Một thoáng ông Riedl!

Thứ Sáu, 11/11/2016, 09:10
Ông trở lại Việt Nam, như trở về nhà, trở về quê hương thứ hai của mình. Và người Việt Nam vẫn thấy một Riedl hệt như ngày xưa cũ: từ cách ăn mặc, từ cách nói năng, và cả cái cách dụng binh mà bây giờ nhiều nhà chuyên môn Việt Nam cứ hễ nhắc đến ông là đã thuộc nằm lòng.

Khi Riedl dẫn các cầu thủ Indonesia ra sân tập, cựu trợ lý Mai Đức Chung đã tiến về phía ông. Hai người đàn ông, một Việt, một Áo nhưng có quả thận Việt ôm chầm lấy nhau. Hình ảnh đó nhắc nhớ lại câu chuyện của gần chục năm về trước, khi Riedl phải về Áo chữa bệnh, Đội tuyển Olympic Việt Nam được giao lại cho Mai Đức Chung. 

Trong một cuộc họp báo trước một trận đấu của ĐT Olympic Việt Nam cho vòng loại Olympic Bắc Kinh năm ấy, ông Mai Đức Chung nghẹn ngào: "Chúng tôi sẽ quyết đá vì ông Riedl". 

Trước đó, khi thông tin về việc ông Riedl cần phải thay thận được loan đi, rất nhiều người Việt Nam đã tình nguyện hiến thận mình cho ông. Không phải một chuyên gia ngoại nào sang Việt Nam cũng tạo được cảm tình với người Việt Nam, và khiến những cổ động viên Việt Nam sẵn sàng hy sinh một phần thân thể mình như thế! 

HLV Alfred Reidl trong buổi họp báo trước trận đấu với Đội tuyển Việt Nam. 
Ảnh: H.M..

Cách đây vài năm, khi một đài truyền hình Indonesia làm một chương trình trực tiếp mà Riedl là khách VIP thì người đàn ông Việt Nam hiến thận cho Riedl đã được âm thầm mời tới, và đã bất ngờ tiến ra gặp Riedl từ phía sau sân khấu. Quá xúc động, Riedl rút khăn tay lau nước mắt. 

Gần 10 năm, trải qua 3 chu kỳ huấn luyện tại Việt Nam, Riedl rất ít khi khóc. Buồn thì có. Cáu giận cũng có. Như trận bán kết SEA Games 22 trên sân Mỹ Đình chẳng hạn, khi U.23 Việt Nam đã dẫn U.23 Malaysia tới 3-1, nhưng sau đó lại bị gỡ 3-3 một cách lãng xẹt, và chỉ may mắn thắng vào đúng những phút cuối cùng sau pha đánh đầu xuất thần của Phan Thanh Bình - cầu thủ mà thời kỳ ấy được Riedl cực kỳ yêu mến. 

Có những thông tin nội bộ cho rằng Riedl đã nổi cáu thật sự trong phòng thay đồ, vì không thể chấp nhận được kiểu phòng như chủ động mở toang khung thành của các học trò. Kiểu phòng ngự ấy ông cũng đã đối diện ở chung kết Tiger Cup năm 1998 - năm đầu tiên đến Việt Nam, để rồi Đội tuyển Việt Nam thua sốc Singapore trong cái đêm mà không ai tin trên đời còn thượng đế.

Gần 10 năm, tại sao Riedl luôn đóng vai người về nhì vĩ đại? Tại vì ông dụng binh quá cầu toàn, nên thiếu những con cờ đột biến trong những ván cờ chốt như cái cách mà những nhà chuyên môn vẫn hay nói đến? 

Chính xác! Nhưng còn một điều chính xác nữa là trong ngần ấy thời gian ở Việt Nam, không phải lúc nào ông cũng kiểm soát được hành vi của những cậu học trò vốn có những mối quan hệ xã hội cực kỳ phức tạp. Thành thử, Riedl yêu Việt Nam - đấy là sự thật không ai nghi ngờ, nhưng sẽ là dối lòng nếu bảo ông không có những băn khoăn, những hồ nghi, những nuối tiếc trong quãng đời hành nghề huấn luyện tại Việt Nam.

Hai năm trước, Riedl dẫn Indonesia trở lại Việt Nam đá AFF Cup, và bị loại ngay sau vòng đấu bảng. Bây giờ, ông lại vừa dẫn Indonesia trở lại Việt Nam đá giao hữu, chuẩn bị cho kỳ AFF Cup tiếp theo. Trên sân tập Riedl vẫn thế: cái mũ lưỡi trai màu đen, cái áo phông trắng và cái quần thể thao kéo dài xuống sát đầu gối. 

