"Cấp cứu" động lực thi đấu bằng cách nào?

Thứ Tư, 27/09/2017, 08:03
Sau trận thua đau 0-1 trên sân CLB thành phố Hồ Chí Minh mới đây, HLV trưởng Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Quốc Tuấn đã lên án trọng tài dữ dội. Nhưng nhìn vào không chỉ một trận đấu, mà cả một chặng đường đã qua có thể thấy vấn đề lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai không nằm ở những yếu tố bên ngoài như trọng tài, sân bãi, mà nằm ở động lực thi đấu của chính mình.

Ba năm trước, khi lứa cầu thủ U.19 của những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh... được đôn lên V.League thì động lực thi đấu của họ có lớn không?

Chắc chắn là rất lớn, bởi khi ấy cả nước bị "hút" hết vào lứa cầu thủ này, và cái trách nhiệm "đá để dân yêu", "đá để khẳng định mình" khiến các cầu thủ luôn vào sân bằng một khát khao lớn nhất.

Thời điểm ấy, nhờ một lứa cầu thủ mới mẻ, tài năng mà sân Pleiku thậm chí có thể bán vé trọn mùa, còn HA.GL cứ đến sân nào là  sân ấy vỡ. Ngay cả khi đội bóng này liên tiếp bại trận thì sức hút mà họ tạo ra cũng không hề mất đi.

Vậy bây giờ, động lực của cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai là gì? Ai cũng hiểu phần lớn những cầu thủ này khoác áo Đội tuyển U.22 Việt Nam tham dự SEA Games 29, và kỳ SEA Games ấy mới tạo cho họ một động lực thi đấu ngùn ngụt nhất.

Thầy trò HA.GL cần sớm giải bài toán động lực thi đấu.

Đấy là kỳ SEA Games mà ông chủ Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức nói đi nói lại về mục tiêu: "Phải đoạt huy chương vàng". Đấy là kỳ SEA Games mà những Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh... cũng tin vào một chiếc HCV mãnh liệt.

Thế nhưng, cuối cùng U.22 Việt Nam lại cay đắng rời SEA Games ngay sau vòng bảng. Nói như Vũ Văn Thanh thì: "Tụi em không tin đấy là sự thực". Còn nói như Lương Xuân Trường thì: "Chúng em không đáng phải chịu kết quả như thế này".

“Không tin", "không đáng", nhưng rốt cuộc đấy vẫn là sự thật, và sự thật phũ phàng ấy khiến tâm lý thi đấu của các cầu thủ bị khủng hoảng nghiêm trọng. Ngay cả bây giờ, khi đã trở lại với sân chơi V.League thì có lẽ cái dư chấn tâm lý của SEA Games 29 cũng không ngừng ám ảnh cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai.

Một vấn đề quan trọng tạo nên động lực của một tập thể, một đội bóng, đó là mục tiêu, vậy thì rốt cuộc mục tiêu của Hoàng Anh Gia Lai trong 3 mùa V.League gần đây là gì? Như đã nói, bầu Đức đặt ra mục tiêu "đá đẹp" - đẹp cả về mặt lối chơi lẫn phong cách ứng xử.

Nhưng sự khắc nghiệt của cuộc đấu một sống hai chết và những chiêu trò khó chịu của hàng loạt những đối thủ thuộc diện đàn anh khiến họ dần dần nhận ra muốn "đá đẹp" cũng khó.

Mặc dù lãnh đạo CLB từng bảo: "Cứ đá đẹp, xuống hạng cũng không sao", nhưng rồi người ta nhận ra trong những thời khắc quyết định để lựa chọn giữa "đá đẹp" hay "xuống hạng", đội bóng này đã buộc phải trảm HLV theo đuổi đến cùng phong cách đẹp là Guillaume Graechen để thay bằng một Nguyễn Quốc Tuấn thực dụng hơn rất nhiều.

Về mặt phong cách ứng xử, Hoàng Anh Gia Lai vẫn là một trong những đội đẹp và sạch nhất V.League hiện nay, nhưng cùng với thời gian, những màn cãi vã, phản ứng trọng tài cũng tăng dần lên. Cứ nhìn cái cảnh Văn Toàn thường xuyên phàn nàn sau một quyết định (mà có nhiều trường hợp là quyết định đúng) của trọng tài ở cả cấp độ CLB đến cấp độ Đội tuyển U.22 và Đội tuyển Quốc gia là đủ hiểu.

Đến thời điểm này, cái mục tiêu phải trở thành một "điển hình đẹp" có lẽ không còn tạo cho các cầu thủ quá nhiều động lực như trước nữa. Còn nói về mục tiêu thành tích, 3 năm qua,  chưa bao giờ Hoàng Anh Gia Lai đủ lực để có thể nghĩ đến chuyện cạnh tranh thành tích cả.

Họ cứ thế yên phận từ nhóm giữa đến nhóm cuối bảng tổng sắp, và sự yên phận có thể cũng là một yếu tố nguy hiểm triệt tiêu động lực. Trong những trường hợp như thế này, vai trò, khả năng "làm tâm lý" của HLV là cực kỳ quan trọng, tiếc thay, bầu Đức lại hơn một lần nói đi nói lại rằng: "Hoàng Anh Gia Lai chỉ cần cầu thủ giỏi, không cần HLV giỏi".

Phải tìm cách thay đổi, phải cấp cứu động lực thi đấu cho những cầu thủ của mình, đó là bài toán khó cho lãnh đạo  Hoàng Anh Gia Lai lúc này!

Cách đây không lâu, Chủ tịch CLB Thân Hoa Thượng Hải (Trung Quốc) đã bất ngờ bày tỏ quan điểm về một trong những cầu thủ ngoại từng được kỳ vọng lớn nhất ở CLB này, Carlos Tevez: "Anh ấy không đáp ứng được những mong muốn ban đầu của chúng tôi".

Đáp lại, cầu thủ cá tính này nhận xét sốc hơn: "Cầu thủ Trung Quốc không có tố chất như cầu thủ Nam Mỹ hay châu Âu. Đến 50 năm nữa họ cũng khó cạnh tranh sòng phẳng được". Từ chuyện lời qua tiếng lại này mà báo chí Trung Quốc không ngừng dự đoán về tương lai sóng gió của Tevez ở Trung Quốc. Thậm chí có tờ báo đưa tin anh đã bị CLB chuyển xuống đá cho đội dự bị, nhưng đã từ chối.

Trước những thông tin như vậy, hôm qua người phát ngôn của CLB Thân Hoa Thượng Hải, Mã Dược cho biết: "Không có chuyện Tevez từ chối đá cho đội hình dự bị". Nhưng đồng thời Mã Dược cũng cho biết: "Tevez cần hiểu rằng chúng tôi sẽ không chọn lựa anh ấy vào đội hình chính chỉ vì lý do tên tuổi. Chúng tôi có 5 cầu thủ ngoại tên tuổi và chất lượng, và chỉ được chọn 3 người tốt nhất".

Tevez đến Thân Hoa Thượng hải từ tháng 12 năm 2016, nhưng đến tận lúc này mới chỉ ghi được tổng cộng 3 bàn, và nhiều lần bị chính các CĐV đội nhà la ó vì thái độ thi đấu bị cho là "hời hợt, thiếu cảm xúc" của mình. Cuộc sống của Tevez ở Thân Hoa Thượng Hải có lẽ là lời cảnh báo lớn cho những cầu thủ Nam Mĩ chạy theo tiếng gọi đồng tiền, từ chối đá bóng ở châu Âu để sang đá giải nhà nghề Trung Quốc. (Tuấn Thành)

Diệp Xưa
.
.
.