Bắn súng Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31:

Cơ hội tốt nhất để làm mới

Thứ Năm, 07/05/2020, 08:06
Những ngày đầu tháng 5 này, thông tin xạ thủ hàng đầu Việt Nam Hoàng Xuân Vinh sẽ không tham dự SEA Games lần thứ 31 vào năm 2021 tại Việt Nam trong khi một xạ thủ nổi tiếng khác là Trần Quốc Cường cũng để ngỏ khả năng tham dự đã gây bất ngờ với nhiều người. Nhưng suy cho cùng, phía sau quyết định ấy có những cơ sở nhất định, có thể giúp bắn súng Việt Nam tạo nên một bộ mặt mới.



Dấu ấn của những gương mặt kỳ cựu

Vài năm gần đây, bắn súng Việt Nam đã đạt được những dấu mốc quan trọng trong đó có cả những tấm huy chương tại các giải đấu cấp thế giới, đặc biệt là tấm huy chương Vàng (10m súng ngắn hơi), huy chương Bạc (50m súng ngắn bắn chậm) tại Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Nhưng những thành tích nổi bật của bắn súng Việt Nam đều chỉ gắn với số ít xạ thủ, trong đó đặc biệt là Hoàng Xuân Vinh. 

Ngoài Hoàng Xuân Vinh cũng có thể kể đến xạ thủ kỳ cựu khác là Trần Quốc Cường và phần nào là Hà Minh Thành. Tuy vậy, chỉ có Hoàng Xuân Vinh ghi được những dấu ấn thực sự rõ nét. Với một nền thể thao từng tự hào vì có một đội tuyển bắn súng đồng đều thì đó lại là điều khó tin. Nhưng cũng chẳng lạ nếu căn cứ vào thực tế của bắn súng Việt Nam.

Bắn súng Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn trong cảnh khó khăn về kinh phí, đạn dược. Đội tuyển quốc gia, các câu lạc bộ thường trong cảnh thiếu đạn tập luyện trong khi trường bắn xuống cấp. Trong khi đó, kinh phí thi đấu, tập huấn quốc tế của Tổng cục TDTT cũng chỉ có thể dồn cho một số tay súng trọng điểm, trong đó có Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường. Cách đầu tư theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” này đã thực sự phát huy tác dụng với những thành tích ấn tượng của Hoàng Xuân Vinh.

Tuy vậy, do kinh phí khó khăn nên Tổng cục TDTT, Liên đoàn bắn súng Việt Nam không thể đầu tư mạnh mẽ cho các VĐV khác của đội tuyển quốc gia. Họ phải chấp nhận tập huấn trong nước, ít có cơ hội thi đấu quốc tế. 

Cũng vì vậy, đã có sự phân hóa rõ nét về thành tích giữa những xạ thủ thường xuyên được đầu tư trọng điểm, được tập huấn quốc tế dài ngày và thi đấu quốc tế liên tục với những xạ thủ khác. Đấy cũng là quy luật bình thường trong thể thao khi VĐV thường xuyên được cọ xát, tập luyện với điều kiện tốt hơn sẽ giành thành tích tốt hơn những VĐV khác.

Đã vậy, nguồn tuyển chọn cho đội tuyển quốc gia ngày càng khan hiếm. Như thừa nhận của bà Nguyễn Thị Nhung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam thì trước đây, có thể tuyển chọn từ 10 đến 15 VĐV tại các địa phương hàng đầu về môn bắn súng cho đội tuyển quốc gia thì nay, có khi chỉ chọn được 1-2 VĐV. Đấy là thực tế mà các nhà quản lý không thể bỏ qua.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ không tham dự SEA Games 31.

Thời điểm làm mới phù hợp

Nhu cầu làm mới mình của bắn súng Việt Nam chỉ thực sự đến khi thành tích của các VĐV hàng đầu chựng lại trong những năm gần đây với dấu ấn tuổi tác. Cả Hoàng Xuân Vinh cũng như Trần Quốc Cường, đều ngoài 40 tuổi, không còn bảo đảm được cho bắn súng Việt Nam một tấm huy chương ở các Cúp thế giới hay HCV ở các giải quốc tế khác, trong đó có cả SEA Games. 

