Huấn luyện viên có phải là người thầy hay không?

Thứ Hai, 19/11/2018, 15:04

Huấn luyện viên (HLV) bóng đá nói riêng, và thể thao nói chung, có được coi là một người thầy không, hay họ chỉ đơn thuần là một người cộng tác cùng vận động viên mà thôi?


Khoảng hơn một tháng trước, khi Man United có thành tích bết bát, với nguyên nhân được cho là có sự bất hoà giữa HLV Mourinho với những cầu thủ trụ cột như Pogba, Martial, Rashford, đã có những bình luận ở Việt Nam cho rằng các cầu thủ kể trên đã “phản thầy”. Và song song đó, cũng có những nhận định soi chiếu lại thời kỳ Mourinho ở Real Madrid cũng như những tháng ngày cuối của ông tại Chelsea và quả quyết “Mourinho thường hay bị học trò lật kèo”.

Tuy nhiên, ngay lập tức cũng có những ý kiến phản ứng lại với quan điểm trên. Cụ thể, một nhà báo theo dõi bóng đá lâu năm đã nhận định rằng “HLV và cầu thủ thực chất là mối quan hệ hợp tác, một cách bình đẳng, thành ra không thể có những khái niệm như "phản thầy" hay "bẻ ghế". Anh là HLV, là người lãnh đạo, anh tự nhiên phải có năng lực khiến các cầu thủ phải tôn trọng anh, qua cách anh xử sự, cách anh tôn trọng lại cầu thủ, cách anh đối thoại với họ, sự hấp dẫn của anh..v.v.v”. Ý kiến này thu hút khá nhiều đồng thuận từ cộng đồng, thậm chí, có người còn gay gắt cho rằng “Nhiều tay bút sến súa cứ viết lên báo là ‘thầy Park’. Chẳng hiểu sao ông HLV này lại là thầy của cả người đọc báo?”.

Hai luồng quan điểm trái ngược ấy làm dấy lên một câu hỏi rất lớn: Vậy HLV có phải là một người thầy hay không?

Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp nói riêng và thể thao đỉnh cao nói chung của phương Tây, rõ ràng nhận định rằng HLV không phải là người thầy là đúng đắn. Đó là một mối quan hệ công việc đơn thuần, dựa trên các cam kết mà cả hai cùng bị ràng buộc với một tổ chức chung (CLB, ĐTQG). Trong ràng buộc cam kết dẫn tới mối liên hệ giữa họ trong công việc kia, HLV như một người “sếp” và cầu thủ như một nhân viên đặc biệt. Họ cùng nhau chinh phục các mục tiêu mà một người là “thinker” (bộ não) và một người là ‘doer” (kẻ thực hiện).

HLV Marcelo Bielsa 

Nhưng cũng trong mối quan hệ ấy, có rất nhiều cặp HLV - cầu thủ đã thân thiết vượt mức của một đồng sự cấp trên cấp dưới. Nhiều cầu thủ coi HLV như cha của mình, một vị thế khá tương đồng với người thầy. Ví dụ như mối quan hệ giữa Mourinho với Materazzi ở Inter Milan chẳng hạn. Hơn thế nữa, có những HLV còn là người dạy nghề cho cầu thủ của mình và khi đã có hành vi “dạy”, chắc chắn phải tồn tại mối quan hệ thầy - trò. Điển hình như chuyện của HLV Pochettino của Tottenham ngày ông còn là cầu thủ. Lúc ấy, Pochettino mới ngoài 20 tuổi, đang chơi trung vệ của CLB Newell’s Old Boys (Argentina) và Mercelo Bielsa đang là HLV trưởng. Một ngày, Bielsa nói với Pochettino rằng “Cậu hãy tìm tất cả các tạp chí bóng đá số ra mới nhất và nghiên cứu về đối thủ sắp tới và cho tôi một báo cáo”.

