Thể thao Việt Nam: Trào lưu dùng vận động viên Việt kiều

Thứ Ba, 10/11/2015, 08:51
Thể thao Việt Nam (các môn ngoài bóng đá) đang đi theo một xu hướng mới, đấy là tăng cường nhiều hơn sự xuất hiện của các vận động viên (VĐV) Việt kiều. Mới nhất, tuyển trẻ bắn súng đang thi đấu tại giải vô địch châu Á 2015 ở Kuwait tạo được dấu ấn bằng xạ thủ Việt kiều Nhật Bản có tên Iwaki Ai…

Trở thành… mốt?

Iwaki Ai (tên Việt là Nguyễn Hằng) hiện 15 tuổi, đã được triệu tập vào đội tuyển trẻ bắn súng quốc gia. Cô đang là VĐV thuộc đội bắn súng TP Hồ Chí Minh. Dự giải bắn súng vô địch châu Á 2015, Iwaki Ai đã đạt HCĐ cá nhân bài bắn 10m súng trường hơi tiêu chuẩn lứa tuổi thiếu niên. Đây là dấu ấn khá tốt của cô gái này trong lần đầu được dự một giải cấp độ châu Á. Có thể xem, đội bắn súng quốc gia triệu tập một VĐV người Việt kiều như Iwaki Ai là đột phá.

Dù thực tế, Iwaki Ai (có bố là người Nhật Bản, mẹ là người Việt Nam) được sinh tại Việt Nam và sinh sống sử dụng ngôn ngữ Việt như một người Việt Nam bình thường. Môn bơi cũng là môn gây bất ngờ bằng làn gió mới cùng một số VĐV Việt kiều. Lần đầu tiên trong một giải bơi VĐQG, tại cuộc thi đấu giải VĐQG 2015, môn bơi có một VĐV Việt kiều đăng ký thi đấu. Nguyễn Yung Thomas là kình ngư Việt kiều Mỹ đã khoác áo đội bơi An Giang tranh tài ở giải VĐQG 2015. Hiện chàng trai này 23 tuổi.

Tổng thư ký, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam – ông Đinh Việt Hùng cho biết, nếu không có gì thay đổi thì Nguyễn Yung Thomas sẽ được triệu tập vào ĐTQG và là một trong những kỳ vọng giành chuẩn A Olympic 2016 cho các VĐV nam của bơi Việt Nam. Tại giải bơi VĐTG 2015, đội bơi Việt Nam cũng gây bất ngờ qua việc đăng ký gương mặt khá lạ Lê Nguyễn Paul tham gia tranh tài. Đây là kình ngư cũng trưởng thành từ tập luyện, thi đấu bơi tại Mỹ.

Môn có nhiều VĐV Việt kiều tham gia tập luyện, thi đấu nhất là quần vợt. Tại giải quần vợt toàn quốc 2015 tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua, có 3 tay vợt Việt kiều đăng ký thi đấu gồm chị em Lian Trần, Demi Trần (Bình Dương), Alexander Trương Giang Thanh (TP Hồ Chí Minh). Trong môn quần vợt, hiện có nhiều VĐV Việt kiều đang tìm hướng về Việt Nam thi đấu hoặc đầu quân cho các đơn vị. Còn nhớ năm 2007, tay vợt Việt kiều người Nhật Bản có tên Lê Minh đã tốn khá nhiều giấy mực báo giới khi về đầu quân cho Hà Nội. VĐV này được xem là một trong những người mở đầu trào lưu này trong làng quần vợt nói chung. Với đội bóng rổ Sài Gòn Heat, họ đã bước vào giải nhà nghề Đông Nam Á 2015, đồng thời phải mời về cầu thủ Nguyễn Tuấn Tú (Việt kiều người Thụy Điển) khoác áo hòng đạt thứ hạng cao. Tiếc là Tuấn Tú gặp chấn thương, nên đội bóng thua liên tiếp tại 2 vòng đầu.

