Hai nửa buồn vui

Thứ Năm, 31/12/2015, 08:11
Như vậy, mọi khúc mắc của vận động viên (VĐV) bơi lội trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm đã được giải quyết trong ngày 29-12 vừa qua. Không ai phải đền bù ai, VĐV có đơn vị chủ quản cụ thể cùng điều kiện phát triển theo yêu cầu. Trong hoàn cảnh ấy, cũng có những VĐV như Trâm là Ngô Thị Ngọc Quỳnh không được may mắn như vậy.


Mừng cho Phương Trâm

Tưởng như các cuộc hòa giải giữa thể thao TP Hồ Chí Minh với gia đình Nguyễn Diệp Phương Trâm không thể ổn thỏa thì quyết định cuối cùng đã được đôi bên gật đầu.

Theo đó, Phương Trâm vẫn ở lại với thể thao TP Hồ Chí Minh, không tìm đơn vị khác. Điều này cũng đồng nghĩa, gia đình của kình ngư 14 tuổi này không phải bồi hoàn tiền hợp đồng đào tạo cho bơi lội TP Hồ Chí Minh (ban đầu đơn vị đòi 961 triệu đồng rồi sau đó thỏa thuận được ở mức 400 triệu đồng).

Một điểm khác duy nhất trong quyết định chấp nhận ở lại TP Hồ Chí Minh của Phương Trâm và gia đình so với trước kia là cô sẽ không chịu quản lý trực tiếp ở CLB bơi Yết Kiêu mà chuyển sang tập tại CLB bơi Phú Thọ cùng trên địa bàn.

Đi tới thống nhất để con em mình ở lại thành phố, gia đình Phương Trâm cũng có yêu cầu rằng nữ VĐV này phải được đầu tư thích đáng. Trong tương lai gần ở năm 2016, nếu không có gì thay đổi, bơi lội TP Hồ Chí Minh cùng Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam và Tổng cục TDTT sẽ phối hợp tạo điều kiện cho Trâm đi Mỹ tập huấn dài ngày. Mức chi phí có thể lên tới tiền tỉ. Chưa kể, để nhận được cái gật đầu chịu ở lại TP Hồ Chí Minh của Phương Trâm, đơn vị này phải “trải thảm đỏ” trở lại bằng chế độ ưu đãi dành cho VĐV bơi lội trẻ như một VĐV được hưởng chế độ tốt nhất.

Nguyễn Diệp Phương Trâm thi đấu tại SEA Games 28-2015 vừa qua; Ngô Thị Ngọc Quỳnh (áo đen) từng dự SEA Games 27-2013.

Trước mắt, Trâm được tập trung tập luyện tại khu bơi thuộc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh (nơi có thành viên đội tuyển quốc gia tập huấn) nhằm nâng cao thành tích hơn. Theo tìm hiểu, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã rà soát lại số VĐV được hưởng chế độ đặc thù dành cho VĐV xuất sắc (nhận 400 nghìn đồng/người/ngày tiền công và 400 nghìn đồng/người/ngày tiền dinh dưỡng) của năm 2015 để bổ sung và thay mới người không đạt yêu cầu trong năm 2016. Những gì đã thể hiện tốt trong năm 2015, Phương Trâm nhiều khả năng là VĐV có tên tại danh sách như vậy ở năm 2016.

Khép lại sự vụ, VĐV đã được tạo điều kiện tốt nhất. Đây là điểm mừng. Phương Trâm đã được ổn định tâm lý, có chế độ tốt từ Tổng cục TDTT với đơn vị chủ quản TP Hồ Chí Minh đầu tư (trong khả năng của mình). Việc còn lại của nữ VĐV này là tập trung tập luyện, thi đấu để phát triển hơn. Phương Trâm đang ở tuổi 14. Trẻ về tuổi đời nhưng chỉ khoảng 2 hoặc 3 năm nữa, cô phải bứt lên thể hiện năng lực thật sự, bằng không xem như chúng ta lại phải tìm con người mới.

Buồn cho Ngọc Quỳnh

Cùng lứa như Phương Trâm, bây giờ, ít người còn nhắc về Ngô Thị Ngọc Quỳnh. Mới nhất, Ngọc Quỳnh (đang thuộc bơi lội Quảng Bình) đã không tập luyện tại TP Hồ Chí Minh nữa mà được chuyển xuống nơi tập mới ở Cần Thơ. Với cơ sở vật chất, điều kiện hiện tại chưa thể giúp VĐV phát triển tốt hơn, bơi lội Quảng Bình phải đi thuê mượn điểm tập là điều dễ hiểu. Đó là thiệt thòi với Ngọc Quỳnh.

Nếu Quỳnh được trưởng thành ở địa phương mạnh về thể thao chắc chắn sự đầu tư sẽ rất đáng kể. Ngọc Quỳnh thiên về các cự ly của nội dung bơi ếch. Sau giai đoạn được đi Mỹ tập huấn với Ánh Viên trong năm 2013, gương mặt trẻ này giờ chỉ tập tại Việt Nam. Ngọc Quỳnh không còn trên đội tuyển quốc gia. Còn nhớ, ngày Ngọc Quỳnh được phát hiện, nhiều nhà quản lý lập tức đưa cô đi Mỹ tập huấn hướng cho mục tiêu bồi đắp thêm một tài năng tương lai. Tiếc rằng, Quỳnh không tạo được tiếng vang như Phương Trâm lúc này.

SEA Games 2013 tại Myanmar, Ngọc Quỳnh ở tuổi 13 và là VĐV trẻ nhất đoàn Việt Nam. Hai người họ đều là những tài năng sớm phát lộ của bơi nữ Việt Nam nhưng với chiến lược dài hơi, các HLV chuyên môn biết được ai đủ năng lực nhất. Quỳnh vẫn hướng tới mục tiêu cao nhất hoàn thiện bản thân.

Nếu không được tập huấn nước ngoài, cô cần đạt thành tích tốt trong nước. Niềm tin được tạo dựng tại giải bơi vô địch quốc gia 2015 (thi đấu tháng 10), Ngọc Quỳnh chiến thắng Ánh Viên tại chung kết cự ly 50m ếch, đoạt HCV. Nếu được thêm một cuộc đầu tư ra nước ngoài tập huấn, Quỳnh vẫn có thể phát huy. Tiếc rằng, bơi lội Quảng Bình chưa mạnh về tài chính nên rất khó.

Ánh Viên là sự kiện tiêu biểu của ngành VH-TT&DL năm 2015

Bộ VH-TT&DL đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm hoạt động 2015. Lĩnh vực thể thao có 2 sự kiện được nằm trong 10 sự kiện trên, đó là “SEA Games 28 là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam khi  lần đầu tiên các môn Olympic đóng góp tới 87% tỉ lệ các môn đoạt Huy chương vàng” – vị trí thứ 9; Ánh Viên vào top 5 nữ kình ngư xuất sắc nhất châu Á, được báo chí quốc tế mệnh danh “Cô gái thép” – vị trí thứ 10. Trước đó, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra 15 đề cử để lấy bầu chọn từ các phóng viên, chuyên gia ngành bỏ phiếu chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu. Trong đề cử, thể thao có 4 sự kiện và cuối cùng 2 sự kiện được chọn ra. Việc nữ VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên được trở thành 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành ở năm hoạt động 2015 là điều đáng khích lệ với cá nhân tuyển thủ này. Hiện tại, Ánh Viên vẫn đang tập huấn tại Mỹ và nhiều khả năng sẽ không về Việt Nam nghỉ Tết.                                              

D.P.

Diệu Phương
.
.
.