Trần Công Minh: Chẳng nhẽ bao giờ cũng... ngại?

Thứ Hai, 09/05/2016, 09:50
HLV Trần Công Minh lại được mời về quê nhà Đồng Tháp, gánh nhiệm vụ giải cứu con tàu trong cơn hoạn nạn. Chiều thứ bảy vừa rồi, trong trận đấu đầu tiên trên cương vị này, Công Minh đã nhận thất bại 1-2 trên sân Long An, và trận "chung kết ngược" thua đau ấy khiến nhiệm vụ của ông thầy nổi tiếng là hiền lành, lận đận nhiều khả năng sẽ thêm phần lận đận.

Chứng kiến lần thứ 3 trở về Đồng Tháp của Công Minh, tôi chợt nhớ một vài kỷ niệm với con người này, và cứ bị chòng chành bởi một câu hỏi: rốt cuộc, một tính cách như Công Minh có thể trở thành một HLV xuất sắc được không?

1. Những ngày đầu năm 2007, Hà Nội trời lạnh cóng. Công Minh cùng các cầu thủ đội Olympic VIệt Nam quần thảo trên sân tập Nhổn mà không có được bất kỳ sự chú ý nào của dư luận. Đơn giản là lúc đó tất cả đều hướng mọi chú ý vào AFF Cup, cái giải mà thầy trò Riedl được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng rốt cuộc lại ngã ngựa giữa dòng. 

Ngồi với tôi trong những ngày mùa đông âm thầm ấy, Công Minh có một thoáng chạnh lòng: “Đã đành AFF Cup rất quan trọng, nhưng đội tuyển (ĐT) Olympic cũng quan trọng đấy chứ. Vì sao dư luận lại lãng quên ĐT Olympic như vậy nhỉ?”. Trong 3 tuần “hợp quân” Olympic, Công Minh chú trọng rất nhiều đến việc rèn luyện thể lực, rồi sau đó đem quân xuống Nam Định, Hải Phòng thi đấu. 

Có thể nói anh chính là người đặt viên gạch đầu tiên cho ĐT Olympic, nhưng khi ĐT Olympic thành công tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 thì những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất lại là "thuyền trưởng" Riedl và "phó lái" Mai Đức Chung. Khi tôi nhắc tới điều này, lập tức Công Minh trở về với cái vẻ hiền lành quá mức: “Thôi, cho anh sống yên ổn đi em”.

Trần Công Minh (phải) khi làm trợ lý HLV ĐT Việt Nam cho thầy ngoại Miura. Ảnh: H.M.

2. Tháng 11 năm 2007, khi ông Riedl dẫn quân sang UEA đá trận lượt về vòng loại World Cup thì Công Minh cùng một nhóm nhỏ cầu thủ còn lại tiếp tục “rèn binh” ở Nhổn. Anh tâm sự: “ĐT lúc này vắng vẻ, quạnh hiu quá. Nó khiến mình thấy nhớ nhà hơn” - nhớ cái thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) thân yêu, nơi có một quán café quen thuộc mà sáng sáng anh vẫn hay ngồi, vừa nhâm nhi café vừa đọc báo. 

Nhớ bà xã, nhớ hai đứa con nhỏ rồi tự hỏi: “Không biết bọn trẻ học hành ra sao?”_ Nhắc tới gia đình, giọng Công Minh trầm hẳn xuống, và nỗi nhớ đã khiến mắt anh ngân ngấn nước…

Ở đội tuyển quốc gia thời đó, nhiều người gọi Công Minh bằng cái biệt hiệu “ông cố thủ”. Lý do là những ngày được nghỉ ngơi, trong khi các cầu thủ thường thăm thú Hà Nội thì Công Minh cứ “cố thủ” từ sáng đến tối ở Nhổn. Anh kể: “Mình sống ở thị xã, quen với nếp sống yên ả, trầm lắng rồi, giờ cứ thấy Hà Nội ồn ào thế nào ấy”.

3. Nếu cuộc đời cầu thủ, Công Minh cùng những người thuộc "thế hệ vàng" như Huỳnh Đức, Hồng Sơn nổi tiếng và sáng chói từ những năm 1995-1996 thì cuộc đời huấn luyện của Công Minh lại khởi đầu với một nỗi đau cùng U.21 Đồng Tháp tại giải U.21 Quốc gia năm 2003. Giải đấu ấy, sau khi chứng kiến các học trò "đá cuội" với Sông Lam Nghệ An, Trần Công Minh đã ôm mặt khóc rưng rức rồi thốt lên: “Tôi đau quá! Các cầu thủ không đá theo sự chỉ đạo của tôi!”. 

