Hâm mộ cũng cần có "bộ não"

Thứ Bảy, 17/11/2018, 12:06

Pháo sáng đã hơn 3 lần được đốt lên ở Mỹ Đình trong trận ĐTVN gặp Malaysia đêm 16-11 vừa qua. Và những kẻ đốt chúng lên không hề ý thức được hậu quả của hành vi ấy sẽ như thế nào…


Tháng 10 vừa rồi, LĐBĐ Châu Á (AFC) đã ra án phạt đối với VFF trị giá 12.500 USD vì việc CĐV Việt Nam đã đốt pháo sáng trên sân Pakansati - Indonesia ở trận bán kết bóng đá nam. Án phạt này mới chỉ là một cảnh cáo ngõ hầu phía Việt Nam phải có biện pháp để tình trạng không thể bị tái diễn.

Vấn đề đốt pháo sáng trên khán đài này đã được nhắc đến rất nhiều trước khi AFF Cup 2018 khai cuộc. Các cộng đồng CĐV cũng lên tiếng chia sẻ với nhau quan điểm cần phải bảo vệ hình ảnh người Việt Nam, bảo vệ hình ảnh bóng đá Việt Nam và bảo vệ ĐTVN bằng cách nói không với pháo sáng. Theo những CĐV văn hoá này, để làm đẹp khán đài không thiếu gì cách và pháo sáng không phải là cách duy nhất.

Pháo sáng trên sân Mỹ Đình ở trận gặp Malaysia 

Phải thừa nhận, pháo sáng trên khán đài sân cỏ mang lại một hình ảnh cuồng nhiệt thực sự nhưng đó là cái cuồng nhiệt của đe doạ. Phát xuất từ những nền bóng đá latin như Nam Mỹ, Ý, pháo sáng đã từng được coi là đặc sản ở các vận động trường của họ. Nhưng theo thời gian, nó đã dần trở nên cực hiếm hoi, khi các CĐV nước ngoài có ý thức rất rõ về quy định an ninh của địa phương cũng như các điều luật nghiêm khắc của FIFA.

Ở Việt Nam, một bộ phận CĐV thần tượng bóng đá latin, bóng đá Ý và đã cố gắng học tập cách thể hiện từ những nền bóng đá ấy. Nhưng điều đáng nói là họ không học hỏi những thứ văn minh và hay ho mà thay vào đó, họ copy y chang những cái dở, bị cấm kị và chỉ trích. Pháo sáng chính là lối học hỏi cái xấu một cách bừa bãi như thế.

Và trong trận đầu tiên trên sân nhà của ĐTVN ở khuôn khổ AFF Cup 2018, pháo sáng đã được đốt lên hơn 3 lần trên khán đài. Nó đã làm rất nhiều người nổi giận, từ những nhà báo thể thao, những chuyên gia bóng đá cho tới những CĐV chân chính. Đơn giản, lần này án phạt (nếu có) cho bóng đá Việt Nam sẽ không hề nhỏ chút nào.

Nếu AFC ra án phạt lần thứ hai, ước tính khoản tiền phạt mà VFF sẽ phải đóng có khả năng lên tới 70 ngàn USD. Song, không chỉ dừng ở tiền phạt, khả năng ĐTVN không được đá với Cambodia trên sân nhà là rất cao. Thay vào đó, có thể ĐTVN sẽ phải hành quân xa đến một sân trung lập nào đó. Nhẹ hơn, có thể chúng ta vẫn được đá tại sân nhà nhưng phải là một sân trống không, hoàn toàn không có khán giả.

Nhiều khả năng, đá ở sân trung lập hay sân không có khán giả, Việt Nam vẫn tìm được chiến thắng nhưng cái giá phải trả sẽ dồn lên liên đoàn và những người hâm mộ chân chính. Những người hâm mộ chân chính lẽ ra được quyền cổ vũ đội bóng yêu thích của mình trên sân vận động thì sẽ phải ngồi nhà xem TV chỉ vì dăm ba quả pháo sáng của một vài kẻ ngu dốt nào đó.

Có ý kiến cho rằng, những kẻ đốt pháo sáng là để phản ứng lại VFF về chuyện phân phối vé vừa rồi. Cứ cho là VFF có lỗi trong phân phối vé đi nữa, thì chính tổ chức ấy đã lên tiếng cam kết kể từ trận kế tiếp, họ sẽ từ chối mọi đường hỏi mua vé theo công văn của các cơ quan nhà nước như truyền thống để dồn vé bán cho người hâm mộ. Đó có thể coi là hành động sửa sai, với ý thức nhận lỗi cầu thị và trước một hành động hối lỗi, sự trừng phạt là không nên, đặc biệt là loại hình trừng phạt tự phát cho bõ tức đầy dốt nát kiểu đốt pháo sáng.

Trước trận gặp Malaysia, đã có nhóm hội CĐV Nam Định và Hải Phòng (hai trong số vài địa phương có phong trào đốt pháo sáng trên sân vận động mạnh mẽ nhất) tuyên bố họ sẽ không mang pháo sáng vào sân, không đốt pháo sáng. Đó là tuyên bố rất đáng khen ngợi và thực tế trên sân cho thấy, việc đốt pháo sáng ở Mỹ Đình hôm qua 16-11 có vẻ là hành động đơn lẻ của vài nhóm cá nhân thích chơi trội hơn là hành động có tổ chức của một hội, nhóm CĐV nào đó. Chắc chắn, cơ quan điều tra sẽ tìm ra thủ phạm và sẽ có răn đe thích đáng.

Nhưng trước mắt, chúng ta cần phải nhận thức với nhau rằng, để ngăn chặn thì phải đi từ gốc. Cái gốc của bóng đá là CĐV và chính các CĐV phải có một ý thức thường trực về việc không đốt pháo sáng và chống lại pháo sáng. Cụ thể, trên khán đài nếu có pháo sáng xuất hiện, tất cả cần phải có phản ứng mạnh mẽ, cô lập đối tượng để lực lượng an ninh có thể nhanh chóng xử lý kịp thời.

Yêu cũng cần phải học, để tình yêu của mình không trở nên điên rồ, vị kỷ và gây tác hại cho đối tượng được yêu cũng như những người xung quanh. Và cái cách mượn danh hâm mộ để thể hiện bản thân mình là một thứ tình yêu thiếu “bộ não”. Nguy hiểm hơn, nó không chỉ huỷ hoại hình ảnh một trận cầu, một đội bóng, một nền bóng đá mà còn hủy hoại chính hình ảnh của một dân tộc. Thực sự, người Việt Nam xấu hay đẹp trong mắt bạn bè quốc tế nhiều khi bị tác động bởi những hình ảnh rất nhỏ, rất đời thường.

Và chốt lại, khán đài V-League, khán đài các giải đấu phong trào ở Việt Nam phải sạch pháo sáng trước cái đã. Nếu ở những cuộc chơi mang tính cơ bản của nền bóng đá như thế vẫn còn pháo sáng thì chuyện pháo sáng ám ảnh ĐTVN sẽ vẫn còn dài dài. Mà để ngăn chặn tình trạng này, chỉ một mình VFF thôi thì không đủ.

Hà Quang Minh
.
.
.