Thể thao Việt Nam: Cơ chế của sự chuyển đổi

Thứ Ba, 05/04/2016, 10:38
Đội bóng đá nam CLB Hà Nội xin chuyển vào TP Hồ Chí Minh và sẽ đổi tên thành CLB bóng đá Sài Gòn trong thời gian sắp tới. 

Chủ trương và thủ tục gần như hoàn tất. Thời điểm ra mắt trên sân vận động mới (sân Thống Nhất – TP Hồ Chí Minh) dưới cái tên mới của đội bóng này ở V-League 2016 còn tính bằng ngày. Với thể thao Việt Nam nói chung, rất nhiều sự chuyển đổi theo các hình thức khác nhau đã được diễn ra…

Đâu chỉ bóng đá

Nhiều người vẫn nhớ, trong bóng chuyền, nhiều đội bóng nổi danh thời kỳ các năm 1990 như Dệt Nam Định, Bưu điện Hà Nội, Seaporodex. Dệt Thành Công… đã phải giải tán vì đơn vị đầu tư gặp khó kinh tế. Trong đó, cụ thể nhất là đội bóng nữ Dệt Nam Định. Từng oai danh một thuở ở làng bóng chuyền nữ miền Bắc nhưng sau khi Công ty Dệt Nam Định khó khăn về kinh tế, không đủ tài chính nuôi đội bóng, phiên hiệu này phải chuyển đổi. 

Rất may mắn, họ đã được Ngân hàng Công Thương tiếp nhận. Thay đổi hẳn cả về tên lẫn phương thức hoạt động, đầu tư, những tay đập của nữ Nam Định (khi đó) đã tìm được một chốn tiếp tục đeo đuổi giấc mơ thể thao. Chuyển địa điểm (từ Nam Định về Hà Nội) tập luyện lẫn thay tên đổi họ, bóng chuyền nữ Dệt Nam Định đã không tồn tại nữa và là một kỷ niệm cũ của làng bóng chuyền miền Bắc. Bây giờ, CLB Ngân hàng Công Thương đang là một trong những đội mạnh nhất nhì bóng chuyền nữ Việt Nam. Đội bóng này cũng nổi lên thành trung tâm đào tạo vận động viên trẻ có thương hiệu cho ra mắt nhiều cầu thủ tốt.

Một sự thay đổi khác nhưng không tạo được hiệu quả như đội bóng chuyền Ngân hàng Công Thương là các đội bóng chuyền, bóng bàn của ngành Dầu khí. Khi ra đời năm 2009, Công ty cổ phần Văn hóa-thể thao dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) thành lập hẳn một đội bóng bàn. Lúc đó, họ đầu tư mạnh mẽ và mời được vận động viên nổi tiếng Đoàn Kiến Quốc về thi đấu. 

Sau năm năm hoạt động, đội bóng này đã bị giải tán. Một số tay vợt còn tâm huyết với bóng chuyền của ngành Dầu khí được chuyển tiếp về Công ty Petrosetco quản lý. Bóng bàn Dầu khí trên danh nghĩa vẫn tồn tại và vận động viên còn đăng ký thi đấu các giải thuộc hệ thống quốc gia. Tuy nhiên, thành tích mang lại được đã không ấn tượng. 

Chung số phận với họ, những đội bóng chuyền thuộc ngành Dầu khí như nữ Vietsov Petro, nam Tập đoàn Dầu khí QG, nữ Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương ra đời và cũng lần lượt giải thể ở năm 2014. Trong những trường hợp trên, sau chủ trương không duy trì các đội thể thao từ cấp chủ quản, các đội bóng lại không kịp thời gian chuyển đổi cho đơn vị khác. Thêm nữa, họ rơi vào giai đoạn những môn thể thao ấy đang dư thừa lực lượng thi đấu nên việc bị giải thể đã thành sự thật.

CLB bóng đá Hà Nội đang là trường hợp điển hình của cơ chế chuyển đổi trong thể thao.

Sự tồn tại trong bao lâu

Chưa biết việc thay đổi và di chuyển hẳn từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sẽ tạo sức bật cho đội bóng của chủ tịch Nguyễn Giang Đông và HLV Nguyễn Đức Thắng hay không. Tất cả thấy rằng, tập thể đội bóng CLB Hà Nội đã được lên giây cót tinh thần nỗ lực cao nhất ngay khi họ được khoác tên mới. 

Chuyện những đội thể thao về bóng chuyền, bóng bàn phải lo đủ lương, thưởng dành cho vận động viên qua đó mới duy trì tồn tại là vấn đề không nhỏ. Tổng cộng một đội bóng chuyền có 17 người (12 cầu thủ chính, ban huấn luyện 5 người) còn bóng bàn tất tật chưa đến 10 người. Chi phí duy trì cho họ không quá lớn. Thế nhưng, sự gánh gồng dài hạn lại là bài toán không dễ giải cho từng đơn vị. 

Với bóng đá, số người đông (không dưới 35 thành viên cho 1 đội) khiến chi phí rất tốn kém. Vì thế, cần những sự đầu tư mạnh mẽ hơn, cần tính phát triển lâu dài, CLB Hà Nội chọn nơi phát triển mới tại TP Hồ Chí Mình là lẽ dĩ nhiên. Trước hết, bất kỳ đội thể thao nào, bản thân lãnh đạo đội bóng đảm bảo được cuộc sống cho những cầu thủ, huấn luyện viên của mình thì đều chấp nhận được. Chí ít, người lao động không bị thất nghiệp. Tuy vậy, duy trì rồi tạo sức bật vươn lên giành kết quả tốt hay vẫn làng nhàng như thể góp mặt cho đủ đáng bị đặt dấu hỏi về sự tồn tại.

Người Hà Nội sẽ ra mắt trên sân Thống Nhất

Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Hà Nội đã gửi văn bản đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thông tin về việc đổi tên công ty và chuyển trụ sở CLB từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, công ty này bổ sung hai cổ đông hiện là doanh nghiệp hoạt động tại TP Hồ Chí Minh cũng như đổi tên công ty với tên gọi mới là Công ty cổ Phần phát triển bóng đá Sài Gòn và sẽ đặt trụ sở tại số 31 đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ của công ty này là 25 tỉ đồng. Đội bóng CLB Hà Nội đổi tên gọi thành CLB bóng đá Sài Gòn. 

Theo tìm hiểu, các bên đã làm việc với Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh để xin phép sử dụng sân vận động Thống Nhất làm sân nhà. Lãnh đạo công ty trên khẳng định, việc đổi tên và trụ sở không làm thay đổi chủ sở hữu cũng như các quyền và nghĩa vụ của CLB với VFF, VPF, giải đấu và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Khi các thủ tục hoàn tất thì dự kiến CLB bóng đá Sài Gòn sẽ ra mắt khán giả thành phố mang tên Bác vào ngày 17-4 trên sân Thống Nhất tại vòng 6 V-League 2016. 

Chia sẻ mới đây trên báo chí, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh – ông Trần Anh Tú bày tỏ quan điểm rằng nếu CLB bóng đá Sài Gòn thi đấu bóng đá đẹp, cống hiến thì có thể khán giải sẽ đến sân đông. Khán giả phải xem đội bóng chơi như thế nào rồi mới bày tỏ quan điểm yêu hay không yêu, đón nhận hay quay lưng.                                         

D.P.

Diệu Phương
.
.
.