Giành Huy chương Vàng, động lực hay áp lực cho U22 Việt Nam?

Thứ Hai, 25/11/2019, 05:22
Với thành tích ấn tượng trong 2 năm qua, mục tiêu của Việt Nam ở môn bóng đá nam kỳ SEA Games năm nay là hướng đến tấm Huy chương Vàng (HCV). Tuy nhiên, để làm được điều này lại không hề dễ dàng chút nào nếu nhìn về quá khứ. Vậy liệu chỉ tiêu giành "vàng" có trở thành áp lực đè nặng lên vai các cầu thủ?

Áp lực tâm lý

Kể từ khi hội nhập trở lại với bóng đá quốc tế, cứ 10 năm một lần, Việt Nam lại chứng kiến một lứa cầu thủ xuất sắc làm rạng danh nước nhà. Tuy nhiên ngay cả thế hệ vàng 1998 hay 2008 cũng chưa bao giờ vô địch SEA Games.

Thành tích tốt nhất Việt Nam từng có từ trước đến nay chỉ là 5 lần về nhì. Nếu như tấm Huy chương Bạc (HCB) đầu tiên ở kỳ SEA Games 1995 được coi là thành công, thì 4 lần giành ngôi Á quân sau đó chẳng khác nào thất bại của bóng đá Việt Nam.
Có lẽ, SEA Games 30 mới là giải đấu khiến HLV Park Hang-seo cảm thấy áp lực nhất.

Tại SEA Games 1999, thế hệ vàng từng đánh bại Thái Lan 3-0 ngay trên sân Hàng Đẫy 1 năm trước đó phải nhận thất bại 0-2 trước chính người Thái ở trận chung kết. Đến năm 2003, dù chơi trên sân nhà nhưng Việt Nam vẫn thua Thái Lan.

2 năm tiếp theo là một chương đen tối cho bóng đá Việt Nam, khi thất bại 0-3 trước người Thái ở trận chung kết kéo theo một loạt các ngôi sao như Văn Quyến, Quốc Vượng phải ngồi tù vì bán độ.

Ngay cả trong thời điểm bóng đá trẻ Thái Lan đi xuống trầm trọng, Việt Nam cũng không thể tận dụng cơ hội đó để vô địch SEA Games. Năm 2009, Việt Nam gặp Malaysia trong trận chung kết. Với nòng cốt là nhiều cầu thủ từng có mặt trong đội hình vô địch AFF Cup 2008, cộng thêm việc từng thắng 3-1 trước chính Malaysia từ vòng bảng, Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn. Nhưng cuối cùng, một lần nữa các cầu thủ trẻ Việt Nam gục ngã ở trận đấu cuối cùng.

Kể từ đó, trong 4 kỳ SEA Games tiếp theo, Việt Nam chỉ giành thêm đúng 1 tấm Huy chương Đồng (HCĐ) dưới thời HLV Toshiya Miura. Vậy vì sao bóng đá Việt Nam liên tục lỡ duyên với tấm HCV SEA Games? Lý do có lẽ không nằm ở trình độ chuyên môn, mà chủ yếu xuất phát từ tâm lý thi đấu của các cầu thủ.

Ở trận chung kết năm 2003, bàn thua đầu tiên của U23 Việt Nam xuất phát từ một pha đỡ bóng hụt của hậu vệ Đức Tuấn, người đá thay Văn Trương.

Đến năm 2009, hàng thủ U23 Việt Nam liên tiếp mắc những sai lầm khó hiểu trong trận chung kết, và kết thúc bằng bàn phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp. còn ở kỳ SEA Games gần nhất mà Việt Nam bị loại từ vòng bảng, thủ môn Phí Minh Long liên tiếp mắc 2 sai lầm ngớ ngẩn dẫn đến bàn thua.

Những câu chuyện từ quá khứ cho thấy cầu thủ trẻ Việt Nam thường không có tâm lý thi đấu vững vàng khi góp mặt ở đấu trường SEA Games. Đáng chú ý hơn cả, người chơi tệ nhất lại thường là những mắt xích ở hàng phòng ngự. Chỉ một sai lầm họ mắc phải cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của đội tuyển ở cả giải đấu.

