Loạt trận ngày Thứ Bảy: Bạo lực !

Thứ Hai, 19/06/2006, 13:32
Ngày Thứ Bảy, ngày của bạo lực với 7 thẻ vàng cho trận Iran - Bồ Đào Nha, 3 thẻ đỏ cho trận Italia - Mỹ, những cú đánh nguội, những pha phạm lỗi đầy ác ý, khuôn mặt đầy máu của McBride, vết giầy hằn in trên khuôn mặt Figo. Đó sẽ là một ngày thứ Bảy đen tối trong lịc

1. Khi Figo gục xuống một cách đau đớn, ống kính truyền hình lia cận cảnh, những vết giày hiện rõ trên mặt anh, tôi đã nghĩ rằng anh không thể chơi tiếp. Khi cái chân của Hossein Kaebi (Iran) tông thẳng vào mặt Figo, giống hệt như một cú ra đòn trong võ thuật, cô bé xem bóng đá cùng tôi lập tức đưa tay ôm mặt rồi thốt lên: Bóng đá là thế?

Hossein Kaebi đưa cả gầm giầy thế này vào mặt...

Ừ nhỉ, phải chăng bóng đá là thế? Phải chăng bóng đá là bạo lực, nơi mà con người với con người sẵn sàng triệt hạ nhau để giành chiến thắng? Nếu đúng vậy thì chắc hẳn nhân loại đã không thổn thức cùng trái bóng. Nếu đúng vậy thì người ta đã chẳng gọi bóng đá là một môn nghệ thuật. Ai cũng biết bóng đá không thể là bạo lực. Vì vậy ai cũng lên án những hành vi bạo lực giống như cú vào bóng ác ý nói trên của Hossein Kaebi.

Ở cái phút thứ 36, khi mà tỉ số vẫn là 0-0, khi mà tình huống tranh chấp là hết sức bình thường, lý do gì khiến Kaebi tung ra đòn kung fu ấy? Nó là biểu hiện cho lòng nhiệt tình thái quá hay là hành động của những toan tính triệt hạ đối phương? Điều ấy chỉ mình Kaebi biết, song rõ ràng là nó đã khiến thiện cảm mà người ta dành cho anh cũng như đội bóng của anh giảm đi nhiều. Bản thân tôi là người cổ vũ Iran, nhưng cũng cảm thấy tức tưởi và bất công khi ông trọng tài đã không rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Kaebi.

...và Figo quằn quại đau đớn

Và tôi nghĩ đến những người thân của Figo, những người hẳn phải xót xa lắm khi nhìn thấy những vết giày hằn rõ trên gương mặt quằn quại vì đau đớn của anh.

2. Hơn 4 tiếng sau cú ngã của Figo, người hâm mộ bóng đá lại nhìn thấy những vết máu loang lổ trên gương mặt tiền đạo McBride (Mỹ). Một cú nhảy lên tranh chấp, một cú vung cùi chỏ của Rossi (Italia), một chiếc thẻ đỏ, tất cả chỉ có vậy (nhanh, gọn, kín kẽ) nhưng đã khiến chúng ta phải suy nghĩ  nhiều. Vì sao De Rossi lại chơi ác đến thế?

Khuôn mặt đầy máu của McBride sau khi "ăn" cùi trỏ của De Rossi.

Lởn vởn với câu hỏi ấy, tôi tắt tivi, giở ra cuốn nhật ký bóng đá của mình và dừng lại thật lâu ở trang viết ghi ngày 21-3-2006. Bạn biết tôi viết gì không? "Cảm ơn anh, De Rossi! Trong bóng đá và cả trong cuộc đời người ta không dễ gì làm được một hành vi cao thượng như anh đã làm". Tôi viết như thế sau khi xem xong trận AS Roma (CLB của Rossi) và Messina tại giải vô địch quốc gia Italia, một trận đấu mà sau khi đã (trót) dùng tay ghi bàn, lại là một bàn thắng được công nhận, De Rossi chạy về phía trọng tài để tự thú, rồi xin được xí xóa bàn thắng. Từ đó, trong mắt tôi, Rossi là hiện thân cho cái đẹp và lòng cao thượng.

Ôi! Vậy mà cũng chính Rossi, chính anh, trong một phút không kiềm chế nổi mình đã thực hiện một cú vung tay ác ý, để rồi phải lầm lũi nhận thẻ đỏ rời sân. Dù vẫn biết con người là biểu hiện của rất nhiều mâu thuẫn, dù vẫn biết chỉ có thánh thần mới không bao giờ mắc tội, nhưng cứ nhìn cái gương mặt loang lổ máu của McBride sau pha bóng triệt hạ của Rossi là tôi lại có cảm giác mình bị đánh lừa.

Bị lừa khi đã từng tin, từng ca ngợi, từng viết những dòng thật đẹp về Rossi trong nhật ký.

3. Sau khúc dạo đầu êm ả, các trận đấu World Cup đang diễn ra nóng hơn, kịch tính hơn. Sự kịch tính ấy được biểu hiện rõ nhất ở một đêm thứ 7 đầy bạo lực, cái đêm mà 7 thẻ vàng được rút ra ở trận đấu Bồ Đào Nha - Iran, 3 thẻ đỏ được rút ra ở trận Italia - Mỹ, cái đêm mà những pha đánh nguội, những cái chân kung fu và những cái tay "đấm bốc" cứ liên tiếp xuất hiện ở trận Czech - Ghana, cái đêm mà Figo quằn quại với những vết giày đinh hiện rõ trên khuôn mặt, cái đêm mà máu đã đổ xuống sau cú vung cùi chỏ đầy ác ý của Rossi…

Hy vọng những ngày tiếp theo sẽ không như thế…

Trịnh Phan Phan
.
.
.