Khi Sông Lam quyết tâm "ăn" Cúp Quốc gia

Thứ Sáu, 23/06/2017, 07:46
Đấy là cái Cúp Quốc gia, cái cúp mà rất nhiều đội bóng chỉ tham dự theo kiểu "đá cho xong" để dồn sức cho mục tiêu chính ở sân chơi V.League. Thế thì hà cớ gì Sông Lam Nghệ An lại quyết tâm vô địch?


Hai trận tứ kết lượt đi - lượt về Cúp Quốc gia năm nay giữa Sông Lam Nghệ An và CLB thành phố Hồ Chí Minh phản ánh rất rõ hai thái độ, hai bộ mặt của các CLB ở sân chơi này. Sau khi thua với tổng tỷ số 1-7, và thua từ lúc chưa ra sân thi đấu, quyền Chủ tịch CLB Lê Công Vinh nói thẳng với các cổ động viên ruột của đội mình rằng CLB này không tung ra sân đội hình mạnh nhất vì chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến đấu khốc liệt ở V.League - giai đoạn mà CLB phải làm mọi giá để hoàn thành mục tiêu trụ hạng.

Nếu lấy cuộc chiến trụ hạng V.League làm căn cứ đánh giá thì đúng là Sông Lam chẳng có lý do gì để phải "giữ chân" ở Cúp quốc gia, vì với thực lực của mình, Sông Lam luôn trụ hạng trước vài vòng đấu, ở vài mùa V.League gần đây.

Nói cho chính xác thì đội bóng này không đủ sức để cạnh tranh thứ hạng, nhưng cũng không yếu như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An... để phải lo nỗi lo trụ hạng.
Cầu thủ Sông Lam (phải) vượt qua TP Hồ Chí Minh ở tứ kết Cúp Quốc gia một cách dễ dàng.

Nhưng đấy chỉ là lý do thứ yếu, HLV trưởng Đức Thắng hé lộ lý do quan trọng: "Chúng tôi muốn có được một danh hiệu để ít nhiều khôi phục lại vị thế của đoàn bóng đá Sông Lam".

Cái vị thế mà ông Đức Thắng nói tới là vị thế nào vậy? Đó là câu chuyện của cuối những năm 90, đầu những năm 2000, khi Sông Lam vừa thống trị ở tất cả các giải trẻ lẫn giải vô địch quốc gia.

Hai chức vô địch quốc gia liên tiếp khiến họ trở thành một hình mẫu đào tạo bóng đá toàn quốc. Một địa phương giàu truyền thống như Hà Nội cũng phải cử người xuống học mô hình bóng đá Sông Lam. Một thế lực mới nổi, giàu tiền bạc, giàu khát vọng như Hoàng Anh Gia Lai cũng phải mời Sông Lam lên Pleiku vừa đá giao hữu vừa... học hỏi.

Thời điểm ấy, quân Sông Lam tràn ngập Đội tuyển Quốc gia, và với một HLV trưởng là người châu Âu như Alfred Riedl thì sự tràn ngập ấy hoàn toàn đến từ khía cạnh chuyên môn, chứ không hề bị nghi ngờ vì lý do "nhất thân, nhì thế...".

Nhưng rồi Sông Lam dần dần tụt lại. Một phần vì bộ ba quan trọng gồm ông Giám đốc Sở Nguyễn Hoàng Thụ - Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh - HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh không còn trở thành ba cạnh của một tam giác vững chắc như nhiều năm trước, nhưng phần quan trọng nhất là đoàn bóng đá Sông Lam thua thiệt trông thấy so với các đối thủ quanh vấn đề tiền bạc.

Cứ mỗi một mùa giải, Sông Lam lại trình làng một cầu thủ tiềm năng, nhưng sau một thời gian ngắn "trả nợ" cho đội nhà, tất cả các cầu thủ này đều cao chạy xa bay. Và đến ngay cả HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng nản vì chuyện "chảy máu cầu thủ" dẫn đến việc cương quyết đòi từ chức thì ai cũng hiểu là vấn đề nghiêm trọng tới đâu.

Trong bối cảnh như thế, một chức vô địch, dù chỉ là vô địch Cúp Quốc gia rõ ràng có thể "cứu" lại nhiều điều. Nó cứu danh dự của một địa phương bóng đá từng có thời gian dài đứng đầu cả nước, nó cứu cả động lực, khát vọng của các cầu thủ trong hiện tại. Nhưng oái ăm ở chỗ, nếu vô địch, phải đại diện Việt Nam đi đá AFC Cup thì Sông Lam bói đâu ra tiền trong mỗi lần xuất ngoại nước ngoài?

Trước câu hỏi này ông Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Sông Lam Nguyễn Hồng Thanh nói thẳng: "Lúc ấy phải kiến nghị lên Tỉnh, lên nhà tài trợ phải hỗ trợ tài chính thôi. Mà nếu kiến nghị không được, buộc phải nộp tiền phạt, xin AFC cho rút khỏi giải". Trong quá khứ, cũng vì vấn đề tiền bạc nhạy cảm này mà đoàn bóng đá Sông Lam phải thực hiện phương án thứ hai.

Lãnh đạo, huấn luyện viên và cả các cầu thủ đều máu vô địch, dù chỉ là vô địch một cái Cúp mà phần lớn các đội bóng khác đều muốn buông. Nhưng nếu lỡ vô địch thật thì vẫn những con người ấy lại phải cuống cuồng lo những cái lo kinh phí.

Nghĩ mà đau cho một đội bóng từng có cả một quá khứ huy hoàng.

Còn tuỳ thuộc thái độ của Đà Nẵng

Ở bán kết Cúp Quốc gia năm nay, Sông Lam Nghệ An sẽ đối đầu Quảng Nam. Đây là một đối thủ vừa sức với họ, và nếu đá với đúng những gì đã thể hiện ở hai trận tứ kết vừa qua, cộng thêm chút ít may mắn, khả năng Sông Lam vượt qua Quảng Nam vào chung kết là rất lớn. Ở cặp bán kết còn lại, Đà Nẵng gặp Bình Dương. Theo dự đoán của giới chuyên môn, với ưu thế chuyên môn và tinh thần nhỉnh hơn đối thủ, khả năng giành chiến thắng của Đà Nẵng là 60/40. Trong trường hợp đúng là cả Đà Nẵng lẫn Sông Lam vào chung kết thì cơ hội vô địch cho Sông Lam không dễ chút nào. Nhưng nếu Đà Nẵng dồn sức cho cuộc đua vô địch V.League thì mọi chuyện có thể sẽ lại diễn ra rất khác. (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.