Khi khán giả trở nên thờ ơ

Thứ Hai, 05/09/2016, 09:35
Một con số giật mình từ Ban tổ chức giải bóng đá Vô địch quốc gia 2016 (V-League 2016) tại vòng 23: không một sân cỏ nào có khán giả vào theo dõi quá 7.000 người.

Thậm chí, có sân chỉ đạt... 1.000 khán giả vào xem đội chủ nhà thi đấu (sân Cao Lãnh – Đồng Tháp). Thực trạng chung của thể thao Việt Nam đang quay trở lại. Đấy là làm thế nào để khán giả chịu khó ra xem và cổ vũ.

Môn Vua thất thế hay là tình cảnh chung?

Những con số trên chúng tôi đưa ra hoàn toàn không phải sự ước lượng hay đoán mò. Ban tổ chức V-League 2016 luôn công bố cụ thể sau từng vòng đấu.

Tính đến trước ngày 4-9, giải V-League 2016 đã thi đấu xong 23 vòng đấu. Số khán giả vào theo dõi các trận cầu tại giải năm nay (tổng cộng trong 23 vòng trên sân cỏ cả nước) mới chỉ là 1 triệu người. Tính trung bình theo con số của Ban tổ chức, mỗi trận có khoảng 6.257 khán giả vào xem, cổ vũ.

Cả nước có những sân cỏ vốn mệnh danh là “chảo lửa” như sân Lạch Tray (Hải Phòng), sân Cẩm Phả (Quảng Ninh), sân Cao Lãnh (Đồng Tháp) thì sức hút không phải lúc nào cũng kín chỗ ngồi. Chủ tịch CLB bóng đá SHB Đà Nẵng – ông Bùi Xuân Hòa từng chia sẻ, một trong những nguyên do khiến khán giả ít vào sân xem là từ phong độ của đội bóng.

Sân Chi Lăng (Đà Nẵng) từng thu hút rất nhiều khán giả nhưng khi đội SHB Đà Nẵng thi đấu trồi sụt phong độ trong giai đoạn lượt đi V-League 2016 thì khán giả vào xem trung bình khoảng 4.000 người/trận. Lượt về, đội này trở cờ khởi sắc và vươn vào nhóm tranh ngôi vô địch, khán giả tăng đáng kể khi có trận vượt ngưỡng 10.000 người. Dù thế, tính trung bình chung, mức khán giả của họ chỉ khoảng 7.000 người/trận và không đông như mùa giải V-League 2015. Chúng ta đều biết, bóng đá là môn thể thao được yêu thích số 1 tại Việt Nam và môn này luôn được mệnh danh “môn thể thao Vua”.

Thể thao Việt Nam sau Olympic 2016 đã có ngay những giải được tổ chức tại Hà Nội. Giải thể thao xem như kiểm chứng liệu khán giả có mặn mà thật sự sau sức hút Olympic 2016 hay không. Giải nhảy cầu vô địch quốc gia 2016 được tổ chức và kết thúc trong 4 ngày tại khu thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội) mới đây.

Cả 4 ngày giải tranh tài, khán giả vào theo dõi gần như không có. Cổ vũ cho các vận động viên đơn thuần là những người làm nghề hay giữa vận động viên các đơn vị với nhau.

Giải thể dục dụng cụ trẻ và các nhóm tuổi Đông Nam Á 2016 vừa kết thúc mới đây tại Cung thể thao Quần ngựa (Hà Nội) chung cảnh ngộ. Mong khán giả ngồi chật kín khán đài cổ vũ là đòi hỏi quá sức của nhà quản lý môn thể dục. Thế nhưng, một giải có tính chất Đông Nam Á như trên cũng chỉ thu hút đều đặn hằng ngày chưa tới 200 khán giả thường xuyên xem, cổ vũ.

Đó là điều buồn của người làm quản lý và chuyên môn vì khán giả không xem, không cổ vũ đồng nghĩa môn thể thao ấy và vận động viên của môn đó rất thiếu động lực thể hiện. Tuy nhiên, có môn vẫn thu hút đông đảo người xem.