Xạ thủ trẻ Iwaki Ai vừa giành HCĐ tại giải vô địch bắn súng châu Á 2015.

Có tạo được sự công bằng?

Dễ nhận thấy, các môn thể thao dần đưa VĐV Việt kiều vào thi đấu ngoài mục tiêu gia tăng thành tích cũng để tạo sự cạnh tranh với các VĐV quốc nội. Khi có VĐV Việt kiều, VĐV nội phần nào e dè, vì ít nhất, những gương mặt mới được đào tạo và tập luyện cơ bản từ nhỏ tại nước ngoài, nên có lợi thế hơn trước VĐV trong nước. Tuy nhiên, không hẳn cứ VĐV Việt kiều sẽ mạnh hơn VĐV trong nước. Điển hình là Nguyễn Yung Thomas, thi đấu tại giải bơi VĐQG 2015 vừa qua, nhưng không đoạt được HCV nào. Hay Iwaki Ai, cô vẫn còn ở nhóm tuổi trẻ nên dù đã thi đấu một số giải cùng các xạ thủ lớn tuổi, nhưng chưa thể là người chiến thắng. Tất cả đều mong muốn có một sự công bằng rằng VĐV Việt kiều muốn lên đội tuyển, thì họ đều phải tham gia thi đấu giải cấp độ vô địch quốc gia qua đấy mới có cơ sở để được lựa chọn. Bằng không, các đội tuyển rất dễ gặp sự bất mãn hoặc vô tình VĐV Việt kiều có thể bị cô lập. Theo một số trưởng bộ môn, các môn thể thao thuộc nhóm Olympic như bắn súng, bơi… có VĐV Việt kiều tham gia nhằm cải thiện tốt thành tích. VĐV tốt nhất sẽ được tuyển chọn và điều ấy đang theo đúng quy luật của thể thao hiện đại thế giới. Trong một số lần chia sẻ, lãnh đạo bộ môn TDDC cho biết cũng đang theo dõi một VĐV Việt kiều Canada để có thể đưa cô vào đội tuyển vì đây là VĐV có năng lực tốt. Điền kinh trước kia cũng tính mời VĐV Việt kiều Bulgaria là Vannia Nguyễn về thi đấu, nhưng do những thủ tục không kịp thời, nên kế hoạch đã bất thành.

Tất cả vì mục tiêu Olympic

Thể thao Việt Nam vẫn đau đáu mong một lần giành được HCV tại Olympic. Vì thế, các môn thoáng hơn trong quản lý để nhiều VĐV Việt kiều được cơ hội tham gia tập luyện, thi đấu qua đó có thể vào đội tuyển chính hướng cho mục tiêu tranh chấp ở Olympic.

Như nhóm VĐV bơi với Nguyễn Yung Thomas và Lê Nguyễn Paul được môn bơi kỳ vọng có thể vượt thêm chuẩn A giành suất cho chúng ta dự Olympic 2016 ở môn này. Những VĐV như Nguyễn Yung Thomas, hay Lê Nguyễn Paul có thể chưa phát lộ hết được năng lực nhưng họ có lợi thế hơn VĐV bơi tại Việt Nam là đang sinh sống ở Mỹ, được hưởng những chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể thao tốt. Tuy vậy, để tranh được suất vào tuyển sẽ rất quyết liệt và VĐV Việt kiều cũng như VĐV trong nước đều phải thể hiện được khả năng thì mới được lựa chọn.

Đa phần VĐV Việt kiều thường dành thời gian tập luyện ở nước ngoài nhờ ưu thế về tài chính nên các môn được giảm nhẹ gánh nặng chi phí tập huấn như phải dành cho VĐV trong nước. Thế nhưng, chưa hẳn VĐV tập luyện tại Việt Nam sẽ có kết quả không cao và một ví dụ cụ thể thấy rõ chính là VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.