Câu chuyện bóng đá:

Hai thầy ngoại, hai hành trình, một đoạn kết?

Thứ Sáu, 27/10/2017, 09:34
V.League năm nay có hai thầy ngoại, và hai ông thầy đang ở cùng đội bóng của mình ở hai đầu bảng tổng sắp. Rất có thể, sau khi bóng ngừng lăn, cả hai ông thầy đều phải đánh đu sự nghiệp của mình trên một vùng đất mới.

Ở nửa dưới bảng xếp hạng là tình cảnh của ông thầy Fiard của CLB thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM). Là người Pháp nhưng lại gốc gác Ấn Độ, từ diện mạo đến cách ứng xử, ông Fiard cho thấy sự bình dị, gần gũi của người phương Đông truyền thống. Khi đến CLB TP HCM, ông Fiard hiểu cái thế của một tân binh lần đầu tiên chơi V.League. Ông xây dựng một thứ bóng đá phòng ngự chặt chẽ, dù ông yêu thích sự cống hiến.

HLV trưởng FLC Thanh Hoá, Petrovic đang đối diện với những kịch bản 
ngoài tưởng tượng của chính mình.

Và bên cạnh những xây dựng chuyên môn, ông cũng xây dựng một phong cách đá bóng, một văn hoá ứng xử mà theo ông là rất đàng hoàng. Nhưng rồi ông nhiều lần chứng kiến cảnh đối phương không ngừng nằm sân câu giờ sau khi dẫn trước đội nhà.

Và thế là ông bực bội thốt lên: "Tôi không thấy ở đâu, người ta lại nằm sân, câu giờ nhiều như thế". Cùng với chủ tịch CLB Lê Công Vinh, ông cũng không hài lòng với những tiếng còi mà có lúc ông nghĩ là bất lợi với đội bóng của mình. Thêm một cái khó nữa khi đầu mùa giải năm nay, đội bóng ồ ạt mang về hàng loạt những cầu thủ mới, và thời gian để ông lắp ghép những con người mới vào một hệ thống  là quá eo hẹp. Do vậy sau 22 vòng đấu, đội bóng của ông rơi mãi xuống vị trí thứ 10.

Mặc dù vẫn còn 4 vòng đấu nữa, nhưng chủ tịch CLB Lê Công Vinh đã công khai nói với báo giới về việc đang tiếp xúc với những HLV chất lượng cao. Như thế có nghĩa, đến 99,99% ông Fiard sẽ mất ghế sau mùa giải.

Khác với sự giản dị, âm thầm và thiếu cá tính của ông Firad, thuyền trưởng CLB Thanh Hoá - Petrovic lại là một nhân vật nổi như cồn. Ông nổi sau những phát biểu mạnh mẽ chỉ trích trọng tài, chỉ trích ban tổ chức giải rồi sau đó, dưới  sự tư vấn của những người "hiểu chuyện V.League" ông lại thanh minh rằng: "Phiên dịch viên đã hiểu sai lời nói của tôi". Ông nổi vì chức vô địch Cúp C1 châu Âu (tiền thân của Champinos League hiện nay) mình giành được của CLB Sao Đỏ Begrad năm nào. 

Và trên tất cả, ông nổi vì đã cùng FLC Thanh Hoá trải qua một chuỗi trận dài bất bại hồi đầu mùa, để một mình một ngựa dẫn đầu cuộc chơi.

Nhưng đến giai đoạn lượt về sinh tử này thì ông lại thường xuyên cáu kỉnh. Là một người chân ướt chân ráo tới Việt Nam, ông không hiểu nổi vì sao các học trò của mình thi thoảng lại sai những cái sai chết người trong những trận đấu với những đối thủ trực tiếp cạnh tranh ngôi vô địch. Đá với Quảng Nam cũng sai. Đá với Hà Nội cũng sai.

Và mới nhất, đá với Quảng Ninh thì thủ thành lại sai tới mức chuyền thẳng bóng vào chân đối thủ. Mặc dù ông nói rằng: "Sai lầm là một phần của bóng đá" và mặc dù ông bảo: "Tuyệt đối không nghi ngờ thái độ thi đấu của các học trò", nhưng là một nhà chuyên môn lão luyện, ông sẽ không thể chấp nhận những cái sai cứ lặp đi lặp lại như vậy được.

