Tài trợ cho cá nhân VĐV thể thao: Cuộc cạnh tranh không dễ dàng

Thứ Tư, 24/02/2016, 17:53
Chúng ta có nhiều VĐV thể thao nổi tiếng và được thế giới biết đến. Thế nhưng, nhiều người trong số họ rất ít khi được một nhãn hiệu sản xuất đồ thể thao tìm tới tài trợ. So sánh trên phương diện thể thao, Nguyễn Tiến Minh vẫn đang là số 1 về kiếm tài trợ.


Không phải ngôi sao nào cũng được

Tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh vừa ký hợp đồng tài trợ từ hãng sản xuất đồ thể thao Mizuno (Nhật Bản). Tay vợt người TP Hồ Chí Minh là số ít vận động viên hút được tài trợ nhiều nhất trong làng thể thao nước nhà. Mức tài trợ mới dành cho Tiến Minh của thương hiệu trên là 1 tỷ đồng/năm. 

Trước khi đến với nhãn hàng của Nhật Bản, Tiến Minh đã gắn bó với 3 thương hiệu quốc tế khác chuyên về đồ thể thao cầu lông. 

Còn nhớ, hai đại kiện tướng cờ vua là Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn từng được liên đoàn cờ Việt Nam tài trợ lên tới 200 nghìn USD (trong đó Liêm được tài trợ 150 nghìn USD, Trường Sơn là 50 nghìn USD). Mức tiền giải ngân cho vận động viên khi ký kết được cam kết theo các năm. 

Tuy nhiên, hợp đồng tài trợ trên đã không đi tới cuối con đường. Vận động viên không nhận đủ tài trợ do liên đoàn cờ Việt Nam không kêu gọi được doanh nghiệp tài trợ. Liêm và Sơn vẫn chỉ được tiếng chứ không có… miếng.

Tiến Minh là vận động viên đang đứng đầu về tìm tài trợ cá nhân.

Những tuyển thủ hàng đầu của thể thao Việt Nam lúc này như Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)… đều chưa có được nhà tài trợ riêng về đồ thể thao. Duy nhất trong số này, Ánh Viên đã được hãng sản xuất đồ bơi có tiếng thế giới là Speedo tài trợ đồ thi đấu. 

Nhãn hiệu Yonex khi thâm nhập thị trường thể thao Việt Nam đã ký tài trợ cho Tiến Minh. Giai đoạn về sau, Yonex cũng không thể tài trợ cho Tiến Minh trước yêu cầu số tiền lớn. 

Phan Thị Hà Thanh hay Nguyễn Thị Huyền và nhiều vận động viên khác nói chung, khi thi đấu, họ phải bỏ tiền túi để mua đồ thể thao phục vụ bản thân. Điều này là thực tế với các vận động viên Việt Nam hiện tại. 

Với môn bóng đá, người được xem là nổi bật nhất về ký các hợp đồng quảng cáo là Lê Công Vinh. Tuy nhiên, giới thể thao xác định rất rõ giữa tài trợ và làm quảng cáo. Công Vinh nổi tiếng như vậy nhưng cầu thủ này chưa được một nhãn hiệu dụng cụ thể thao nào tìm tới ký hợp đồng tài trợ riêng. Đưa ra những ví dụ cụ thể để thấy, các nhãn hiệu dụng cụ thể thao quốc tế vẫn rất dè dặt ở thị trường Việt Nam.

Đừng thua trên sân nhà

Thực tế, về phương diện sản xuất dụng cụ thể thao, tại thị trường quốc nội, chúng ta đang có nhãn hàng Động Lực đủ sức cạnh tranh các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, nhãn hàng này chưa thể đánh bật các đối thủ nước ngoài khác để độc quyền tài trợ cho VĐV thể thao ở Việt Nam. 

Đơn cử, bóng đá Việt Nam trước được nhãn hàng Adidas (Đức), Lining (Trung Quốc) rồi Nike (Mỹ) tài trợ nhiều nhưng sau một thời gian tìm tài trợ khó khăn, môn này phải ký kết hợp đồng với Grandsport (Thái Lan). Chưa một lần, môn bóng đá tính tới đồ thể thao Động Lực. Các thương hiệu sản xuất đồ thể thao khi vào Việt Nam đều muốn phát triển thị trường. 

Điều khó khăn ở chỗ, mức thu nhập của người dân có hạn nên không thể bỏ tiền triệu đồng ra mua đồ thể thao xịn. Do tư duy không dùng hàng chính hãng từ người dân khiến các thương hiệu rất khó phát triển rộng. Sản phẩm của thương hiệu Động Lực được xem có mức giá vừa tầm cho người chơi thể thao nói chung. Nhưng, sức tiêu thụ là thấp. Do đó, bài toán đặt ra là làm thế nào sản phẩm nội tạo được sức hút để vượt trên sản phẩm ngoại ngay trên thị trường trong nước.

Tự thân là chính

Thạch Kim Tuấn của môn cử tạ đang là niềm hy vọng huy chương số 1 của thể thao Việt Nam tại Olympic 2016 sắp tới. Tất cả đồ trang bị cá nhân của Tuấn lúc này đều do bản thân tự sắm hết. Môn cử tạ có đặc thù riêng cần những đồ thể thao phải đạt chuẩn như thắt lưng, quần áo, giầy. 

Khi dự giải thi đấu nước ngoài, huấn luyện viên Huỳnh Hữu Chí (thầy trực tiếp của Tuấn) đều tự tìm tới các cửa hàng bán dụng cụ của môn cử tạ để mua đồ thể thao cho học trò. Nhiều môn thể thao có đặc thù riêng nên rất khó đòi hỏi các thương hiệu dụng cụ thể thao tài trợ đầy đủ. Vì thế, bản thân vận động viên và huấn luyện viên phải trang bị cho mình để sao cho phù hợp nhất. 

Môn điền kinh là môn được quan tâm nhất nhì làng thể thao Việt Nam lúc này. Hiện tại, phụ kiện thi đấu ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả chuyên môn chính là giầy thì vận động viên phải tự bỏ tiền mua ở các thương hiệu quốc tế. Đây là dụng cụ thi đấu đặc thù, nếu không tự trang bị, vận động viên không biết lúc nào mới có nhà tài trợ riêng tìm đến mình.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.