Nét mới trong hệ thống giải bóng đá trẻ Việt Nam

Chủ Nhật, 31/05/2020, 10:22
Bóng đá trong nước đã trở lại sau một thời gian tạm nghỉ, và hệ thống các giải trẻ cũng không phải ngoại lệ. Ngày 1/6 tới, loạt trận lượt về giải vô địch U19 quốc gia sẽ chính thức diễn ra tại 5 khu vực trải dài từ Bắc chí Nam. Ở cương vị đơn vị tổ chức các giải đấu, VFF đã nhanh nhạy thay đổi để cuộc chơi được diễn ra trơn tru nhất.

Khuyến khích bóng đá đẹp

Lượt đi vòng loại giải U19 quốc gia khép lại với bê bối tiêu cực ở trận đấu giữa Đắk Lắk và Bình Định. Các cầu thủ trẻ của U19 Đắk Lắk vốn được đánh giá cao hơn đối thủ trước giờ bóng lăn, nhưng chiến thắng với tỷ số của một hiệp tennis hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Bên cạnh đó, đội Bình Định cũng có 2 bàn gỡ đến từ những tình huống mắc lỗi khó hiểu của thủ thành Y Eli Niê, người từng khoác áo U23 Việt Nam.

Sau một thời gian tiến hành điều tra, VFF quyết định tuyên phạt 6 cầu thủ và HLV thuộc cả hai đội với lý do "thi đấu không đúng với khả năng của bản thân". Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn yêu cầu các CLB tham dự giải cần có thái độ ra sân đúng mực, tuyệt đối không nhường điểm trong mọi tình huống. Nếu có biểu hiện tiêu cực dàn xếp tỷ số, VFF sẵn sàng mời Công an vào cuộc điều tra như trường hợp của U21 Đồng Tháp mới bị phát hiện.

Về phần Y Eli Niê, án phạt 5 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 2 trận lượt về gần như đóng sập cơ hội lên tuyển sau này của cựu tuyển thủ U23 quốc gia. Tuy nhiên VFF hoàn toàn không sai khi nhận định thủ môn này có biểu hiện cố tình để cho U19 Bình Định gỡ 1-2 bàn thắng danh dự. Là một cầu thủ có kinh nghiệm, từng đại diện cho đội trẻ quốc gia ở các sân chơi quốc tế nhưng Y Eli Niê lại liên tục phát bóng sệt đúng vào chân cầu thủ đội bạn.

Để tránh những trường hợp như của U21 Đồng Tháp hay Y Eli Niê tiếp tục tái diễn, những trận đấu thuộc lượt về vòng loại U19 quốc gia sẽ được thực hiện trong bối cảnh giám sát nghiêm ngặt. Đây là điều cần thiết bởi sau một thời gian lắng xuống, nạn nhường điểm và dàn xếp tỷ số bắt đầu trở lại với những biểu hiện đầy trơ trẽn. Ngoài ra, những cầu thủ trẻ cũng có cơ hội thử sức mình nhiều hơn với quy định mới được ban hành.

Trong điều lệ giải U17 quốc gia vừa được ban hành, VFF cho phép mỗi đội được phép thay tối đa 5 cầu thủ trong 90 phút. Đây là quy định rất mang tính thời sự, giống như thay đổi ở những giải đấu hàng đầu châu Âu trong ngày trở lại thời kỳ hậu COVID-19. Bên cạnh đó, các cầu thủ còn được nghỉ giữa hiệp vào khoảng phút 30 và phút 75 để tiếp nước và nghỉ ngơi khi phải thi đấu sau thời gian dài không tập luyện thường xuyên.

Việc phạt tiền dựa trên số thẻ phạt các CLB phải nhận cũng là một điểm mới trong điều lệ giải. Nhằm khuyến khích các cầu thủ trẻ đá đẹp, hạn chế xâm phạm đối phương, VFF quyết định đánh vào kinh tế đối với những ai có ý đồ ra sân với lối đá "đồ tể". Những vị vua áo đen cầm cân nảy mực trên sân được bảo vệ tối đa để mọi quyết định họ đưa ra không bị chi phối bởi cá nhân hay tổ chức nào.