Trên ca bin huấn luyện, khi chỉ đạo trận đấu Riedl vẫn thế: lặng lẽ, điềm đạm quan sát, và khi đội nhà có bàn thắng chỉ chụm lại bàn tay mình, đấm nhẹ nhẹ vào bàn tay của người trợ lý. Cách phát biểu sau trận của Reidl cũng chẳng khác gì ngày xưa: luôn khiêm tốn khi nói về đội bóng của mình và dành nhiều lời khen cho đối thủ.

AFF Cup tới, Indonesia của Riedl rơi vào một bảng tử thần với chủ nhà Philiipines và ĐKVĐ Thái Lan - cái đối thủ mà khi còn cầm quân ở Việt Nam, Riedl luôn bực bội với câu hỏi: "Bao giờ thắng Thái?". Mà như chia sẻ của chính Riedl thì lúc này giải vô địch quốc gia Indonesia vẫn đang diễn ra, mỗi đội bóng chỉ chịu nhả nhiều nhất 2 cầu thủ cho đội tuyển, nên với ông, nhiều cái khó như đang chồng chất lại.

Đúng là khó thật! Khó cho một con người rất muốn vượt qua "định mệnh về nhì", nhưng suốt nhiều năm nay vẫn chưa cho thấy nhiều nét mới. Khó cho một đội tuyển bị cách ly với bóng đá thế giới sau lệnh cấm FIFA, giờ trở lại với nhiều nỗi ngỡ ngàng. Thôi thì vẫn cứ chúc Riedl thành công, như cái cách mà người Việt Nam vẫn hy vọng những sự tốt đẹp cho tất cả những ai đã từng gắn bó, từng thân thiết với mình!

Đã có Riedl lúc ăn lương bầu Đức

Trước thềm SEA Games năm 2009 trên đất Lào, Alfred Riedl bất ngờ ngồi lên ghế HLV trưởng Đội tuyển U.23 Lào, và sau đó đã giúp đội bóng này xuất thần vào bán kết. 

Lần ấy người đưa Riedl tới Lào và trả lương cho ông chính là ông bầu Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai). Thế nên mới có những dư luận rằng sau SEA Games, nhiều khả năng Riedl sẽ về phố núi Pleiku, làm việc cho bầu Đức. 

Nếu đúng thế, đấy sẽ là lần thứ 3 ông thầy Áo cầm quân một CLB Việt Nam, sau quãng thời gian cầm quân ở Khánh Hoà, Hải Phòng. Nhưng rốt cuộc địa chỉ tiếp theo của Riedl không phải CLB Hoàng Anh Gia Lai mà là Indonesia, và ngay trong kỳ đầu tiên đã giúp Indonesia vào chung kết AFF Cup 2010. 

Sau đó, do những biến động trong nội bộ Liên đoàn bóng đá Indonesia mà Riedl ra đi rồi lại trở về tổng cộng 2 lần nữa.

Ngọc Anh


"Đừng gọi Hữu Thắng là học trò của tôi nữa..."

Tiger Cup 1998, khi Riedl lần đầu cầm Đội tuyển Việt Nam thì Nguyễn Hữu Thắng là một trung vệ cứng cựa của Đội tuyển. 

Gần 20 năm sau thì hai thầy trò mỗi người đã đứng một bờ chiến tuyến, và HLV Riedl tỏ ra rất sòng phẳng khi nói với cánh báo giới: "Bây giờ cậu ấy đã là HLV, đã là đồng nghiệp của tôi. Do vậy tôi mong các bạn tôn trọng, đặt cậu ấy trong tư cách đồng nghiệp, chứ không phải tư cách học trò của tôi như trước nữa". 

Sau hai trận lượt đi/ lượt về đối đầu với "người đồng nghiệp trẻ" Hữu Thắng, Riedl hoà 1, thua 1, và đánh giá: "Hữu Thắng là một HLV có cá tính. Đội tuyển Việt Nam do cậu ấy dẫn dắt thể hiện được một lối chơi kỹ thuật, đặc biệt là ở khu trung tuyến. Và tôi tin là với Hữu Thắng, Đội tuyển Việt Nam sẽ còn tiến xa".

Tuấn Thành

Phan Đăng
.
.
.