Đó là việc một trợ lý HLV phải làm chứ không phải nhiệm vụ của một cầu thủ. Nhưng Bielsa nhìn thấy tố chất huấn luyện trong con người Pochettino. Và ông dạy cho Pochettino theo hướng thành một HLV hơn là một cầu thủ. Bây giờ, khi đã là một HLV nổi danh, Pochettino vẫn nhớ những bài học đó và luôn gọi Bielsa là thầy.

HLV Pochettino 

Các câu chuyện kể trên chỉ ra rõ rằng không phải ở phương Tây mọi quan hệ đều tách bạch đến mức HLV là HLV chứ không phải là người thầy. Và mối quan hệ này, trong môi trường văn hoá Á Đông lại càng được thắt chặt hơn. Với đa số các cầu thủ, VĐV Á đông, HLV vẫn luôn được coi là thầy hoặc chí ít ra, trong đời họ, sẽ có một vài HLV nào đó được họ tôn lên làm thầy.

Việc báo chí viết về các HLV và dùng từ “thầy” thực ra cũng bắt nguồn từ chính lối xưng hô thầy - trò mà các cầu thủ dành cho HLV của mình. Ví như ông Calisto chẳng hạn. Rất nhiều cầu thủ gọi ông là thầy. Và chính vì cầu thủ tôn trọng họ, gọi họ bằng thầy, nên giới cầm bút phản ảnh trung thực điều đó, chứ không phải tự dưng “sến hoá” mối quan hệ công việc kia.

Chia sẻ của HLV Trần Minh Chiến càng cho chúng ta thấy rõ hơn mối quan hệ này. HLV của CLB Bình Dương cho biết “Tùy vào việc HLV đang làm việc với lứa trẻ hay với CLB, ĐTQG mà cầu thủ sẽ coi HLV như thầy hay không. Nhưng nhìn chung, các HLV lứa trẻ thường chăm bẵm cho vận động viên cả những việc ngoài sân cỏ, quan tâm tới tâm lý, đời sống, tình cảm của cầu thủ nhiều hơn là các HLV của CLB hay ĐTQG.”. Và riêng với Trần Minh Chiến, HLV Lê Hữu Tường luôn là một người thầy của anh mà trong đời thể thao của mình, anh không bao giờ quên.

HLV Trần Minh Chiến và thủ môn Tấn Trường

Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Phong, cựu tuyển thủ quốc gia và hiện cũng đang làm việc trong BHL CLB Sài Gòn cho biết “Gọi bằng thầy ngắn gọn và gần gũi hơn và tôi thấy hầu như các môn thể thao ở Việt Nam, các vận động viên vẫn gọi HLV trưởng là thầy”. Nguyễn Tuấn Phong mới đây cũng vừa cùng lứa tuyển thủ 2008 và cựu cầu thủ Gạch ĐTLA làm buổi tiệc tối tri ân ông Calisto như một người thầy.

Dani Alves truy cản Luis Suarez

Quay lại việc ở nước ngoài, mới đây, hậu vệ Dani Alves của PSG (từng khoác áo Juventus và Barcelona) đã trả lời tờ The Times về HLV Pep Guardiola rằng “Ông ấy đã thay đổi tôi. Ông dạy tôi cách chơi khi không có bóng. Đó là một chuỗi kỳ diệu: ông ấy thay đổi tôi, thay đổi khái niệm hậu vệ biên và khai phá hết những điểm mạnh của tôi”. Với câu trả lời này của Alves, có nên dịch chữ “He” trong tiếng Anh thành “Thầy” trong tiếng Việt hay không?

Vậy thì HLV có phải là thầy hay không? Câu trả lời nằm ở chính các vận động viên, cầu thủ. Và khi chính các cầu thủ, VĐV coi HLV như thầy của họ, chúng ta phải trân trọng và đừng vội cho rằng đó là một thứ “sến hoá” hay làm quá lên một mối quan hệ thông thường.

Hà Quang Minh
.
.
.