Một năm đại thành công của những “chiến binh sao vàng”

Thứ Sáu, 01/02/2019, 07:11
Trước 365 ngày kỳ diệu vừa qua, Việt Nam chỉ đơn thuần là một quốc gia đam mê bóng đá. Chúng ta không có thực lực trên trường quốc tế, không có danh tiếng vang vọng châu lục, thậm chí, không có nổi một biệt danh cho xứng tầm. 


Nhưng sau một năm, những chàng trai đầy tự hào của Tổ quốc dưới sự chỉ huy của HLV Park Hang Seo đã lột xác hoàn hảo, trở thành Golden Star Warriors – Những chiến binh sao vàng, theo cách gọi ngưỡng mộ của bạn bè năm châu.

Bội thu thành công

Ngẫm lại chặng đường đã qua, mới thấy thời gian thật kỳ diệu. Mới ngày đông tuyết rơi ở Thường Châu hôm nào, giờ đã hơn một năm. Cái ngày mà Đỗ Duy Mạnh bùi ngùi cắm quốc kỳ thiêng liêng lên cồn tuyết trắng, tất cả người hâm mộ Việt Nam không khỏi xúc động. 

Chức vô địch AFF Cup sau 10 năm chờ đợi của Việt Nam.

Những thành công của đội tuyển U23 thật ngoài sức tưởng tượng, và dù có thua trong trận chung kết, các chàng trai áo đỏ vẫn luôn khiến người ta phải nhòe mắt khi nhớ về.

Á quân một giải trẻ tầm cỡ châu lục là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cột mốc khó tin này lại đến ở thời điểm chẳng ai ngờ, khi mà mọi yếu tố dường như đều chống lại chúng ta. U23 Việt Nam tập trung không được lâu, lại phải làm quen với một HLV mới trong khi còn nhiều bất cập từ thời người tiền nhiệm. 

Chúng ta chỉ là lính mới ở vòng chung kết U23 châu Á và chẳng có một căn cứ gì để mơ mộng. Thậm chí, đến thời tiết khắc nghiệt còn bào mòn những hy vọng mong manh. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, U23 Việt Nam có được bao nhiêu?

Nhưng như một lẽ nghịch ý trời, anh hùng phải sinh ra trong thời loạn. Giữa muôn trùng khó khăn, hàng triệu đồng bào ở nhà lại càng nhắc tên những Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng, Xuân Trường... theo cách thân thương. 

Tất cả các cầu thủ cùng HLV Park Hang Seo đã viết nên một câu chuyện cổ tích mang đầy đủ kịch tính của một bộ phim bom tấn hành động, đưa người xem đi hết cung bậc cảm xúc này đến tận cùng giới hạn của cảm xúc khác. U23 Việt Nam vào tới trận chung kết, nghe thật lạ tai nhưng là sự thật.

Nhưng có ai ngờ, trận chung kết trên đất Trung Quốc không phải là hồi kết của câu chuyện. Đó mới chỉ là phần mở đầu của một bộ sử thi hào hùng phía sau. Quốc ca Việt Nam vang lên hào khí ngất trời trên trường quốc tế, giai điệu tự hào không ngừng hân hoan theo chân các chàng trai áo đỏ chinh phục các thử thách tiếp theo.

Và cảm ơn HLV Park Hang Seo cùng các cầu thủ, chúng ta viết nên thêm những chiến tích lẫy lừng thậm chí vượt cả thành công ở vòng chung kết U23 châu Á. Việt Nam trở thành đệ tứ anh hào ở ASIAD 2018, lọt tốp tám đội mạnh nhất Asian Cup 2019 và đặc biệt nhất, lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 sau một thập kỷ mòn mỏi chờ đợi.

Nền tảng cho tương lai

Bóng đá Việt Nam không phải chưa từng đạt thành tích, nhưng theo một cách vững vàng và chắc chắn thì mới là lần đầu. Ngày trước, chúng ta chỉ tính được điểm rơi phong độ của các cầu thủ cùng lắm trong một giải đấu. Đến cuối giải, dù vô địch hay không, đội tuyển không tài nào giữ được sự ổn định.

