Quanh những tranh cãi về phòng truyền thống của CLB TP Hồ Chí Minh:

Để giá trị quá khứ lan tỏa cho thực tại...

Thứ Tư, 06/09/2017, 08:56
Những ngày qua, nhiều người phản ứng việc Chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh Lê Công Vinh xây dựng phòng truyền thống của CLB này nhưng lại đặt vào đó cả những chiếc cúp vô địch trước đây của Cảng Sài Gòn. Có người còn bảo việc Công Vinh "lấy nhầm" những chiếc cúp vốn không thuộc về CLB của mình là rất thiếu... tự trọng.

Xét về mặt thực tế, đúng là Cảng Sài Gòn ngày xưa và CLB TP.HCM hôm nay là hai thế giới khác nhau. Vậy nên những phản ứng nói trên, trong đó có cả những phản ứng của những cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn cũng là điều có thể hiểu được.

Kể từ ngày trở thành Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh, Lê Công Vinh đã thực hiện nhiều nước đi táo bạo.

Ai cũng biết, Cảng Sài Gòn với lối chơi hào hoa mĩ cảm đã trở thành niềm tự hào của người hâm mộ bóng đá Sài thành thời bao cấp. Thời ấy, Cảng Sài Gòn không chỉ đạt được những danh hiệu cao quý tại các giải bóng đá Quốc gia mà còn trình diện những cái tên đã để thương để nhớ trong lòng người. Nhưng sang đến thời bóng đá doanh nghiệp, sau hai, ba lần đổi tên, đổi cả cơ chế hoạt động nhưng vẫn chỉ tồn tại một cách lay lắt, rốt cuộc Cảng Sài Gòn không còn nữa.

Cho đến trước khi CLB TP.HCM mang những chiếc cúp vô địch danh giá của Cảng Sài Gòn đặt ở phòng truyền thống CLB mình, thực sự là phần lớn người hâm mộ Sài thành cũng không nhớ là những chiếc cúp ấy đang được đặt ở đâu. Và nếu muốn chiêm ngưỡng nó để nhớ lại một thời Cảng Sài Gòn hào hoa lẫm liệt thì phải làm gì.

Có lẽ, chỉ những cựu cầu thủ Cảng là biết điều này, và cũng vì thế chăng mà những ngày vừa qua, cũng chỉ có những cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn phản ứng, chứ người hâm mộ bóng đá TP.HCM nói chung cũng không hoặc chưa phản ứng. Có thể thấy với việc những chiếc cúp danh giá của Cảng được đặt trang trọng ở phòng truyền thống của một CLB thành phố hiện nay, người hâm mộ bóng đá nơi đây có thể dễ dàng tới chiêm ngưỡng và nhớ lại những giá trị bóng đá mà Cảng Sài Gòn từng tạo dựng.

Nhưng có lẽ không chỉ những người hâm mộ bóng đá thành phố, ngay cả những đội bóng hiện tại của thành phố này là CLB TP.HCM của Lê Công Vinh và CLB Sài Gòn của ông bầu Nguyễn Giang Đông cũng sẽ được tiếp thêm sức mạnh khi những giá trị của Cảng Sài Gòn ngày xưa giờ đã hiện hữu một cách thiết thực trong mình. Giá trị của quá khứ nếu bị lãng quên hoặc cứ mãi đứng im thì thật đáng tiếc.

Ngược lại, giá trị ấy được khai thác để nó có thể lan toả và tạo một sức mạnh tinh thần cho thực tại thì rõ ràng ý nghĩa tạo ra là rất lớn.

Ở đây, xét về mặt kết cấu ai cũng biết CLB Sài Gòn FC vốn là CLB Hà Nội được chuyển hộ khẩu vào địa phương này vài năm trước. CLB TP.HCM lại là CLB có sự đầu tư của Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM, từng mang tên "CLB TP.HCM" ở giải hạng Nhất đến sân chơi V.League, nên nếu so sánh hai bên thì CLB TP.HCM rõ ràng có cái chất địa phương này nhiều hơn so với CLB Sài Gòn. Và vì thế việc Chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh nghĩ tới chuyện "khai thác" những giá trị quá khứ từ cái tên Cảng Sài Gòn cũng là dễ hiểu.

Tuy nhiên, có thể cách làm của Công Vinh chưa khéo và quá đột ngột. Thế nên sau khi bị những cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn phản ứng Công Vinh đã trả lời báo chí rằng: "Chúng tôi muốn đây không chỉ là phòng truyền thống của CLB TP.HCM nói riêng, mà là phòng truyền thống của cả bóng đá thành phố nói chung".

Công Vinh còn cho biết: "Tất cả những điều tôi làm đều với mục đích duy nhất là để bóng đá TP.HCM phát triển, để người dân TP.HCM có thể tự hào về truyền thống bóng đá hào hùng có lịch sử lâu đời và xa hơn nữa là sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam. Chứ trong thâm tâm mình chưa bao giờ tôi nghĩ làm bóng đá vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của riêng CLB mình". Lẽ ra Công Vinh nên nói những điều này sớm hơn, thậm chí nói ngay từ đầu để không tạo ra những sự hiểu lầm không đáng có.

Dẫu sao thì đến lúc này mọi chuyện cũng đã được giải thích rõ ràng. Mong là những việc làm của Công Vinh quả thực sẽ giúp cho người hâm mộ bóng đá địa phương này có thể tự hào với những giá trị mình đã có và hy vọng là sẽ có.

Hoàng Anh
.
.
.