Những ngày trở lại "buồn bã"

Thứ Hai, 12/11/2018, 18:41
Trở về - đó là hành trình quay lại một nơi ta vốn thuộc về, một nơi có thể gắn với những khoảng thời gian đáng nhớ nhất của một người. Trong bóng đá cũng có khái niệm về "ngày trở lại". Ngày trở lại có buồn có vui nhưng nói chung thường là đong đầy càm xúc và trong đêm qua (11-11) người ta được chứng kiến hai ngày trở lại như thế.

Sự chú ý của làng túc cầu dịp cuối tuần qua dồn cả về trận derby thành Manchester với hàng "núi thông tin bên lề" mà đặc biệt là về Man Utd. Các phương tiện truyền thông thi nhau phân tích phương án dùng quân của "Người đặc biệt", buổi tập trước trận hay chuyến xe bus đển khách sạn Lowry thường thấy của  Quỷ Đỏ trước mỗi trận đấu cũng đều nhận được sự chú ý đặc biệt. Thậm chí nhiều tờ báo còn khai thác cả một thông tin rò rỉ về đội hình cua Man Utd sẽ ra sân trong đêm ngày chủ nhật.

Man Utd vốn từ lâu là một tiêu điểm trong giới truyền thông về thể thao, không phải vì nó được dẫn dắt bởi một HLV giàu cá tính như Jose Mourinho mà bởi đội bóng đó có một lượng fan vô cùng đông đảo. Lượng fan đó gần như trung thành tuyệt đối với màu đỏ thành Manchester dù đội bóng này ngày nay chỉ là hình bóng của mình trong quá khứ. Số lượng fan trung thành đó của Quỷ Đỏ đến phần lớn vào giai đoạn đội bóng này thống trị giải Ngoại hạng và thời đại hoàng kim ấy gắn liền với tên tuổi một con người Alex Ferguson.

Sir Alex có một ngày "trở lại" không trọn vẹn.

Với gần 27 năm cùng Manchester United, người đàn ông đến từ Glasgow, Scotland này là huấn luyện viên gắn bó lâu nhất trong lịch sử câu lạc bộ . Đi cùng với thời gian kỷ lục đó là một bảng thành tích đồ sộ mà khó có người nào vượt được ông khi về dẫn dắt Man Utd. Dưới thời ông, Man Utd đã chính thức cân bằng rồi vượt qua Liverpool(đội bóng trước đó giàu thành tích nhất xứ sở sương mù) về số lần vô địch giải đấu cao nhất nước Anh.

Và đêm qua người đàn ông huyền thoại của các CĐV Quỷ Đỏ cũng đã trở lại. Alex Ferguson xuất hiện trước công chúng trở lại sau khi phải vào bệnh viện cấp cứu vì chứng xuất huyết nào. Có mặt trên khán đài Etihad, vị chiến lược gia huyền thoại chứng kiến đội bóng cũ của mình bị "người hàng xóm" dắt mũi như người lớn chơi với trẻ con. 

Trong trận derby thành Manchester , đội bóng cũ của Sir Alex thua tâm phục khẩu phục dù rằng nếu xét về lực lượng họ cũng không quá kém cỏi hơn các nhà đương kim vô địch. Vắng Pogba vì chấn thương nhưng Man Utd vẫn còn đó Sanchez, rồi Martial, hay thậm chí cả một Lukaku người đã đem về quả phạt đền trong hiệp 2. Không phải Man Utd thua vì họ không có những cầu thủ giỏi, họ thua vì họ không có một tinh thần chiến đấu máu lửa như chính họ trong thời Sir Alex

Cái tinh thần máu lửa chiến đấu đến cùng của thời Sir Alex với chức vô địch Champions League huyền thoại năm 1999 sẽ còn in đậm trong rất nhiều CĐV yêu nửa đỏ thành Manchester. Còn bây giờ hãy nhìn Man Utd có gì. Họ chơi bạc nhược, thiếu sức sống, màn lội ngược dòng trước Juventus cuối tuần trước hay trước đó là trận hòa trong thế thắng trên sân Stamford Bridge hóa ra chỉ là ảo ảnh. Giờ đây đội bóng của Mourinho quay lại với hình ảnh của chính mình.

Nguyên nhân nào dẫn đến "thảm trạng" hôm nay của Man Utd. Mỉa may thay nó lại đến từ chính cái thời đỉnh cao của họ. Vào những năm tháng hoàng kim đó, Alex Ferguson tại "nhà hát của những giấc mơ" không chỉ là một huấn luyện viên thuần túy, ông là một cái gì đó giống như một "ông trùm" hay "nhà độc tài" nhiều hơn.

Người ta kể rằng chiến lược gia Scotland nổi tiếng hay cáu giận và khi cần ông không phải nể nang bất kỳ ai. David Beckham dù "công lao hãn mã" vẫn có thể ăn một chiếc giày vào mặt khi dám bật lại "bố già". Và trước đó nữa cặp công thần Dwight Yorke và Andy Cole cũng có thể bị đẩy đi khi vị hlv này muốn cải tổ đội bóng.

Man City có một chiến thắng thuyết phục trước người hàng xóm.

Sự máu lửa của Man Utd thời đó được truyền đi từ vị HLV này và cũng bởi ông nắm toàn quyền quyết định nhân sự của đội bóng nên không có một học trò nào dù tài năng đến đâu dám "ho he"  làm phản.