Thế nhưng chỉ một ngày sau thì chính Công Minh lại phải đăng đàn đính chính: “Không! Tất cả do tôi, không ai chỉ đạo cả”. Nhiều người bảo Công Minh phải "đính chính" như thế để còn có chỗ mà về. Đã hơn một lần tôi hỏi thẳng anh về chuyện này, nhưng trước sau như một, anh đều xua tay: “Chuyện qua lâu rồi, giờ mình muốn đào sâu chôn chặt”.

Sau sự cố ở Đồng Tháp, Công Minh về huấn luyện cho Thành Long và đã từng dẫn U.18 Thành Long vào đến chung kết U.18 toàn quốc diễn ra ở Hải Phòng. Sau trận bán kết Thành Long – Hải Phòng ngày ấy, cầu thủ hai đội xô xát nhau, kết quả là Công Minh đã bắt các học trò xếp hàng sang xin lỗi ban huấn luyện đối phương. 

Chỉ tiếc là mối lương duyên của Công Minh với Thành Long đã không kéo dài. Nhưng Công Minh kể với tôi rằng quãng thời gian ở Thành Long là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời huấn luyện của anh. Sau đó, Công Minh còn làm việc ở một vài đội khác, thậm chí còn có thời gian ngắn làm ở phòng các đội tuyển quốc gia của VFF, nhưng tất cả đều nhàn nhạt.

4. Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến lần nói chuyện với “còi vàng” 2007 Dương Văn Hiền, khi trong một cuộc nói chuyện, nhân vật này bỗng nói rất nhiều đến Công Minh. Dĩ nhiên có nhiều ký ức đẹp, nhiều ấn tượng vàng son, nhưng bên cạnh đó ông Hiền còn lưu mãi một kỷ niệm theo chiều ngược lại: Có lần ông điều khiển một trận đấu giữa Đồng Tháp của Công Minh với đội Lâm Đồng tại giải vô địch quốc gia, và phút thứ 89, khi cầu thủ Lâm Đồng nằm sân ăn vạ, Công Minh liền tiến về phía ông và nói: “Anh Hiền, nhớ trừ giờ cho tụi em nhé!”. 

Lúc ấy, ông Hiền quặc lại luôn: “Anh trừ giờ, bọn em có chịu đá không?”. Sở dĩ ông nói thế bởi ông "ngửi thấy cái mùi hăng hắc" trong trận đấu này, cái "mùi" mà Lâm Đồng sẽ thắng, Đồng Tháp sẽ thua theo kịch bản… Nói rồi, ông Hiền kết luận: “Những chuyện như thế cũng chẳng làm giá trị Công Minh thấp đi, vì Công Minh chỉ là 1/11 vị trí trên sân. Và vì bóng đá Việt Nam lúc ấy đó ai dám vỗ ngực tuyên bố mình sạch 100%?”.

Phải, ở đời này có cái gì là tuyệt đối đâu. Bóng đá càng như vậy và cái sự sạch sẽ của Công Minh cũng sẽ như vậy. Nhưng trong một làng bóng đầy phức tạp, được như vậy cũng đã là đáng quý, đáng trân trọng lắm rồi! Từ cầu thủ đến HLV, Công Minh luôn giữa được giá trị của mình. Chỉ có điều là, chẳng hiểu sao tôi luôn cảm thấy rất ức chế khi cứ sau một cuộc nói chuyện là lại nghe anh nhắn: “Đừng viết gì về mình, mình muốn sống yên ổn!”.

Vì sao ư? Vì sự hiền lành, khiêm tốn, bản thân nó là đáng quý, nhưng hiền lành, khiêm tốt một cách… quá đà lại khiến con người ta trở thành týp người rất ngại đối đầu cùng áp lực và sóng gió. Mà ngại đối đầu cùng áp lực và sóng gió chẳng phải là phẩm chất của một HLV – một người làm tướng giữa trận - tôi viết thế, dẫu biết có thể khiến Công Minh phật lòng.

Nỗi khổ thiếu tiền

Sau trận thua Đồng Tâm Long An 1-2 ở vòng 9 V.League vừa qua, Đồng Tháp tiếp tục giậm chân ở đáy bảng tổng sắp, với chỉ 3 điểm, kém Long An - đội đứng kế trên mình 5 điểm. Thất bại của bóng đá Đồng Tháp tính đến lúc này có lẽ là thất bại về mặt tài chính, khi tiền lương, thưởng của câu lạc bộ không khá hơn lương thưởng của nhiều đội đang chơi hạng Nhất. Mùa giải năm ngoái, sau khi giành quyền lên chơi V.League, Đồng Tháp thậm chí từng tính đến chuyện... bỏ giải, vì "không biết đào đâu ra tiền", nhưng bỗng được cứu vào phút chót. Có lẽ, với nội lực tài chính như thế này, trước sau gì bóng đá Đồng Tháp cũng trở lại đúng vị trí của mình.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.