Ngay ở SEA Games 30 năm 2019, cả Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường đều không thể lên ngôi vô địch, khiến bắn súng Việt Nam lần đầu tiên “trắng” HCV tại một kỳ SEA Games kể từ lần đầu trở lại đấu trường này vào năm 1989. Đến gần đây, cả hai xạ thủ hàng đầu Việt Nam vẫn đang chật vật đi tìm tấm vé dự Olympic Tokyo sắp tới. Trong khi đó, 4 năm trước, Hoàng Xuân Vinh đã là nhà vô địch Olympic.

Giới chuyên môn đã nhận định, trong thời gian tới, Hoàng Xuân Vinh hay Trần Quốc Cường có giành vé dự Olympic Tokyo 2021 thì cũng không có gì bảo đảm rằng họ sẽ giành HCV ở SEA Games 31 trên sân nhà. Điều đó đã được chứng minh khi Hoàng Xuân Vinh dù lên ngôi vô địch ở Olympic 2016 nhưng ở 2 kỳ SEA Games sau đó đều không một lần vô địch cá nhân. 

Như chia sẻ của chính xạ thủ này thì bắn súng là môn thể thao khắc nghiệt, không gì có thể bảo đảm sẽ lại lên ngôi vô địch ở những giải đấu tiếp theo, kể cả khi vừa lên đỉnh vinh quang ở giải đấu cấp độ tương tự hoặc cao hơn.

Vì thế, SEA Games 31 sẽ là cơ hội tốt để đội tuyển bắn súng Việt Nam làm mới. Việc không giành HCV ở SEA Games 30 sẽ khiến bắn súng Việt Nam “dễ thở” hơn với chỉ tiêu giành HCV tại SEA Games 31. Như thế, lứa xạ thủ trẻ được đôn lên thay thế Xuân Vinh và có thể là Quốc Cường sẽ thoải mái tâm lý để thi thố hơn. 

Ngoài ra, khi SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, các nội dung sở trường của bắn súng Việt Nam sẽ được đưa trở lại chứ không bị cắt xén vô tội vạ như những kỳ SEA Games trước, gần như bảo đảm cơ hội giành HCV. Lúc đó, bắn súng Việt Nam càng có lý do để tung lực lượng kế thừa Xuân Vinh, Quốc Cường ở phân đội súng ngắn vào trận. 

Họ không giành HCV thì chắc chắn cũng có phân đội khác đảm đương được nhiệm vụ giành HCV. Còn nếu cả đội tuyển không giành được HCV nào tại kỳ SEA Games này trên sân nhà thì sẽ là bi kịch thực sự cho bắn súng Việt Nam. Tuy vậy, khó xảy ra khả năng này.

Như bà Nguyễn Thị Nhung từng nhận định, nếu muốn giành thành tích trước mắt thì vẫn cần trông vào lứa VĐV kỳ cựu. Còn nếu tính đường dài cho những mục tiêu của 6-8 năm tới thì phải đầu tư cho lớp VĐV trẻ hiện nay. Cho nên, nhiệm vụ giành vé dự Olympic Tokyo tới vẫn được trao cho lớp VĐV kỳ cựu như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường. Trong khi đó, SEA Games 31 sẽ là nơi đánh dấu sự thay đổi về lực lượng của đội tuyển bắn súng Việt Nam, nhất là ở phân đội súng ngắn.

Cơ hội giành HCV ở SEA Games 31 chỉ là 50-50

Theo bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam, cơ hội giành HCV của bắn súng Việt Nam tại SEA Games 31 chỉ là 50-50. Nhưng đó là điều cần lường trước khi các xạ thủ trẻ chưa đạt đến độ chắc chắn như những thế hệ đàn anh và cần nhiều thời gian để trui rèn.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.