Động lực từ chu kỳ thành công

Mọi kỷ niệm đáng quên của bóng đá Việt Nam ở những kỳ SEA Games trước đây dường như không được nhắc đến quá nhiều trước thềm giải đấu năm nay. Lý do bởi các đội tuyển Việt Nam đang trải qua một chu kỳ thành công chưa từng có ở mọi cấp độ.

Với nòng cốt là lứa cầu thủ trẻ từng tham dự U20 World Cup 2016, Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công ở các giải đấu cấp khu vực lẫn châu lục. Ở những lần đối đầu với những đối thủ tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng giành chiến thắng thuyết phục.

Vì thế, dù được xếp vào một bảng đấu tương đối khó khi có cả Thái Lan, Indonesia lẫn Singapore góp mặt, cơ hội hướng đến tấm HCV của Việt Nam vẫn vô cùng lớn. Một trong những lợi thế U22 Việt Nam có ở vòng bảng là lịch thi đấu.

2 trận đầu tiên, các cầu thủ của chúng ta chỉ phải gặp những đối thủ yếu là Brunei và Lào, đồng nghĩa với việc cầm chắc 6 điểm trong tay. Nếu 2 trận tiếp theo diễn ra suôn sẻ, Việt Nam có thể chơi thoải mái trước Thái Lan ở trận cuối cùng mà vẫn giữ được bài tủ trước vòng loại trực tiếp.

Để những tính toán đó diễn ra đúng như dự định, Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết bài toán mang tên U22 Brunei hôm nay. Xét về tương quan lực lượng, U22 Brunei kém hơn hẳn Việt Nam về chất lượng cầu thủ cũng như kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Vì vậy, U22 Việt Nam không chỉ phải giành chiến thắng, mà là một trận thắng đậm với nhiều bàn thắng nhất có thể. Hồi tháng 3, Brunei từng thua Việt Nam với tỷ số 0-6 ở vòng loại U23 châu Á, và kết quả tương tự có thể lặp lại ở SEA Games.

Bản thân HLV Park Hang-seo cũng hiểu rất rõ những điểm yếu cố hữu của các đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề trong hệ thống phòng ngự. Vì thế, ngay khi bắt đầu làm việc ở đội tuyển, ông đã áp dụng sơ đồ 3 trung vệ để cải thiện chất lượng hàng thủ.

Ngoài việc tiếp tục bố trí các hậu vệ chơi chắc chắn, ông còn cẩn thận điền tên Hùng Dũng và Trọng Hoàng vào danh sách 2 cầu thủ quá tuổi chơi cùng đội U22. Họ đều là những người có lối chơi cơ động, giàu sức chiến đấu, qua đó tăng thêm chất thép cho U22 Việt Nam.

Với những cầu thủ hiện có, U22 Việt Nam hoàn toàn có thể xóa bỏ cái dớp không thể giành HCV SEA Games của những lứa cầu thủ đàn anh. Điều đó cũng giúp bóng đá Việt Nam thâu tóm trọn bộ danh hiệu ở cấp độ khu vực để hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

U22 Brunei - đội bóng của những thiếu gia lắm tiền

U22 Brunei đến tham dự SEA Games với một lứa cầu thủ rất trẻ. Quá nửa trong số họ còn chưa đầy 20 tuổi, và ngay cả 2 cầu thủ trên 22 tuổi góp mặt cũng không có quá nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn những người đàn em. Tiền vệ 26 tuổi Nur Ikhmal Damit chỉ chơi 3 trận cho ĐT Brunei trong 3 năm qua, còn tiền đạo 29 tuổi Adi Said mới ghi vỏn vẹn 7 bàn thắng trong 7 năm khoác áo ĐTQG. Trước thềm SEA Games, U22 Brunei cũng chỉ thi đấu giao hữu đúng 1 trận.

Phần lớn cầu thủ Brunei góp mặt ở SEA Games lần này đều chỉ là những cầu thủ nghiệp dư, với đá bóng là nghề tay trái. Nur Ikhmal Damit hiện làm việc ở một trường đại học tại Brunei. Người đáng chú ý nhất trong đội U22 Brunei là đội trưởng Faiq Bolkiah, cựu cầu thủ từng thuộc học viện bóng đá của Arsenal, Chelsea và hiện nằm trong biên chế CLB Leicester. Tuy nhiên, Faiq Bolkiah được biết đến nhiều hơn trên danh nghĩa thành viên Hoàng gia Brunei.

Cẩm Chi
.
.
.