Bây giờ thì cửa vô địch của đội ông đã hẹp lại. Và sau 4 vòng đấu tới, nếu quả nhiên FLC Thanh Hoá không thể vô địch cho xứng với khát vọng và khoản tiền đầu tư kếch xù mà mình đã bỏ ra thì rất nhiều khả năng ông sẽ ra đi. Đầu mùa giải này, trước khi ký vào bản hợp đồng với lãnh đạo FLC Thanh Hoá, ông đã xác định đây sẽ là một trong những bến đỗ cuối cùng trong cuộc đời cầm quân của mình. Và ông từng hy vọng sẽ ghi được một dấu mốc nào đó trong giai đoạn cuối cùng này.

Bây giờ thì ông hiểu hy vọng đó khó khăn hơn bao giờ hết. Khó vì các đối thủ quá mạnh đã đi một nhẽ, đằng này lại khó vì các học trò của ông thường tự thua trước.

Hai thầy ngoại ở V.League năm nay dù một người đang trên nhóm đầu, một người đang trong nhóm cuối, nhưng rõ ràng là họ đã và đang phải đối diện với những điều mà trước đó chưa thể nào hình dung hết. V.League chưa bao giờ là đất tốt cho thầy ngoại - cho những người vốn chỉ giỏi chuyên môn đơn thuần.

Gập ghềnh thầy ngoại tại sân chơi V..League

Các HLV ngoại xuất hiện trên băng ghế HLV trưởng các CLB Việt Nam từ thời bóng đá bao cấp, vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Thời đó Vĩnh Long từng được dẫn dắt bởi HLV người Trung Quốc, Tề Sùng Lập, rồi Công an TP Hồ Chí Minh, Công an Hải Phòng cũng lần lượt được dẫn dắt bởi những ông thầy người Pháp, người Nga. Trong lịch sử V.League, có lẽ đội bóng sử dụng thầy ngoại nhiều nhất và cũng thành công nhất là Long An. Dưới thời cựu thầy Henrique Calisto người Bồ Đào Nha, Long An đã vô địch V.League 2 năm liên tiếp, nhưng sau đó họ đã thay thầy ngoại như thay áo, và gần đây đã phải quay về với phương án thầy nội.

Có những giai đoạn, V.League tràn ngập các ông thầy ngoại, nhưng tìm được một người vừa giỏi nghề, vừa giỏi làm quen với văn hoá Việt Nam như Calisto là một điều quá khó. Chưa biết năm tới các ông thầy ngoại ở CLB TP.HCM và FLC Thanh hoá còn tại vị không nhưng chắc chắn V.League vẫn sẽ có ít nhất 1 thầy ngoại. Đó là HLV, giám đốc kĩ thuật CLB Hoàng Anh Gia Lai Chung Heang Seong. (Ngọc Anh

Ông Park Hang Seo muốn cầu thủ Việt Nam tự tin khi đối đầu Hàn Quốc

Lá thăm may rủi đã đưa Đội tuyển U.23 Việt Nam vào bảng D vòng chung kết giải U.23 châu Á được tổ chức ở Trung Quốc vào tháng 1 năm sau. Đây là một bảng đấu rất nặng gồm Hàn Quốc, Australia và Syria. Ở vòng chung kết U.23 gần đây nhất, U.23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của thầy Nhật Toshiya Miura đã thua cả 3 trận, và sau đó không lâu ông Miura đã phải xách vali về nước.

Điều thú vị là tới đây, tân HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam - Park Hang Seo sẽ phải đối diện với đội bóng quê hương mình.

Trao đổi cùng báo giới, ông nói về điều này: "Thú thực, tôi không mong muốn phải gặp Hàn Quốc sớm, trong một bảng đấu nặng như vậy. Nhưng khi những lá thăm đã mang tới kết quả như vậy thì tôi buộc phải chấp nhận, và chỉ có thể nói là sẽ giúp các cầu thủ cố gắng hết mình mà thôi".

Ông Park nói thêm rằng, HLV trưởng đương nhiệm của U.23 Hàn Quốc vốn là một người bạn - một người em rất gần gũi với ông. Ông tin tưởng rằng, nếu các cầu thủ tập trung thi đấu với một khát vọng, một quyết tâm cao nhất thì ngay cả khi không giành được những kết quả tốt về điểm số vẫn có thể tạo ra những ấn tượng tốt về lối chơi. (Tuấn Thành)

Hiếu Hà
.
.
.