũng theo ông Hoàng Quốc Vinh, hiện tại sự phối hợp đầu tư cho VĐV giữa Trung ương và địa phương đang được thực hiện tốt. Thế nhưng về lâu dài, vẫn cần đến những nguồn lực xã hội hóa khác để đáp ứng được nhu cầu thi đấu quốc tế và những yêu cầu mới của các Liên đoàn Thể thao thế giới.

Đó lại là bài toán không dễ giải. 

Giải pháp tổ chức giải quốc tế ở Việt Nam

Hiện tại, một trong những giải pháp để tăng thứ hạng cho VĐV là tổ chức các giải quốc tế ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí tham dự cho VĐV cũng như có lợi thế sân nhà để dễ đạt kết quả tốt.

Quần vợt Bình Dương từng thành công với cách làm này khi đăng cai hàng loạt giải đấu cấp độ Futures, giúp Lý Hoàng Nam nhanh chóng lọt vào nhóm 700 tay vợt hàng đầu thế giới vào năm 2016 - 2017.

Môn cầu lông cũng được coi là điểm sáng khi hiện có 2 giải quốc tế được tổ chức tại Việt Nam là giải Việt Nam mở rộng và giải quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise.

Vào 21-3 tới, giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise 2018 sẽ diễn ra tại Hà Nội, mở ra cơ hội tích điểm cho nhiều tay vợt hàng đầu Việt Nam. (Minh Hà)

Minh Nhật
.
.
.