SEA Games 30: Chờ đợi từ mỏ vàng võ thuật

Thứ Năm, 28/11/2019, 09:46
Cách đây ít ngày, khi chuẩn bị lên đường sang Philippines tham dự SEA Games 30, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn tiếp tục khẳng định mục tiêu giành hơn 65 Huy chương vàng (HCV) của các tuyển thủ Việt Nam. Đấy không hẳn là mục tiêu ngoài tầm với khi nhiều môn võ có tên trong chương trình thi đấu SEA Games 30.


Khi những môn thế mạnh trở lại

Dù không nêu rõ nhưng không ít kỳ vọng của lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam được đặt vào những môn võ tại SEA Games 30. Đúng là điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn cung, rowing… vẫn sẽ là mối quan tâm hàng đầu và luôn là chủ lực của Đoàn Thể thao Việt Nam trong hành trình chinh phục những tấm HCV SEA Games đồng thời khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam trong hệ thống những môn thi đấu Olympic.

Theo ước tính, nhóm môn này sẽ phải giành khoảng 35 HCV - 40 HCV mới có thể giúp thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu đoạt hơn 65 HCV tại SEA Games 30. Số còn lại sẽ phải trông vào những môn võ và một số môn khác như cờ vua, thể thao điện tử…
Vận động viên Trần Thị Thêm (phải) – hy vọng “vàng” của pencak silat Việt Nam tại SEA Games 30.

Trong danh sách đăng ký thi đấu tại SEA Games 30, có 13 đội tuyển võ thuật Việt Nam gồm taekwondo, karate, judo, pencak silat, wushu, vật, jujitsu, kurash, muay, boxing, kick boxing, võ gậy (arnis), sambo.

Trong số này, vật và muay là những thế mạnh của thể thao Việt Nam. Đặc biệt, phải kể tới môn vật, đã không trong chương trình thi đấu từ ở 2 kỳ SEA Games gần đây. Lần SEA Games gần nhất có môn vật trong chương trình thi đấu là vào năm 2013 tại Myanmar.

Năm đó, các đô vật Việt Nam thi đấu áp đảo trước các đối thủ để giành ngôi Nhất toàn đoàn. Nhưng chính sự áp đảo của vật Việt Nam đã khiến môn vật không trong chương trình thi đấu ở 2 kỳ SEA Games tiếp theo tại Singapore và Malaysia. Phải đến khi Philippines, quốc gia có môn vật khá phát triển ở Đông Nam Á đăng cai SEA Games 30 thì vật mới có tên trong chương trình thi đấu.

Đến SEA Games 30, dù các đô vật Thái Lan, Philippines đã có những bước tiến nhất định nhưng vật Việt Nam vẫn đặt mục tiêu giành từ 6 đến 8 HCV trong tổng số 14 HCV của môn vật. Đó là chỉ tiêu trong tầm với của các đô vật Việt Nam.

Tuy  nhiên, không ít lần các đô vật Việt Nam đã phải thất bại đau đớn vì những quyết định khó hiểu của trọng tài tại SEA Games. Cho nên, mục tiêu giành 6-8 HCV mới được xem là vừa phải với đội tuyển vật Việt Nam. Nhưng cũng chỉ nhờ sự góp mặt trở lại của môn vật mà thể thao Việt Nam mới tự tin có thể giành hơn 65 HCV tại SEA Games tới.

Ngoài môn vật, còn phải kể tới môn muay, nơi thể thao Việt Nam đang sở hữu võ sĩ hàng đầu thế giới Bùi Yến Ly. Nữ võ sĩ này cũng như nhiều võ sĩ nữ khác đã phải làm khán giả bất đắc dĩ ở đấu trường SEA Games năm 2015 và 2017 do nội dung của nữ không trong chương trình thi đấu. Đến kỳ SEA Games này, cô gái này mới có cơ hội giành tấm HCV thứ hai tại đấu trường SEA Games.