Một vài vấn đề còn đó

Việc áp dụng quy định thay 5 người trong 1 trận đấu, cũng như nghỉ giữa hiệp để tiếp nước không thể bù lại điểm hạn chế cố hữu trong những trận đấu ở hệ thống giải trẻ Việt Nam. Ví dụ như theo lịch thi đấu lượt về giải U19 quốc gia, phần lớn các trận đều bắt đầu trong khoảng thời gian 14-15h. Điều đó cũng có nghĩa các cầu thủ trẻ phải phơi mình giữa trưa trong cái nóng lên tới 40-45 độ C, qua đó khó có thể cho thấy phong độ tốt nhất họ có.

Lịch thi đấu dày đặc cũng là một phần nguyên nhân khiến các đội phải tính đến phương án xoay tua đội hình theo một bản kế hoạch lạ đời. Trong trường hợp của các đội thuộc bảng A vòng loại U19 quốc gia, họ sẽ phải liên tục ra sân với mật độ 2-3 ngày mỗi trận để hoàn tất 5 vòng đấu trong vòng 11 ngày.

Đáng chú ý hơn là 2/3 số trận được tổ chức trên mặt sân cỏ nhân tạo, vốn rất dễ gây chấn thương cho các cầu thủ. Chỉ một cú ngã, một pha xoạc bóng... cũng có thể gây nên vết thương nghiêm trọng với những đôi chân còn non nớt.

Cách sắp xếp lịch thi đấu theo hướng có lợi cho đội chủ nhà cũng là một vấn đề khác trong lịch thi đấu. Với trường hợp của U19 PVF, họ là đội duy nhất được chơi trên sân cỏ tự nhiên cả 5 trận thuộc vòng loại. Những CLB khác như Phố Hiến, Viettel, Hà Nội... phải quần nhau ở sân cỏ nhân tạo và chỉ có đúng một cơ hội hiếm hoi được đá trên sân cỏ tự nhiên, khi họ gặp đội chủ nhà. Đó là bất lợi lớn họ cần phải vượt qua nếu muốn lọt vào vòng chung kết.

Tương tự U19 PVF, các đội bóng chơi trên "sân nhà" ở vòng loại đều được ưu tiên đá trên sân có chất lượng tốt hơn. U19 Thừa Thiên - Huế luôn chơi ở sân tự do chứ không phải sân dự bị, U19 HAGL 1 đá trên sân Hàm Rồng 5 thay vì Hàm Rồng 4. Việc ưu ái quá mức cho những đội bóng đó có thể làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giải đấu. Thay vì tạo sân chơi cho các cầu thủ trẻ thể hiện mình và vươn đến tương lai, cách làm nặng về thành tích ấy rõ ràng khiến một vài tài năng trẻ có thể không vụt sáng nổi ở sân chơi U19.

Đội U19 nữ có nhà tài trợ

Trước thềm giải vô địch U19 nữ quốc gia 2020, VFF đã chấp thuận đổi tên CLB U19 nữ Hà Nội thành CLB U19 nữ Hà Nội Watabe, theo tên của nhà tài trợ. Đây là chi tiết khá thú vị trong thời buổi các DN có xu hướng thu hẹp kinh doanh và hạn chế hoạt động tài trợ, quảng cáo. Một số đội bóng trẻ của các địa phương thời gian qua cũng xin rút lui không tham gia vòng loại U17 và U19 quốc gia với lý do không đủ kinh phí thi đấu.

Với một vài địa phương, khoản tiền nộp lệ phí khoảng 25-30 triệu đồng mỗi lần tham dự, cộng thêm chi phí ăn ở, đi lại... thực sự khó quyết toán khi ngân sách không đủ. Điều đó được thể hiện phần nào ở giải U17 quốc gia 2019. Trong trận chung kết, các cậu bé đá bóng xứ Thanh đánh bại đối thủ U19 PVF bằng những đôi giày rách. Trong thời gian tham dự giải, họ phải ăn cơm bụi và ở chen chúc trong nhà trọ bình dân vì nguồn ngân sách rất eo hẹp.

Cẩm Chi
.
.
.