Nhưng sau khi Sir Alex ra đi thì sao! Những người kế nhiệm ông không thể nào có cái quyền năng khủng khiếp đến thế dù là "Người được chọn" David Moyes hay Luis Van Gaal và giờ là "Người đặc biệt" Jose Mourinho. Những chiến lược gia đó hoàn toàn không kém tài năng bởi nếu họ không giỏi thì ban lãnh đạo Man Utd đã không chọn họ nhưng vấn đề ở đây là bóng đá đã thay đổi rồi.

Sir Alex ra đi vào đúng thời điểm giao thời của bóng đá lục địa già, trong thời đại mới không có chuyện một HLV có thể toàn quyền quyết định nhân sự một đội bóng, các ngôi sao đắt giá trong đội hình thậm chí còn có thể "cưa ghế của thầy" thông qua những cuộc tạo phản trong phòng thay đồ.  Trong cái thời đại của "bóng đá kim tiền" này thì dù ai đến Old Trafford cũng không thể tái tạo lại được thời kỳ vang son của Quỷ Đỏ nữa trừ phi họ có một "cuộc cách mạng" với nguồn đầu tư khủng khiếp như Chelsea hay chính Man City.

Ngồi trên khán đài người ta thấy Sir Alex trở lại và các CĐV đội khách như nhìn lại được một quá khứ vinh quanh của mình như nó mãi là thứ ảo ảnh xa vời như trăng dưới nước, hoa trong gương vậy.

Cũng trong đêm qua bóng đá thế giới cũng chứng kiến một ngày trở lại khác của một cái tên huyền thoại không kém : Lionel Messi. Siêu sao Argentina trở lại sau ba tuần phải ngồi ngoài sân vì chấn thương tay. Khốn khổ thay Barcelona lại nhận thất bại đầu tiên tại La Liga mùa này trong ngày trở lại của ngôi sao số 1. Đội chủ sân NouCamp bại trận trước một  Real Betis từng thua họ tới 15/16 lần gặp nhau trong 6 năm qua mà thua theo một cách thê thảm nhất.

Messi trở lại sau chấn thương nhưng Barcelona vẫn thua rất thảm.

30 phút sau khi bóng lăn, hàng thủ của Barca đã để hàng công tệ nhất La Liga mùa này chọc thủng lưới tới 2 lần. Và đến một người nổi tiếng chơi chắc chắn như  Ter Stegen cũng mắc sai lầm để biếu không cho đội khách một bàn thắng thì đúng là "hêt nói nổi". Thua một trận không phải là thảm họa  với Barca nhất là khi họ vẫn giữ được ngôi đầu trên bảng xếp hạng nhưng thảm họa thực sự đến từ diễn biến sau trận thua ấy. Gerard Pique một trong những thành viên kỳ cựu của "gã khổng lồ" bị đồng đội nhảy xổ vào chỉ trích vì bàn thua thứ 4 thay vì Rakitic - kẻ đã khiến Barca chỉ còn 10 người trên sân ở cuối trận sau một pha bóng vụng về.

Điều ấy nói lên điều gì? Chỉ một chữ thôi là đủ đó là "loạn". Cái loạn ấy không phải bây giờ mới xuất hiện, nó đã xuất hiện từ đầu mùa ngay khi Barca còn đang băng băng thẳng tiến với những chiến thắng liên tiếp. Nó thậm chí đã xuất hiện cả ở mùa trước khi Barca dừng bước tại Champions League sau trận đấu "không tưởng" trên sân Olympico.

Vậy nó xuất phát từ đâu. Nguyên nhân phải kể tới đầu tiên là từ sau thời Pep Guardiola ra đi. Sau cái kỷ nguyên mà tiqui-taca thống trị bóng đá thế giới cả ở cấp độ CLB và đội tuyển quốc gia ấy thì Barca đang cũng giống như Man Utd chỉ còn là hình bóng của chính mình. Kể từ sau lứa của những Messi, Iniesta thì lò đào tạo La Masia không còn tạo ra một ngôi sao nào đẳng cấp nữa.

Các HLV kế tục của Pep tin dùng những ngôi sao lớn được đưa về sân thay vì đặt hy vọng vào những ngôi sao của lò đào tạo trứ danh của CLB. Messi giờ đây đang dần mất đi những người hiểu anh nhất trên sân cỏ, sau khi những "bạn đồng lứa" tại La Masia dần giã từ sự nghiệp hoặc chuyển đi. Nếu ai xem kỹ trận đấu hôm qua có thể thấy lại một Messi thiên tài mà đơn độc như đã từng thấy ở anh trong màu áo đội tuyển Argentina ở World Cup 2018  vừa qua.

Trong khi Barca có cú "vấp đầu tiên" đau đớn trên sân nhà mùa này tại La Liga thì đại kình địch của họ Real lại đang "trở lại". Los Banlcos đang trở lại đúng nghĩa một đội bóng lớn dưới thời tân huấn luyện viên khi Real có chiến thắng 4-2 ngay trên thánh địa của Balaidos Celta Vigo nơi mà ngay cả thời kỳ đỉnh cao nhất của Zinedine Zidane cũng là chốn "đi đễ khó về" của "Kền kền trắng".

Solari đang cho thấy mình không chỉ là một phương án thay thế  nữa mà là một nhân tuyển thích hợp cho việc nắm giữ chiếc ghế mà huyền thoại người Pháp để lại ở Bernabeu. Còn quá sớm để nói Real sẽ có những cú ăn ba, hay bảo vệ thành công ngôi vương châu Âu ở mùa bóng này nhưng đúng là "kền kền trắng" đang trở lại.

Những ngày trở lại vô cùng đặc biệt trong một đêm cũng đặc biệt của làng túc cầu châu Âu. Thật sự rất đặc biệt.

Nguyễn Bình
.
.
.