Cuộc khủng hoảng của... thiên tài!

Thứ Hai, 02/11/2015, 09:48
"Giờ đây ông nghĩ gì?" - một nhà báo hỏi Mourinho như thế sau trận Chelsea thua thảm Liverpool 1-3 tại vòng 11 giải Ngoại hạng Anh cuối tuần qua - trận thua thứ 3 liên tiếp của "Người đặc biệt". Và đây là câu trả lời: "Chẳng nghĩ gì cả. Về nhà, xem rugby, nghỉ ngơi và chuẩn bị thật tốt cho buổi tập sắp tới...".


Cách đây ít lâu, trong một bài viết cho tờ Daily Mail, nhà báo Martin Samuel đặt ra vấn đề: Mourinho cần nghỉ ngơi. Ông bảo, nếu đang là nhân viên của một công ty nào đó, chắc chắn Mourinho sẽ được ông chủ tạo điều kiện cho nghỉ ngơi một khoảng thời gian. Và sau khoảng thời gian tạm xa công việc, lấy lại sự thoải mái, chắc chắn ông sẽ trở lại làm nghề một cách hiệu quả. Nhưng nghiệt một nỗi, HLV trưởng một đội bóng không giống với nhân viên, thậm chí là CEO cho một công ty, một tập đoàn. HLV trưởng của một đội bóng là người phải làm việc, phải chịu áp lực liên tục, và chỉ có thể nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, thư giãn khi chấm dứt hợp đồng. Câu hỏi đặt ra: Mourinho liệu có nghĩ tới khả năng này?

Sự bất lực của Mourinho.

Ba trận thua liên tiếp chỉ trong vòng một tuần thực sự đã đẩy một trong những nhân vật xuất sắc nhất của thế giới bóng đá chạm vào đáy cùng của một cuộc khủng hoảng. Mùa thứ ba cầm quân ở Real Madrid, Mourinho cũng từng phải đối diện với một cuộc khủng hoảng, khi chiến thuật của ông bị một bộ phận cầu thủ bí mật nào đó tiết lộ cho báo giới trước khi trận đấu diễn ra, và khi người ta cho rằng nhóm công thần Real, cầm đầu là thủ thành Casillas, đã thực hiện một kế hoạch chống đối "Người đặc biệt". Mùa thứ ba ở Chelsea, giai đoạn 2004 - 2007, Mourinho cũng gặp phải chút ít vấn đề quanh nghi án "bị cầu thủ chống phá", và sau đó đã ra đi. Nhưng cả hai cuộc khủng hoảng đó đều không đáng sợ, và không làm ông bị hoen ố thanh danh như bây giờ.

Nhìn vào mặt con người và lối chơi, thời gian qua ông đã xoay hết cách, hết kiểu. Nhìn vào những vấn đề ngoài chuyên môn bóng đá, những vấn đề thuộc về "tâm lý chiến" vốn vẫn được nhìn nhận như một điểm mạnh của mình, Mourinho cũng đã làm tất cả: phản ứng với trọng tài, phản ứng với đội ngũ bác sĩ của đội nhà, rồi lúc khen, lúc chê, lúc dọa nạt các cầu thủ. Nhưng Chelsea vẫn thế: thường xuyên thua trận, và họ thua nhiều tới mức có cảm giác bây giờ nó đã trở thành một thói quen, một nét tính cách không thể nào thay đổi.

Trận thua mới nhất trước Liverpool, thực ra Chelsea đã nhập cuộc tốt và có bàn dẫn trước từ rất sớm. Nhưng khi hiệp 1 trôi về những phút cuối cùng, khi mà Mourinho đã chuẩn bị sẵn tâm lý rút nhanh vào phòng thay đồ với tư thế đắc thắng thì nghiệt thay, tai họa ập đến: Liverpool gỡ hòa. Khoảnh khắc ấy, ông quay mặt đi rất nhanh, và có lẽ chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi bằng một cái chớp mắt thôi, ông đã đi từ cái trạng thái đắc thắng đến trạng thái... vỡ tan tất cả.

Nhưng ông không dễ đầu hàng. Là một nhà hùng biện, chắc chắn ông vẫn sẽ nói rất nhiều điều cần nói với các cầu thủ trong giờ nghỉ giữa hiệp. Và sau đó, đến khi Liverpool ghi bàn thứ 2 thì ông vẫn ra sát đường piste vỗ tay, thục giúc các học trò không nản chí. Có lẽ lúc ấy, ông vừa thúc giục học trò mà vừa trấn an chính bản thân mình. Nhưng đến bàn thua thứ ba thì ông đã chính thức... "đứng hình". Lúc ấy, có một cái gì đó thật tội nghiệp, thật cay đắng - những biểu hiện chưa từng có ở một con người vẫn được nhìn nhận như điển hình của sự kiêu ngạo này.

Trước trận gặp Liverpool, ông chủ Chelsea - Abramovic lên tiếng bênh vực, che chắn cho Mourinho, và khẳng định lại cái điều ông đã khẳng định vài tuần trước: kiên quyết không sa thải! Nhưng bây giờ với Abramovic thì chuyện sa thải hay không cũng là một cuộc chiến cân não, và người ta tin rằng khả năng nhà tỷ phú này phủ nhận lại chính những điều mình vừa nói là một khả năng rất dễ xảy ra. Nó dễ tới độ, nhà cái đã không nhận tiền cho bất cứ ai vào kèo "Mourinho" bị sa thải nữa.

Câu chuyện của Mourinho, của bóng đá khiến chúng ta nghĩ ngợi gì? Có lẽ lúc này nhiều người sẽ nghĩ: đến một người đặc biệt - một thiên tài mà còn có những giây phút bi thảm như thế này thì với người thường chúng ta, những gập ghềnh, những khủng hoảng trong đời âu cũng là tất yếu. Và chúng ta cùng hồi hộp chờ xem cái cách thiên tài ứng xử với khủng hoảng liệu có khác nhiều so với cái cách người thường ứng xử với khủng hoảng hay không? 

Sự đồng cảm của Jurgen Klopp

Không giấu được niềm hạnh phúc sau chiến thắng oanh liệt đầu tiên trên cương vị HLV trưởng Liverpool, nhưng Jurgen Klopp vẫn ôn tồn cho biết, ông rất đồng cảm với hoàn cảnh của người đồng nghiệp Jose Mourinho.

Ông nói nguyên văn: "Tất cả chúng ta đều biết ông ấy là một HLV giỏi, nhưng trong bóng đá không thể nói trước điều gì. Những gì đang xảy ra với ông ấy, tôi cũng đã trải qua khi còn huấn luyện Dortmund, và đúng là không dễ để vượt qua giai đoạn này".

Khi một nhà báo hỏi sau trận thắng quan trọng này, Liverpool chỉ còn cách 4 điểm so với đội đứng thứ 4 trên bảng tổng sắp là M.U, vậy có nghĩ tới khả năng cạnh tranh thứ hạng mùa này hay không, nhà cầm quân người Đức cho biết: "Thật lòng, tôi chưa nghĩ đến những điều to tát ấy".

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.