Ông Đặng Trần Chỉnh và chuyện vị thế của huấn luyện viên

Thứ Năm, 09/05/2019, 07:49
Từ vị trí phụ trách đào tạo cầu thủ trẻ, HLV Đặng Trần Chỉnh được B.Bình Dương bổ nhiệm làm Giám đốc kỹ thuật CLB. Trùng hợp thay, ông trở lại công việc chuyên môn hàng ngày tròn 15 năm sau khi phơi bày mặt tối của bóng đá chuyên nghiệp qua câu nói: "Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ 3 chân".



"HLV la mắng cầu thủ, hậu quả khôn lường"

Tháng 5-2004, HLV Đặng Trần Chỉnh chia sẻ: "Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ 3 chân, HLV chỉ có 1 chân. Cầu thủ mà không ủng hộ thì HLV lãnh đủ". Trùng hợp thay, câu nói đó không chỉ là lời tổng kết của HLV Đặng Trần Chỉnh từ những gì ông tai nghe mắt thấy, mà còn vận vào chính nghiệp huấn luyện của ông sau này.

Năm 2003, ông Đặng Trần Chỉnh được bổ nhiệm làm HLV trưởng Cảng Sài Gòn (CSG) thay HLV Phạm Huỳnh Tam Lang. Ký ức của ông về mùa bóng năm đó gói gọn trong 2 chữ "khủng khiếp". 

Là người đã gắn bó với CSG suốt sự nghiệp cầu thủ, rồi sau đó chuyển sang công tác huấn luyện, HLV Đặng Trần Chỉnh chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày CLB phải xuống hạng. Một tay đưa CSG trở lại hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng sau đó HLV Đặng Trần Chỉnh cũng phải rời CSG vào năm 2007 vì không được lòng cầu thủ.

Hết duyên với CSG, hơn 1 thập niên qua HLV Đặng Trần Chỉnh gần như gắn bó với bóng đá Bình Dương. Từ B.Bình Dương đến đội trẻ TDC Bình Dương, HLV Đặng Trần Chỉnh đã kinh qua mọi chức vụ cao nhất, dù là HLV trưởng hay GĐKT, HLV đội trẻ. Năm lần bảy lượt tiếp quản trọng trách ở Bình Dương, ông tâm niệm với nghề HLV, chuyện mất việc là điều bình thường chứ chẳng còn đáng sợ như trước nữa.

Theo HLV Đặng Trần Chỉnh, làm HLV ở Việt Nam rất đặc thù. HLV không chỉ là một người quản lý, một tấm gương, mà còn phải "được cầu thủ thương". Khi cầu thủ mắc sai lầm, cần hiểu tâm tư để thuyết phục họ. La mắng, mạt sát cầu thủ là điều tối kỵ, bởi nó có thể đem lại những hậu quả khôn lường cho HLV. Bóng đá Việt Nam đã đi theo mô hình chuyên nghiệp, nên chuyện thay HLV giữa mùa giải không lạ.

Tuy nhiên, câu nói "ghế HLV có 4 chân, cầu thủ giữ 3 chân" của HLV Đặng Trần Chỉnh vẫn không hề thay đổi sau 15 năm. Ít ngày trước, HLV Trần Minh Chiến thẳng thừng nói ông từ chức HLV trưởng B.Bình Dương vì lòng tự trọng của bản thân, sau khi không kiểm soát được phòng thay đồ. Trước đó vào năm 2015, HLV Lê Thụy Hải cũng từng phải ra đi vì mâu thuẫn với các cầu thủ.

Từng lầm lỡ, HLV Đặng Trần Chỉnh may mắn được trao cơ hội làm lại từ đầu với bóng đá.

Lầm lỡ, may mắn và những hạt mầm cho tương lai

Khi còn làm cầu thủ, Đặng Trần Chỉnh là hậu vệ cánh xuất sắc của CSG và từng có thời gian lên ĐTQG. Tuy nhiên, sự nghiệp quần đùi áo số của ông lại gập ghềnh, chông gai chẳng khác gì nghiệp HLV sau này. 

Năm 1991, Đặng Trần Chỉnh được gọi để chuẩn bị tham dự SEA Games 16, tuy nhiên ông cùng một vài đồng đội tự ý bỏ về. Hành động này khiến Đặng Trần Chỉnh nhận án kỷ luật 2 năm. Đến năm 1995, ông tiếp tục dính líu đến bê bối tại giải vô địch quốc gia và phải giải nghệ.

