Nghịch lý đồng tiền

Thứ Sáu, 13/11/2015, 10:09
Mùa giải mới chưa bắt đầu, nhưng bóng đá Việt Nam đang chứng kiến những nghịch lý đồng tiền ở những CLB giàu - nghèo khác nhau, khiến người trong cuộc không thể không vắt tay lên trán để mà trăn trở: rốt cuộc bao giờ vấn đề "đầu tiên" mới thật trơn tru, hiệu quả?


Đầu tiên là chuyện của Cà Mau, đội bóng đã sớm có suất lên chơi hạng Nhất, nhưng sau khi giành vé lên hạng Nhất lại đòi nghỉ với lý do... không có tiền. Thế là VFF, VPF buộc phải cho nghỉ, và nhường suất đá hạng Nhất của Cà Mau cho Bình Định. 

Những tưởng mọi chuyện đâu vào đấy thì đùng một cái, Cà Mau lại xin được tài trợ, và thế là lại đề nghị được đá hạng Nhất, khiến lãnh đạo VFF, VPF không biết đâu mà lần. Chuyện này cho thấy sinh mệnh của cả một đội bóng, danh dự thể thao của cả một địa phương xét cho cùng cũng chỉ được nuôi sống và bảo vệ nhờ... tiền tài trợ. Cần nhắc lại, cũng vì không có đủ tiền tài trợ để nuôi đội theo kế hoạch ban đầu mà sau một mùa chơi V.League, hàng loạt đội bóng như Kiên Giang, An Giang thậm chí đã tính đến chuyện... xoá cả bàn cờ. 

Vì vấn đề kinh phí nên sau V.League 2014, An Giang đã mất tên trên bản đồ bóng đá đỉnh cao nước nhà. Ảnh: H.M

Cách đây vài năm, Kiên Giang từng tạo nên một cái mốc tiêu cực của bóng đá Việt Nam khi lãnh đội phải đi vay tiền để mua vé máy bay cho các cầu thủ ra Ninh Bình đá chung kết ngược (bây giờ thì cả Kiên Giang lẫn Ninh Bình đều giải thể). Và kết thúc mùa giải ấy, nhiều cầu thủ ngoại Kiên Giang thậm chí đã kéo tới nhà ông giám đốc điều hành, làm mọi cách để... đòi tiền lương, thưởng mình bị nợ.

Trong khi có những đội bóng không đủ tiền để sống, để thở ở sân chơi hạng Nhất hay V.League thì ngược lại, vẫn có những đội bóng V.League xài tiền không khác gì ném tiền qua cửa sổ. Tiêu biểu nhất cho trường hợp này chính là nhà đương kim vô địch V.League Becamex Bình Dương, khi mà mỗi một mùa bóng Bình Dương lại gần như thay nguyên một đội hình. Năm ngoái, ngay cả khi đang sở hữu cả một chùm sao thì lãnh đạo Bình Dương vẫn bằng mọi giá ký hợp đồng với tiền đạo Lê Công Vinh, khiến ông Giám đốc kĩ thuật Lê Thuỵ Hải phải tức phát điên: "Mua Công Vinh về đây để làm gì?". Năm nay, nghe đâu Bình Dương vẫn tiếp tục chính sách mua bán như năm ngoái.

Nhưng bây giờ thì không chỉ có Bình Dương, FLC Thanh Hoá - một đại gia mới nổi nhờ sự nhập cuộc của một nhà tài trợ cỡ bự, cũng đang tính chuyện thanh lý đội hình cũ, để mua sắm hàng loạt cầu thủ mới, hướng đến mục tiêu giành thành tích tốt tại V.League 2016. 

Cuối mùa giải năm ngoái, khi bóng đá Thanh Hoá gắn vào mình cái đầu "FLC" thì các cầu thủ từ chỗ đang bị nợ lương, thưởng lập tức được giải ngân đâu vào đấy. Và với FLC, cứ sau một trận thắng - cầu thủ xứ Thanh bỏ túi cả trăm triệu đồng, một con số mà ở thời kỳ kinh tế khó khăn này, nhiều cầu thủ ở nhiều đội bóng khác nằm mơ cũng không sao với được. Tuy nhiên, nhóm những đội bóng dùng tiền theo kiểu vung tiền không chỉ có vậy. Ngay cả XSKT. Cần Thơ - một đội bóng mà mùa giải vừa rồi chỉ may mắn trụ hạng ở những vòng đấu cuối cũng đã thanh lý hợp đồng với cả thảy 19 cầu thủ, và sẽ rầm rộ mua về hàng chục cầu thủ mới.

Hiển nhiên, phía sau những vụ mua bán tiền tỷ là tham vọng thành tích, mà bóng đá, nếu thiếu đi những người có tham vọng chắc chắn không phải là bóng đá tử tế. Nhưng mọi thứ không chỉ dừng lại ở đây, sau mỗi hợp đồng mua bán còn là những cái phết, cái phẩy mà với nó, những người liên quan đến việc mua bán có thể sẽ được hưởng lợi không hề nhỏ.

Và bóng đá Việt Nam không thể đi lên là vì thế. Vì chỗ thì không có tiền để sống, còn chỗ thì lại vung tiền vô tội vạ để phục vụ những "giấc mơ con".

Có một thời trong sáng

Mới đây ngồi tâm sự với Giám đốc kĩ thuật CLB Cần Thơ Vũ Quang Bảo, nghe ông Bảo nói rằng: "Hồi mình làm Quân khu 4 là hồi mà cả thầy lẫn trò đều cực kỳ trong sáng. Hồi ấy, tụi mình chẳng biết gì đến những chuyện mua - bán cầu thủ này nọ. Cứ có bao nhiêu đá bấy nhiêu, và cả đội đá hay, đá máu lửa tới độ bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy tự hào". Có một chi tiết đặc biệt liên quan đến QK4 ở giải hạng Nhất Quốc gia năm 2009 ấy, đó là sau một chiến thắng, mỗi cầu thủ được bằng... một bát phở và hai quả trứng vịt lộn. Ông Bảo không giấu nổi xúc động khi nhắc lại chi tiết này: "Có một thời trong sáng, một thời nghèo, nhưng đẹp biết bao"!

Ngọc Anh 

Diệp Xưa
.
.
.