Lời nguyền “ghế chủ tịch” ở Barca

Thứ Tư, 03/03/2021, 08:39
Barca có lẽ là CLB khắc nghiệt nhất thế giới, nơi bất cứ vị trí nào cũng chịu sức ép khổng lồ và có thể phạm sai lầm bất cứ lúc nào. Việc sa thải HLV hiện tại với Barca là chuyện quá bình thường, bởi lẽ họ thậm chí có đến ba đời chủ tịch… phải đi tù.

Ba đời chủ tịch câu lạc bộ đi tù

Chuyện thật như đùa, cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ trên bản đồ bóng đá Tây Ban Nha và châu Âu, Barca cũng đánh đổi với các vụ bê bối ở thượng tầng CLB. Kể từ năm 2000 đến nay, đã có ba đời chủ tịch Barca bị cảnh sát bắt giữ vì các cáo buộc khác nhau.

Đầu tiên là vị chủ tịch huyền thoại Josep Luis Nunez, người tại vị từ năm 1978 đến năm 2000. Gia đình nhà Nunez được xem là những người tạo nền tảng cho Barca phát triển vượt bậc trong thế kỷ 21 và trở thành một trong những CLB lớn nhất thế giới, sánh ngang Real Madrid và MU.

Ông Nunez bị cáo buộc hối lộ thanh tra thuế và trốn thuế suốt 10 năm, qua đó thu lợi bất chính hàng chục triệu euro. Năm 2011, ông Nunez và con trai bị tòa án Barcelona kết tội 6 năm tù. Tuy nhiên, vì tuổi cao sức yếu nên cựu chủ tịch Barca được tòa án tối cao giảm án xuống còn 2 năm tù và phạt tiền 1,5 triệu euro. Năm 2018, ông Nunez qua đời ở tuổi 87, chấm dứt những ngày tháng thăng trầm nhất cuộc đời.

Ở thời điểm ông Nunez phải ra vành móng ngựa, Sandro Rosell là chủ tịch Barca. Ông là một trong những chủ tịch thành công nhất lịch sử CLB, khi giúp họ thống trị La Liga và giành thêm một chức vô địch Champions League (2011). Năm 2013, Sandro Rosell gây tiếng vang lớn khi giúp Barca giành được chữ ký của Neymar ngay trước mũi đại kình địch Real Madrid. Ở thời điểm đó, Neymar được xem là siêu sao thế hệ tiếp theo của bóng đá thế giới, sau Lionel Messi và Cristiano Ronaldo.

Tuy nhiên, ít ai ngờ chính thương vụ Neymar đã khiến Sandro Rosell “nhúng chàm”. Tháng 1-2014, Sandro Rosell từ chức chủ tịch Barca sau khi bị công tố viên cáo buộc phạm tội rửa tiền. Năm 2017, ông bị bắt tạm giam phục vụ việc điều tra. Tòa án Barcelona không cho phép Sandro Rosell nộp tiền tại ngoại trước khi phiên tòa xét xử diễn ra. Sau 643 ngày ngồi tù, Sandro Rosell cùng với trợ lý Joan Besolí và 4 người khác được Tòa án quốc gia Tây Ban Nha thả tự do vì họ không tìm được bằng chứng đủ thuyết phục để buộc tội ông.

Người kế nhiệm Sandro Rosell, Josep Maria Bartomeu chính là đời chủ tịch thứ ba của Barca “nhúng chàm”. Từ trước khi bị cảnh sát Barcelona bắt giữ vào ngày 1-3, Bartomeu đã vướng vào một loạt bê bối. “Kỳ án” Barcagate cũng được cánh truyền thông địa phương phanh phui từ tháng 2-2020. Ở thời điểm đó, Bartomeu và các thân tín đã làm mọi cách để che giấu sự thật, bao gồm việc thuê một công ty kiểm toán độc lập - PWC chứng minh họ trong sạch.

Mặc dù vậy, thông tin về Barcagate cũng đánh động cơ quan chức năng Barcelona vào cuộc điều tra. Sau đúng một năm, họ đã thu thập đủ bằng chứng để yêu cầu tra xét và bắt giữ Bartomeu cùng các cộng sự thân tín, bao gồm giám đốc điều hành Oscar Grau và trưởng bộ phận pháp lý Roman Gomez Ponti, những người đương nhiệm ở Camp Nou.

Sandro Rosell và người kế nhiệm Josep Bartomeu đều bị cảnh sát bắt giữ.