Quãng thời gian chìm nổi khiến HLV Đặng Trần Chỉnh hiểu rõ mặt tối của môn thể thao vua. Từ ngày bóng đá Việt Nam chính thức nâng tầm chuyên nghiệp, lương thưởng của các cầu thủ tăng chóng mặt. Những khoản thu nhập chính đáng này tốt hơn rất nhiều so với các cầu thủ như thời Đặng Trần Chỉnh còn thi đấu, nhưng theo ông, chúng "chẳng thấm vào đâu so với việc làm độ".

1 năm sau khi HLV Đặng Trần Chỉnh hé lộ chi tiết đó, bóng đá Việt Nam rúng động với đường dây bán độ của U23 Việt Nam bao gồm cả Văn Quyến, Quốc Vượng. Bẵng đi một thời gian, câu chuyện bán độ lại rộ lên với vụ án của nhóm cầu thủ CLB Đồng Nai và XM The Vissai Ninh Bình vào năm 2014. Bê bối khiến ông bầu Hoàng Mạnh Trường sau đó tuyên bố giải thể đội Ninh Bình dù mỗi năm chi tới gần 50 tỷ đồng cho CLB.

Từng dính vào tiêu cực và phải trả giá vì điều đó, nhưng HLV Đặng Trần Chỉnh may mắn hơn rất nhiều những đồng nghiệp khác từng nhúng chàm. Năm 1996, ông được gọi trở lại CSG làm trợ lý cho HLV Phạm Huỳnh Tam Lang. 

Sau này, khi HLV Tam Lang lên ĐTQG, HLV Đặng Trần Chỉnh dần làm quen với công việc của HLV trưởng ở CSG. Bóng đá từng là đam mê, rồi lại trở thành chiếc phao cứu sinh cho cuộc đời HLV Đặng Trần Chỉnh. Vì thế, ông luôn tâm niệm phải làm việc thật tốt, đặt đạo đức lên hàng đầu, tránh xa mọi cám dỗ của quá khứ.

Không phải đến khi tiền đạo Tiến Linh chơi rực sáng trong màu áo B.Bình Dương và ĐT Việt Nam, sự mát tay trong công tác huấn luyện cầu thủ trẻ của HLV Đặng Trần Chỉnh mới được biết tới. 20 năm trước, ông từng rèn giũa một cầu thủ trẻ ở CSG có tên Nguyễn Minh Phương. 

Từ cậu bé chạy chân trần đá bóng, Minh Phương trở thành cầu thủ chuyên nghiệp dưới bàn tay của HLV Đặng Trần Chỉnh. Giành mọi vinh quang ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG, giờ đây Minh Phương nối gót người thầy năm xưa để trở thành HLV.

Từ Minh Phương đến những Tiến Linh, Anh Tỷ, HLV Đặng Trần Chỉnh có thể phần nào mãn nguyện khi chứng kiến những học trò của mình dần trưởng thành. Trong nhiệm kỳ thứ 4 ngồi "ghế nóng" ở Bình Dương, ông lại một lần nữa đương đầu với thách thức. Dù thành công hay thất bại, ông vẫn sẽ mỉm cười, bởi đó cũng chỉ là một chấm nhỏ phía sau một cuộc đời quá nhiều những chìm nổi, bôn ba.

Những thách thức cùng B.Bình Dương của HLV Đặng Trần Chỉnh

Trên cương vị GĐKT, HLV Đặng Trần Chỉnh và HLV trưởng Nguyễn Thanh Sơn có nhiệm vụ trước mắt là cải thiện thành tích thi đấu tại đấu trường quốc nội của B.Bình Dương. CLB này hiện đang đứng thứ 10 trên BXH V.League và mới chỉ thắng 2 trong 8 trận đã đấu. Phong độ hiện tại của Bình Dương cũng không tốt khi họ đã không thể giành chiến thắng trong 4 trận gần nhất, bao gồm 3 trận thua liên tiếp trước khi hòa CLB Hà Nội cuối tuần qua.

Đối thủ đầu tiên của HLV Đặng Trần Chỉnh sẽ là cuộc tiếp đón CLB Sài Gòn trên sân nhà vào ngày 10-5. Bên cạnh đó, B.Bình Dương hiện còn phải căng sức trên mặt trận AFC Cup. Họ sẽ đến làm khách trên sân của Ceres Negros giữa tuần tới. Hiện cơ hội đi tiếp của B.Bình Dương rất mong manh. Họ buộc phải giành chiến thắng ở những trận đấu còn lại để nuôi hy vọng đi tiếp với tư cách đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.

Cẩm Chi
.
.
.