Người quen Riedl

Thứ Sáu, 21/11/2014, 10:06
Ông Riedl dẫn cả đội Indonesia vào sân tập ở Mỹ Đình - nơi nằm trọn trong trụ sở VFF. Và vì thế những quan chức VFF, mà đứng đầu là PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn - những người bạn cũ của ông đã xuất hiện để hỏi thăm ông.

Họ bắt tay nhau, ân cần hỏi thăm nhau một cách chân thành. 7 năm trước, khi ông Riedl còn ở Việt Nam thì ông Tuấn đang là TTK LĐBĐ Việt Nam. 7 năm, một quãng thời gian không hề ngắn nhưng nhìn vẻ bề ngoài thì cả hai cũng không khác xưa là mấy, và dĩ nhiên tình bạn, sự tôn trọng dành cho bạn cũng chẳng khác xưa. Trong vô số điều "không khác" ấy có một câu nói quen thuộc mà ông Riedl luôn nói khi có dịp trở lại Việt Nam: "Tôi như đang trở lại nhà mình".

Ngày xưa, khi ông còn đang dẫn dắt ĐT Việt Nam chinh chiến và khi ông nói trên tivi: "Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình" thì người ta đã hiểu tình cảm mà ông dành cho mảnh đất này lớn tới đâu. Sau này, khi ông bị căn bệnh thận tai ác hành hạ, và khi một CĐV Việt Nam vì ngưỡng mộ và yêu quý ông mà không ngại hiến cho ông một quả thận của mình thì người ta càng hiểu rõ tình cảm ấy. Tóm lại, về mặt hình ảnh, và tình cảm, ông Riedl vẫn là ông Riedl của ngày nào: một Riedl yêu Việt Nam, và muốn gắn bó với Việt Nam tới mức đã từng cùng vợ lên kế hoạch mua nhà ở Nha Trang, nhưng phút cuối bất thành vì rào cản luật pháp. 

Vậy còn Riedl trong bóng đá thì sao? Quan sát những buổi tập đầu tiên của Indonesia tại Hà Nội, chúng tôi chợt nhận ra: nó giống y hệt những buổi tập mà ông từng áp dụng cho ĐTVN hồi nào. Vẫn là những đường dãn biên, vẫn là những cầu thủ chạy biên dâng cao, khoét sâu vào hai nách đối phương trước khi tạt bóng vào trung lộ.

HLV Alfed Riedl không khác xưa.

Thời ông Riedl cầm ĐT Việt Nam, đã có nhà báo sắc sảo đặt ra câu hỏi: ngoài bài đánh biên chẳng nhẽ Riedl không còn bài vở gì nữa sao? Một cộng sự của ông ngày ấy từng giải đáp: "Khác hẳn so với Calisto - người luôn có nhiều chiêu miếng, và luôn áp dụng những chiêu miếng khác nhau với từng đối thủ khác nhau, Reidl lại điển hình cho phóng cách huấn luyện và đá bóng theo bài. Nghĩa là với bất luận đối thủ nào thì các đội bóng của Reidl vẫn giữ nguyên những bài vở ấy - không thể khác". Liệu chăng có phải vì lý do này, vì luôn thiếu những miếng đánh đột biến trong những trận cầu then chốt mà tất cả các đội bóng của ông Reidl xưa nay, từ ĐT Việt Nam đến ĐT Indonesia và đến cả một CLB ở Kuwait (nơi mà ông Riedl gắn bó khoảng 2 năm) cứ vào đến chung kết là lại ngậm ngùi về nhì - đến nỗi ông Riedl được nhận diện là một "chuyên gia về nhì"?

Trong số những cầu thủ Việt Nam dưới thời ông Miura hiện nay từng có người là học trò cũ của ông Riedl, mà Công Vinh là một cái tên điển hình. Chúng tôi nhớ rất rõ sau một buổi tập của ĐTVN năm 2007 - buổi tập cuối cùng "đứng lớp" các cầu thủ trước khi về Áo chữa bệnh, ông Riedl gọi Công Vinh ra một góc sân, chia sẻ với Công Vinh sự yêu quý của mình và dặn dò Công Vinh phải cố gắng trau dồi bản thân. Hôm ấy ông Riedl cũng nói với Vinh về cái khả năng "nếu sau lần này tôi không bao giờ trở lại", để rồi sau đó hai thầy trò, hai người đàn ông đều tột cùng xúc động.

Kể lại chuyện này để thấy ông Riedl đang có trong đầu cả một kho kiến thức về bóng đá Việt Nam, về những tuyển thủ Việt Nam vốn là học trò yêu quý của mình thời xưa. Và với cả kho kiến thức ấy, có lẽ ông cũng biết phải làm gì để thực hiện cái mục tiêu "chiến thắng Việt Nam" mà một HLV chuyên nghiệp như ông đang theo đuổi.

Ngày mai, chắc chắn khán giả Mỹ Đình sẽ chào đón ông Riedl. Và chắc chắn: bất luận trận đấu Việt Nam - Indonesia có kết cục ra sao thì với bóng đá Việt Nam, với con người Việt Nam, ông Reidl vẫn luôn là bạn!

Phan Đăng
.
.
.