Barca phải “tái sinh từ đống tro tàn”

Vụ bắt giữ Bartomeu xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử chủ tịch mới của Barca. Nó giống như vụ nổ cuối cùng, đập tan sự tự tôn còn sót lại của đội chủ sân Camp Nou sau một thời gian dài suy thoái và bất ổn. Tuy nhiên, vụ bê bối này cũng là điều tốt cho Barca. Cuối cùng thì họ cũng chạm đáy và có thể bắt đầu một cuộc tái sinh đúng nghĩa, bắt đầu bằng một ban lãnh đạo mới.

Vấn đề với Barca lúc này là đảm bảo cuộc bầu cử chủ tịch diễn ra minh bạch, trung thực. Barca hiện tại không chỉ khủng hoảng thể thao đơn thuần. Họ khủng hoảng toàn diện, từ thể chế, thể thao cho đến kinh tế. Họ thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản khi số tiền nợ đã vượt mốc 1 tỷ euro. Nhiệm vụ của tân chủ tịch Barca sẽ rất nặng nề, có thể định đoạt số phận của cả CLB.

Joan Laporta, Victor Font và Toni Freixa vẫn còn 3 ngày để chứng minh họ có thể thực hiện nhiệm vụ to lớn này và đưa Barca tái sinh. Barcagate chỉ giống như một vụ “án điểm”, phơi bày các hoạt động đen tối của Barca trong suốt 2 thập kỷ vừa qua, từ việc cài cắm gián điệp cả trong và ngoài CLB, thao túng truyền thông và mạng xã hội, thiếu minh bạch sổ sách, các khoản thu chi đáng ngờ… Có quá nhiều chuyện ngoài lề. Quá nhiều lời nói dối, và quá nhiều nghi ngờ tại Camp Nou.

Barca đã đi qua bê bối này đến bê bối khác, nhưng câu chuyện hiện tại đã đi quá xa, vượt quá sức tưởng tượng của những người hâm mộ họ. Ban lãnh đạo mới có trách nhiệm khép lại hành trình đen tối đó. Mãi mãi. Sau nhiều năm chìm trong bóng tối, Barca cần bước ra ánh sáng một cách đường hoàng nhất, cho dù họ có thể chịu tổn thương nặng nề vì điều đó. Lịch sử của Barca cần bước sang một trang mới. Lúc này, hợp đồng của các cầu thủ hay khả năng cạnh tranh danh hiệu cũng không quan trọng bằng sự trong sạch của CLB, để khẩu hiệu của họ - “Hơn cả một CLB” không còn bị vấy bẩn.

Barcagate là gì?

Barcagate là vụ bê bối truyền thông bẩn liên quan đến cựu chủ tịch Barca, Josep Bartomeu và các cộng sự thân tín của ông. Vụ việc chính thức nổ ra vào ngày 17/2 năm 2020 khi Cadena SER tung ra một loạt bằng chứng cáo buộc ban lãnh đạo Barca đã thuê một công ty truyền thông chuyên bôi xấu hình ảnh cầu thủ, huyền thoại và các quan chức cũ của CLB.

Công ty này có tên là I3 Ventures, thuộc quyền sở hữu của doanh nhân người Argentina, Carlos Ibanez. Bên cạnh việc “đánh đấm” theo chỉ đạo của Josep Bartomeu, I3 Ventures còn kiêm luôn nhiệm đánh bóng tên tuổi của ông này và các lãnh đạo cùng phe cánh ở Camp Nou.

Theo Cadena SER, Barca đã trả 1 triệu euro mỗi năm cho I3 Ventures và chia ra nhiều hợp đồng khác nhau để không phải giải trình lên hội đồng quản trị CLB. Các nạn nhân của Barcagate bao gồm Gerard Pique, Luis Suarez, Xavi, Pep Guardiola, Carles Puyol và cựu chủ tịch Joan Laporta. Ngay cả Lionel Messi và vợ anh, Antonela Roccuzzo cũng không trách được việc bị bêu xấu.

Một trong những vụ việc đỉnh điểm nhất là việc Barca tác động giới truyền thông chỉ trích các ngôi sao của CLB không chịu giảm lương khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cho dù thực tế diễn ra ngược lại. Khi đó, Messi và một loạt trụ cột khác ở Camp Nou đã phải đăng đàn giải thích, đồng thời đặt câu hỏi về việc ban lãnh đạo Barca im lặng trước làn sóng chỉ trích nhắm vào họ.

Đơn Ca
.
.
.