Hình ảnh Duy Mạnh cắm cờ trên tuyết ở Thường Châu mở đầu một năm hoàn hảo cho bóng đá Việt Nam.

Nhưng hãy nhìn xem những gì diễn ra trong một năm qua. Chúng ta trải qua một mạch 4 giải đấu lớn. Một cầu thủ chủ chốt như Quang Hải phải chơi hơn 60 trận (tính cả trong màu áo CLB), những người còn lại dù ít hơn thì con số cũng vô cùng khổng lồ - tương đương với những đồng nghiệp bên châu Âu. 

Vậy nhưng không những không gục ngã, hay tham dự với tư cách lót đường, Quang Hải cùng các đồng đội liên tiếp tạo dấu ấn ở mỗi đấu trường đi qua. Những chàng trai thân thương này không chỉ chơi xuất sắc mà còn luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Nhờ có họ, bóng đá châu lục và thế giới đã phải có một cái nhìn khác về Việt Nam.

Rõ ràng, một năm qua chứng minh chúng ta có thể phát triển bóng đá theo cách ổn định. Chúng ta có đủ tiềm lực để thực hiện mục tiêu từng là viển vông trong quá khứ. Nhưng để làm được điều này, bám vào thành tích quá khứ là không đủ. Tự đập đi danh tiếng và cũng là vỏ bọc an toàn của bản thân, Việt Nam phải đột phá lên một tầng giới hạn mới của đẳng cấp.

Như chính HLV Park Hang Seo thẳng thắn thừa nhận: “Việt Nam có một đội tuyển quốc gia mạnh, chứ không phải một nền bóng đá mạnh”. Muốn thành công lâu dài, phải cần nhiều hơn nữa những lứa cầu thủ tài năng như Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu, Tiến Dũng... Sau giải U23 châu Á, ASIAD, AFF Cup và Asian Cup, mục tiêu tiếp theo của bóng đá Việt Nam là gì? 

Giành một vé tới World Cup 2022 chăng? Thật mộng mơ nhưng đâu phải bất khả thi. Thầy trò HLV Park Hang Seo đã không chỉ một mà rất nhiều lần tạo nên kỳ tích, tại sao lại không có lần tiếp theo sau một năm đại thành công.

Các cầu thủ - những chiến binh sao vàng, hãy cứ vững bước tiến về phía trước, chiến đấu cho quê hương, chiến đấu cho màu cờ, chiến đấu vì danh dự của bản thân. Hãy nhớ, các anh không bao giờ phải đi một mình!

Một năm Kỷ Hợi bận rộn chờ đợi đội tuyển  Việt Nam

Năm Mậu Tuất đại thành công chuẩn bị bước vào những ngày cuối cùng, chào đón một Kỷ Hợi đầy hứng khởi sắp đến. Các lứa cầu thủ Việt Nam cần ăn Tết cho no bởi lịch thi đấu trong năm tới là vô cùng vất vả. 

Với lứa U23, các cầu thủ sẽ phải tham dự Vòng loại U23 châu Á trong tháng 3. Đến cuối năm, lứa cầu thủ này sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự SEA Games 30 tổ chức ở Philippines.

Với đội tuyển quốc gia Việt Nam, mục tiêu chính chắc chắn là Vòng loại World Cup 2002 chia làm 3 đợt diễn ra vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11. Mỗi đợt Việt Nam sẽ thi đấu 2 trận. Dự kiến, vòng loại thứ nhất có 42 đội chia làm 7 bảng, mỗi bảng 6 đội thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm xếp hạng. Sau 10 lượt trận sẽ chọn ra 7 đội nhất bảng và 3 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất vào tiếp vòng loại thứ 2. 10 đội vào vòng 2 chia 2 bảng sẽ tranh tiếp vòng tròn 2 lượt, chọn 3 đến 4 đội đầu dự VCK tại Qatar.

Hà My
.
.
.