Cuộc đua xe đạp quốc tế VTV 2016 (kết thúc ngày 2-9) là minh chứng. Chặng cuối đua quanh hồ Hoàn Kiếm của giải này, nhiều cua-rơ trong nhóm dẫn đầu sau khi kết thúc thi đấu phải mất gần 1 giờ đồng hồ mới ra xe trở về khách sạn được. Dễ hiểu, người hâm mộ vây quanh mong bắt tay, làm quen và xin chụp hình, cổ vũ chật kín nên cua-rơ xúc động và khó từ chối.

Hay giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam 2016 (VBA) đang tổ chức luôn chật kín khán đài nhà thi đấu. Dù cho, mỗi nhà thi đấu tại các điểm ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh chỉ trên dưới 2.000 ghế ngồi và lịch thi đấu tổ chức cả giữa tuần chứ không chỉ cuối tuần. 

Tất cả VĐV, cầu thủ đều mong khán giả cổ vũ đông đảo thì mới hưng phấn thể hiện tốt.

Có Xuân Vinh liệu khán giả đi cổ vũ?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn từng phân tích, mỗi môn thể thao có lượng khán giả trung thành riêng. Trên mặt bằng phát triển thành tích chuyên môn, nhà quản lý đang nỗ lực để dần đưa khán giả trở lại nhiều hơn trong sân vận động và nhà thi đấu. Khán giả có thể không mặn mà khi đội thể thao mình yêu thích xuống phong độ và rời xa khán đài. Khán giả có thể không vào sân vì những thông tin tiêu cực bị phản ánh nhiều. Nhưng, nếu có người hùng thể thao xuất hiện, người ta hy vọng cổ động viên nghĩ tích cực hơn và cùng cổ vũ.

Khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic 2016, ngành Thể thao mong từ hình ảnh ấy, thể thao được chú ý hơn và người dân yêu thích cổ vũ hơn.

Với môn bắn súng nói riêng, đây là môn thể thao đặc thù và chỉ có thể tập luyện trong các trường bắn của những đơn vị do Nhà nước quản lý hoặc thuộc lực lượng vũ trang. Do thế, bắn súng là môn khó phổ cập. Nó khác hoàn toàn việc nếu khán giả thích thần tượng bóng đá hay bơi lội là tự bản thân có thể tập môn đó mà không cần điều kiện gì.

Giải bắn súng vô địch quốc gia 2016 sẽ thi đấu cuối tuần này tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Ban tổ chức sẵn lòng mở cửa chào đón khán giả vào xem, cổ vũ các xạ thủ. Dù vậy, Ban tổ chức hy vọng vài nghìn người đến ngồi xem và cổ vũ xạ thủ tranh tài gần như không thể.

Khán giả sẽ bùng nổ?

Trong tháng 9 này, người hâm mộ thể thao trong nước có thể sẽ cổ vũ đông đảo đối với giải Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2016 tại Vĩnh Phúc và Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5-2016 (ABG5) tại Đà Nẵng.

Trên sân đấu Vĩnh Phúc, đã rất lâu, bóng chuyền Việt Nam mới tổ chức một giải thuộc hệ thống thi đấu châu Á và tham dự các đội tuyển quốc gia. Vì vậy, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và Ban quản lý tại Vĩnh Phúc đặt niềm tin những trận bóng có đội chủ nhà xuất hiện thì bán hết vé, thậm chí có thể “vỡ” sân vì sự cổ vũ. Giải này tranh tài tại nhà thi đấu Vĩnh Phúc vào ngày 14-9.

Trong lần đầu là chủ nhà một giải thể thao bãi biển của châu Á, chúng ta có thể bỡ ngỡ nhưng với người đam mê biển và du lịch thì Đà Nẵng có cơ hội lớn thu hút đông du khách qua các chương trình thi đấu của ABG5. Để chuẩn bị kỹ càng nhất cho công tác chuyên môn ABG5, theo tìm hiểu, Tổng cục TDTT đã đặc phái Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn vào Đà Nẵng để chỉ đạo công tác chuẩn bị từ nay cho đến trước ngày khai màn 24-9.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.