Hoài niệm "Triều đại người Thái" ở đội bóng phố Núi

Thứ Tư, 22/04/2020, 08:47
Họ rời Thái Lan đến Việt Nam chơi bóng không đơn giản là để dưỡng già kiếm tiền. Hơn 10 năm gắn bó với V.League, những cầu thủ như Kiatisuk, Dusit, Nirut, Sakda... đã biến Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từ một cái tên vô danh trở thành CLB có người hâm mộ ở cả ba miền. Vậy họ đã đến Việt Nam như thế nào, và tại sao những người đàn em của họ không còn đến V.League nữa?


Ký ức huy hoàng

Bóng đá Gia Lai chỉ loanh quanh thi đấu tại những giải hạng thấp cho đến ngày được doanh nhân Đoàn Nguyên Đức tiếp quản. Có tiền và chịu chi tiền, một trong những việc đầu tiên bầu Đức làm trên cương vị ông chủ CLB là chiêu mộ ngoại binh về một CLB vốn luôn trầy trật ở nửa dưới bảng xếp hạng (BXH) giải hạng Nhất quốc gia. Tư duy chọn cầu thủ ngoại của bầu Đức cũng rất khác người, xuất phát từ mục đích sâu xa ông nhắm đến.

Ở cái thời hầu hết các đội bóng đều sống nhờ vào nguồn ngân sách của địa phương, bầu Đức đổ tiền vào bóng đá nhằm quảng bá thương hiệu HAGL. Cách tốt nhất để cái tên này được cả nước nhắc tới là chiêu mộ những cầu thủ nổi danh, nhưng nội binh không đủ sức gây chú ý trên mặt báo. Những ngoại binh da màu đáp ứng tốt về mặt chuyên môn những cũng không thể làm hình ảnh cho CLB. Thế là bầu Đức nhắm đến những cầu thủ Thái Lan vốn là khắc tinh của đội tuyển (ĐT) Việt Nam.

Kiatisuk mở đầu cho cuộc đổ bộ của người Thái đến HAGL.

Với phương châm "tuyển Thái Lan có cầu thủ nào hay, tôi mua cầu thủ đó", bầu Đức chọn Kiatisuk Senamuang làm bản hợp đồng mở đầu cho triều đại người Thái ở HAGL. Cách bầu Đức vung tiền đưa Zico Thái Lan đến Việt Nam cũng là một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Trong khi những CLB Singapore, Malaysia... cò kè bớt một thêm hai trên bàn đàm phán, HAGL trả trước hẳn 2 năm tiền lương. Đó chính là tiền đề cho khái niệm tiền lót tay sau này ở V.League.

Đi cùng Kiatisuk trong chuyến du ngoạn đến Việt Nam đầu năm 2002 là hậu vệ Chukiat Noosarung, cũng là một tuyển thủ Thái Lan. Bộ đôi này trở thành hạt nhân giúp HAGL đứng thứ ba giải hạng Nhất mùa 2001-2002, qua đó giành suất lên chơi ở V.League năm tiếp theo. Thành công với chiến lược sử dụng ngoại binh Thái Lan, bầu Đức tiếp tục rót tiền chiêu mộ thêm Dusit, Sakda, Tawan về CLB trong 2 năm tiếp theo. Hai chức vô địch V.League liên tiếp càng khẳng định sự thống trị của người Thái ở môi trường bóng đá Việt Nam.

Không chỉ khẳng định đẳng cấp về mặt chuyên môn, những cầu thủ Thái Lan chưa bao giờ khiến bầu Đức phật lòng ở khâu marketing. Trong khi những CLB khác đau đầu vì nếp sinh hoạt vô kỷ luật của ngoại binh, Kiatisuk và các đồng đội luôn là tấm gương mẫu mực cho cả các nội binh học theo. Họ sinh hoạt điều độ nên vẫn duy trì phong độ đỉnh cao ngay cả khi đã ngoài 30 tuổi. Để xây dựng hình ảnh thân thiện hơn với người hâm mộ Việt Nam, họ còn học cả tiếng Việt.