Điều lệ của SEA Games 30 không có hạng 51kg nữ, hạng cân sở trường của Bùi Yến Ly. Vì vậy, cô gái này đành thi đấu ở hạng 54kg, nơi có sự cạnh tranh quyết liệt hơn. Nhưng chỉ cần Bùi Yến Ly tham gia thi đấu thì cơ hội giành thêm 1 HCV ở SEA Games 30 của nhóm các môn võ trong Đoàn Thể thao Việt Nam cũng tăng lên đáng kể.

Nếu kể về sự quay trở lại còn phải đề cập đến môn võ gậy – môn thể thao truyền thống của Philippines. Tại SEA Games 2005, võ gậy có tên trong chương trình thi đấu. Nhưng từ đó cho đến SEA Games 29 năm 2017, môn võ này không một lần xuất hiện. Phải đến kỳ SEA Games được tổ chức tại chính Philippines này, võ gậy mới xuất hiện trở lại. Nhờ đó, đội tuyển võ gậy Việt Nam mới được thành lập để mục tiêu giành tối thiểu 1 HCV.

Rõ ràng, sự trở lại của nhiều môn, nội dung võ đã mang đến không ít cơ hội giành  HCV tại SEA Games cho thể thao Việt Nam.

Không ít khó khăn

Dù vậy, việc cắt giảm nhiều nội dung thi đấu cũng gây nên những khó khăn nhất định, khiến nhiều đội tuyển võ phải giảm chỉ tiêu so với các kỳ trước như wushu, pencak silat… Rõ nhất là trường hợp của đội tuyển pencat silat. SEA Games 30 cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, đội tuyển pencak silat chỉ đăng ký giành 1 HCV tại đấu trường SEA Games.

Trong khi đó, tại SEA Games 29, đội tuyển pencak silat đã giành 5 HCV. Tuy nhiên, đấy là chuyện bình thường khi tại SEA Games 30 chỉ có 5 hạng cân đối kháng nam nữ thay vì 14 hạng cân như ở SEA Games trước. Trong tình cảnh ấy, Ban huấn luyện đội tuyển cũng chỉ trông vào võ sĩ Trần Thị Thêm cho mục tiêu giành 1 HCV. Thậm chí, khả năng này cũng khó thành hiện thực nếu vấp phải sự điều hành khó hiểu từ đội ngũ trọng tài như nhiều kỳ SEA Games trước.

Rồi một số môn khác cũng vấp phải khó khăn ngoài dự đoán trong đó có karate. Ban đầu, đội tuyển đặt mục tiêu giành 5-6 HCV nhưng rồi những trụ cột như Nguyễn Minh Phụng, Nguyễn Thị Ngoan chia tay đội tuyển vì chấn thương, chuyển sang huấn luyện… đã khiến kế hoạch của đội tuyển bị ảnh hưởng. Vì vậy, Ban huấn luyện chỉ còn đặt mục tiêu giành 3-4 HCV tại SEA Games lần này.

Trong khi đó, những môn mới xuất hiện tại SEA Games lần này như kurash, jujitsu, sambo… hoàn toàn là ẩn số với chính người trong cuộc. Khả năng giành và không giành HCV được đánh giá là 50-50. Có những vấn đề đã được dự báo và cũng có cả những phát sinh trong quá trình chuẩn bị nhưng rõ ràng, các môn võ thuật vẫn có thể giúp Đoàn Thể thao Việt Nam giành khoảng 20-25 HCV tại SEA Games 30. Vấn đề là các đội tuyển phải có đủ vận may và cả sự vượt trội trước các đối thủ.

Các võ sĩ Bộ Công an hy vọng đóng góp huy chương cho Đoàn Việt Nam

Tại SEA Games 30, trong các môn võ thuật của Đoàn Thể thao Việt Nam, các võ sĩ Bộ Công an góp mặt ở 2 môn gồm judo và karatedo. Cụ thể, ở môn judo có Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phan Vũ Nam, còn ở môn karate có Sái Công Nguyên, Nguyễn Văn Hải, Đặng Hồng Sơn. Trong số này, các võ sĩ karate của Bộ Công an được kỳ vọng có thể mang về huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong thành phần Ban huấn luyện đội tuyển karate Việt Nam còn có sự góp mặt của huấn luyện viên kỳ cựu Phạm Hồng Hà (Bộ Công an). (Minh Hà)

Minh Khuê
.
.
.