Sau 100 năm, thể thao Anh lại bước vào một “cuộc chiến”

Chủ Nhật, 05/04/2020, 07:46
Hơn 100 năm trước, vào thời điểm chiến tranh thế giới thứ Nhất sắp kết thúc, một con tàu chở những hành khách từ nước Mỹ cập cảng Manchester.

Trong hành trình vượt Đại Tây Dương, họ bị nhiễm một loại virus cúm và nhanh chóng biến chứng sang bệnh viêm phổi. Lần đầu tiên trong thế kỷ XX, nước Anh đứng trước thảm họa còn tồi tệ hơn cả những năm tháng bom đạn trong Thế chiến.

Những sân vận động  biến thành bệnh viện

Bà Gerdart, người đứng đầu bệnh viện Chữ thập đỏ của Manchester cùng những nhân viên tình nguyện của mình, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng bản thân để đón nhận những người bệnh. Trong 12 tuần sau đó, họ đã làm hết sức để cứu chữa các bệnh nhân.

Bệnh viện quá tải, sân Old Trafford được trưng dụng. Giường của các bệnh nhân được kê la liệt ở khắp mọi nơi, từ phòng họp, phòng thay đồ của các cầu thủ đến hành lang, thậm chí trong những ngày đẹp trời, một số giường bệnh được chuyển lên… nóc sân. “Nhà hát của những giấc mơ” khi đó thực sự là “Nhà hát của cơn ác mộng”. 

Những ca bệnh nặng dần lên, nhiều người vĩnh viễn không thể hồi phục. Họ nằm tuyệt vọng trên giường, nhìn ra cửa sổ xuống khoảng sân màu xanh phía dưới, nơi những bệnh nhân khác có chuyển biến tích cực được phép đi dạo vài tiếng mỗi ngày.

Sau này trong một hồi ký xuất bản năm 1928, nhân viên phòng thay đồ William Howard kể lại chi tiết những nỗi ám ảnh ngày tháng “trực chiến”, điều trị cho các bệnh nhân từ nước Mỹ. 

Ông được giao nhiệm vụ giúp những người không có khả năng hồi phục có thể ra đi nhẹ nhàng nhất. “Tôi nhận ra cái chết thật quá dễ dàng. Lúc đó, Old Trafford không khác gì một trụ sở của tử thần” – Ông chia sẻ.

Từ trước đó, trong suốt thời gian thế chiến, người Anh đã quen với việc các trường học, khách sạn hay các ngôi nhà ngoại ô được trưng dụng để phục vụ chiến tranh. Chiến sự ở đâu cũng vậy. 

Người Anh ước tính rằng các cơ sở của họ sẽ đón được khoảng 50.000 thương binh trở về từ cuộc chiến. Thế nhưng ngay trong năm đầu của Thế chiến I, họ đã “vỡ trận” khi có tới 73.000 thương bệnh binh về nước.

Các bệnh viện không đủ giường nằm, bệnh viện dã chiến ở các nơi khác cũng cạn dần chỗ. Cuối cùng, phương án tốt nhất là trưng dụng các sân vận động. Ngày 9/12/1914, sân nhà của đội bóng cricket Count Nottinghamshire chính thức trở thành một bệnh viện khổng lồ, cho thấy mức độ tàn khốc của chiến tranh.

Trong 4 năm rưỡi tiếp theo, số giường bệnh trong sân tăng từ 36 lên 200, 3.500 người đã được điều trị tại đây. Đặc biệt, bệnh viện Pavilion VAD trong SVĐ Count Nottinghamshire gồm toàn các tình nguyện viên nữ, phần lớn trong số họ hoàn toàn không có kinh nghiệm hay kiến thức y tế trước đó. 

Mọi công việc được điều hành bởi bác sĩ George Ogg Hauld, người từng là đội trưởng của Count Nottinhamshare. Ông và những người phụ nữ làm việc trong bệnh viện dã chiến này đã được vinh danh vì những nỗ lực cứu chữa thương bệnh binh suốt thời gian Thế chiến thứ I diễn ra.

Sân Etihand cũng sẽ được trưng dụng trong cuộc chiến với COVID-19.

Cuộc chiến tiếp theo

Không một ai trong số chúng ta, khi đã được xem những bức ảnh về chiến tranh trong bảo tàng, trên báo chí hay Internet, lại muốn rơi vào hoàn cảnh đó. Nhưng rồi cuộc chiến vẫn diễn ra, theo một ý nghĩa khác. Năm 2020, thế giới đang trải qua thời khắc lịch sử trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

Và một lần nữa, như hơn 100 năm trước, các đội thể thao ở xứ sở sương mù lại đóng góp một phần quan trọng vào cuộc chiến này. SVĐ Cardiff, sân nhà của ĐTQG bóng bầu dục Xứ Wales, đã trở thành bệnh viện dã chiến 2.000 giường bệnh, hỗ trợ giảm tải cho các bệnh viện khác. Sắp tới đây, sân Wembley và khu tập luyện của FA tại St Georges Park cũng có thể được trưng dụng để hỗ trợ đội ngũ y tế đang căng mình lên trong cuộc chiến với virus corona.

Các đội bóng ở Ngoại hạng Anh cũng sẵn sàng chia sẻ cơ sở vật chất của mình. Man City biến Etihad thành nơi đào tạo các y bác sĩ để cung cấp lực lượng ra tuyến đầu trong khi Chelsea sẵn sàng cung cấp chỗ ở cho những người trong diện cách ly.

Những đóng góp đó sẽ càng nhiều hơn trong tương lai. Đầu tuần này, thị trưởng London Sadiq Khan đã gửi thư đến các đội bóng tại Premier League và Championship của thành phố yêu cầu hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất và nhân lực tình nguyện cho cuộc chiến chống lại Covid-19. 

Các đội bóng với nền tảng tài chính tốt cùng với hệ thống cơ sở vật chất, trong đó có các thiết bị y tế, có thể đóng góp rất nhiều cho cộng đồng vào thời điểm này. Trách nhiệm xã hội của các đội bóng, các VĐV đang cần được phát huy một cách tối đa.

Đây là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà những người dân nước Anh (và có lẽ ở bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới) dành sự quan tâm, đánh giá cao các nhân viên y tế hơn là các cầu thủ triệu phú. Bất cứ cuộc chiến nào cũng cần có những người hùng, giống như bác sĩ George Ogg Hauld cách đây hơn 100 năm.

Những địa điểm tổ chức thể thao, các sân vận động là nơi luôn tràn ngập niềm vui, sự đam mê và máu lửa. Nhưng trong tình cảnh hiện tại, nó có thể đóng góp cho xã hội theo một cách hoàn toàn khác. 

Etihad, Emirates, Stamford Bridge, Old Trafford, Anfield... hay các địa điểm khác, của các môn thể thao khác đều đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới. Xét cho cùng, những đóng góp đó cũng sẽ giúp cho các hoạt động bình thường có thể trở lại sớm nhất.

Đơn Ca
.
.
.