CĐV Việt Nam thường không thích bị người Thái chê bai ở khoản bóng đá, nhưng họ lại nuốt từng lời Kiatisuk nói. Lý do bởi Zico Thái rất biết chiều lòng người dân ở đất nước anh từng gắn bó gần một thập kỷ. Kiatisuk, Sakda, Tawan,... có thể giao tiếp rành rọt bằng tiếng Việt, thậm chí đánh đàn hát như một người Việt thực thụ. Nirut còn là chuyên gia tiếng Việt thực thụ khi anh nói chuẩn giọng cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Thoái trào

Công cuộc "Thái hóa" của HAGL còn được thực hiện trên cả băng ghế huấn luyện với sự xuất hiện của HLV Arjhan Somgamsak rồi sau đó là những người đồng hương Chatchai Paholpat, Anant Amornkiat. Ngay cả Kiatisuk và Dusit cũng có thời gian dẫn dắt đội bóng phố Núi khi bầu Đức nhờ cậy nhưng họ lại không thể giúp HAGL trở về thời kỳ huy hoàng 2003-2004. Ngay cả khi Nirut, và đặc biệt là Thonglao xuất hiện, thành tích của đội bóng vẫn không thể cải thiện.

Nhìn rộng ra, HAGL không phải CLB duy nhất trọng dụng ngoại binh Thái Lan trong những năm đầu kỷ nguyên V.League. Bình Định, Ngân hàng Đông Á, Tiền Giang cũng là những đội bóng từng trải thảm đỏ mời những người đồng hương của Kiatisuk đến thi đấu. Khi được hỏi về lý do rời quê hương để sang chơi bóng ở V.League, họ đều có một câu trả lời chung: Môi trường bóng đá Việt Nam đãi ngộ tốt hơn Thái Lan.

HAGL và các CLB khác trả lương cao hơn dăm ba lần họ nhận ở Thai League nên ai cũng muốn sang Việt Nam thi đấu. Nirut, Sakda còn sẵn sàng nhập tịch theo đề xuất của bầu Đức để chơi như một nội binh và nhận lương cao hơn. Nhưng khi ông bầu ở những địa phương khác cũng rục rịch đổ tiền làm bóng đá sau khi ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, bầu Đức cũng có lúc không cạnh tranh nổi với họ.

Đoàn Văn Nirut chỉ chơi cho HAGL 2 năm rồi đầu quân cho Navibank Sài Gòn. Đầu những năm 2010, đến lượt người Thái đầu tư rầm rộ. Nirut thẳng thắn nói không thể từ chối lời mời từ quê nhà khi anh được trả lương cao hơn hẳn ở Việt Nam, khoảng 6.000 USD/tháng so với 80 triệu đồng/tháng tại V.League. Giữa năm 2012 anh trở về Thái Lan đầu quân cho Bangkok Glass dù từng đưa cả gia đình sang Việt Nam sinh sống.

Với những ngôi sao như Thonglao thì các ông lớn sẵn sàng chiêu mộ anh với lương thưởng cao hơn Nirut vài ba lần. Muangthong United trả cho tuyển thủ Thái Lan 200 ngàn USD tiền lương mỗi năm để kéo anh về nước thi đấu. Vừa trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất giải lại thi đấu gần nhà, Thonglao nhanh chóng nhận lời và kiên trì chơi bóng cho đến tận bây giờ. Chỉ có Sakda tiếp tục bám trụ ở đội bóng phố Núi đến hết năm 2014, thời điểm bầu Đức đôn lứa U19 lên đội một.

Cầu thủ Thái Lan nói gì về bóng đá Việt Nam?

Thông minh và khôn khéo, những ngoại binh Thái hiếm khi nào nói thật lòng suy nghĩ của họ về những mặt tiêu cực của V.League. Sakda thường bảo anh không sợ bị đối phương chơi xấu, cứ ra sân là chiến đấu, không sợ ai cả. Kiatisuk còn tinh tế tới mức thuộc nằm lòng quy luật "3 đi 3 về" ở Việt Nam. Ở vòng cuối mùa giải V.League 2004, Zico Thái Lan đá hỏng một quả phạt đền khó hiểu trong trận gặp Hải Phòng ở sân Lạch Tray. Năm đó HAGL vẫn vô địch còn Hải Phòng trụ hạng đầy kịch tính.

Người duy nhất từng thẳng thừng nói ra cái xấu của bóng đá Việt Nam là Nirut. Không lâu trước khi hồi hương thi đấu, Nirut chia sẻ: "Cầu thủ Việt Nam nhiều người kỹ thuật cơ bản kém, khi thua họ rất hay đá bậy. Không chỉ có cầu thủ, HLV và trợ lý cũng làm việc thiếu chuyên nghiệp. Lý do phần lớn HLV ngoại không thành công ở Việt Nam vì họ hay bị trợ lý 'chơi' lại. Tôi từng thấy có HLV truyền đạt một đằng, trợ lý phiên dịch một nẻo. Họ làm vậy để đá ghế HLV, để họ lên thay".

Cẩm Chi
.
.
.