Từ hiện tượng cứ xuống hạng là... giải thể:

Cấp cứu bóng đá Việt Nam từ chân đế

Thứ Tư, 18/11/2015, 11:14
Tại sao cứ xuống hạng là các đội bóng lại đứng trước nguy cơ giải thể hay chưa?" - đấy là những điều mà một lãnh đạo CLB Đồng Nai phát biểu trong hội nghị tổng kết mùa giải 2015.

"Cách đây không lâu, sau khi xuống hạng, Kiên Giang đã khai tử đội bóng, và An Giang cũng thế. Chúng tôi thì đã xuống hạng, nhưng chưa biết sẽ như thế nào. Đã bao giờ các anh tìm hiểu xem tại sao lại có hiện tượng này hay chưa? Tại sao cứ xuống hạng là các đội bóng lại đứng trước nguy cơ giải thể hay chưa?" - đấy là những điều mà một lãnh đạo CLB Đồng Nai phát biểu trong hội nghị tổng kết mùa giải 2015, và bây giờ, những phát biểu này đã trở thành một nỗi ám ảnh thực sự với không chỉ Đồng Nai, mà với cả VFF, VPF và nền bóng đá chuyên nghiệp nói chung.

Trong khi hàng loạt các đội bóng hạng Nhất đã bắt đầu rục rịch hội quân chuẩn bị cho mùa giải 2016, thì riêng Đồng Nai vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Hỏi HLV trưởng Đồng Nai ở mùa giải vừa qua là ông Trần Bình Sự, thì được ông Sự chia sẻ: "Ngay sau khi mùa giải kết thúc, tôi đã về quê Hải Phòng, nên không nắm bắt được những diễn biến trực tiếp, hiện tại ở đây. Nhưng thông qua một số các cầu thủ thì tôi cảm nhận là tương lai đội bóng đang không rõ ràng". Phải nhắc lại rằng sau mùa giải vừa rồi, ông Sự đã tuyên bố sẵn sàng ở lại Đồng Nai để cùng đội bóng chinh chiến ở giải hạng Nhất, nếu được yêu cầu, nhưng tính đến thời điểm này, ông cũng chẳng nhận được yêu cầu nào hết. Trong khi đó già nửa đội hình chính của Đồng Nai như Hải Anh, Thanh Diệp, Văn Pho, Hồng Việt, Đức Thắng... đã lần lượt ký hợp đồng với các CLB có suất chơi V.League 2016. Những cầu thủ trẻ chưa có đủ trình độ và quan hệ để đi tìm CLB mới thì đang sống trong cảnh hoang mang ngồi chờ.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch Đồng Nai cho biết là Sở vẫn mong muốn duy trì đội bóng, nhưng mong muốn có thành hiện thực hay không thì phải chờ lãnh đạo UBND tỉnh họp bàn rồi trả lời... trong thời gian sớm nhất (?). Theo vị này thì ngay cả khi lãnh đạo tỉnh đồng ý tiếp tục duy trì đội bóng thì đội bóng sẽ được tổ chức lại như thế nào, sẽ tiến đến mô hình, mục tiêu nào cũng là những câu hỏi không dễ trả lời.

Các cầu thủ Đồng Nai đã đánh mất niềm tin của người hâm mộ sau mùa giải 2015. Ảnh H.M

Ai cũng biết cuối mùa giải 2015, một nhóm cầu thủ Đồng Nai đã dính vào chuyện làm độ, bán đứng danh dự của CLB trong các trận đấu với Thanh Hoá, Quảng Ninh, và như thừa nhận của HLV Trần Bình Sự thì chính vụ việc đáng xấu hổ này đã tạo nên một không khí chán nản bao trùm cho bóng đá Đồng Nai. Sang đến mùa giải 2016 thì Đồng Nai liên tiếp đứng cuối bảng, và đã phải nhận vé xuống hạng vào thời điểm mà mùa giải còn chưa chính thức hạ màn. Rõ ràng, nếu đội bóng cứ tồn tại theo dạng này thì chẳng thà xoá đi làm lại từ đầu còn hơn.

Đấy cũng chính là suy nghĩ của những nhà lãnh đạo thể thao An Giang sau khi đội bóng này xuống hạng vài năm trước. Hồi ấy, vì những khúc mắc với nhà tài trợ Hùng Vương mà kinh phí hoạt động của An Giang luôn ở vào tình trạng cực kỳ khó khăn, và vì cái chuyện "kinh phí khó khăn" mà đội bóng đã chết trước khi trận Play Off tranh vé dự V.League diễn ra. Thế là bóng đá An Giang đã xoá sổ đội 1 để làm lại một cách căn cơ, bài bản từ những lứa cầu thủ trẻ, và tính đến lúc này bóng đá trẻ An Giang đã cho thấy một diện mạo coi được. Còn với Kiên Giang trước đó, việc xoá sổ đội 1 khiến cho phong trào bóng đá của Kiên Giang nhạt nhoà nghiêm trọng.

Vậy thì Đồng Nai sẽ đi theo "vết xe" của Kiên Giang hay An Giang, hay sẽ tự mình tạo ra một "vết xe" mới? Và tại sao chỉ vừa xuống hạng là hàng loạt đội bóng lại đứng trước nguy cơ giải thể như thế này?

Chắc chắn VPF, VFF phải nghiên cứu kỹ câu hỏi này để cấp cứu bóng đá Việt Nam từ chân đế!

Lên - xuống tuỳ tiện

Như Báo Công an nhân dân đã đưa tin, sau khi Cà Mau có công văn xin rút khỏi giải hạng Nhất 2016, thì VFF đã mời Bình Định thế chân. Và theo những nhà lãnh đạo bóng đá Bình Định, ngay sau khi nhận được lời mời này, đội bóng đã cấp tốc hội quân, tăng cường lực lượng để có thể dự giải một cách tốt nhất. 

Nhưng vấn đề là mới đây Cà Mau lại xin được tài trợ, và thế lại xin tham dự giải hạng Nhất, đẩy VPF, VFF vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Không chấp nhận đề nghị của Cà Mau sẽ bị mang tiếng là không chia sẻ với khó khăn của các CLB, còn chấp nhận chắc chắn sẽ bị Bình Định phản ứng mạnh mẽ. 

Với cái kiểu lúc lên lúc xuống, lúc đá lúc nghỉ rất tuỳ tiện của các CLB, rõ ràng VFF và VPF luôn phải sống trong cảm giác đối diện với một quả bom, và quả bom ấy có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Than ôi, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam!

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.