Câu chuyện thể thao:

Cần một điểm tựa

Chủ Nhật, 25/09/2016, 09:17
Ít ai có thể nghĩ rằng, những vận động viên của thể thao Việt Nam vừa tưng bừng thi đấu tại Olympic 2016 ở Rio de Janeiro-Brazil mới đây thì phía sau sân đấu, họ khá vất vả. Trường hợp chúng tôi muốn chia sẻ chính là nữ tuyển thủ đấu kiếm Nguyễn Thị Lệ Dung.


Hai đầu gối chờ được phẫu thuật

Giải đấu kiếm toàn quốc 2016 đang thi đấu tại Hà Nội. Lẽ thường, người hâm mộ đều tin rằng nội dung kiếm chém nữ sẽ có tên Nguyễn Thị Lệ Dung ở bảng xướng danh ngôi vô địch. Năm nay, tên của cô đã không xuất hiện.

Trò chuyện với nữ kiếm thủ số 1 của kiếm chém đội tuyển Việt Nam và của đơn vị Hà Nội bên lề giải đấu ở Trịnh Hoài Đức (Hà Nội), thật ngỡ ngàng khi biết: “Tôi đã nghỉ thi đấu và tính đến giải nghệ. Chấn thương sụn chêm của 2 đầu gối khiến tôi quá đau không thể vận động mạnh được”, lời của Lệ Dung.

Nguyễn Thị Lệ Dung dù chấn thương vẫn không muốn xa đấu kiếm.

Cách đây một tháng, Lệ Dung còn thi đấu tại Olympic 2016. Sau đó, cô tiếp tục góp mặt tranh tài giải vô địch Đông Nam Á 2016 tại Singapore (Dung giành 1 Huy chương Bạc cá nhân và 1 Huy chương Vàng đồng đội nữ). Vậy mà, một tháng sau, Dung đang là một bệnh nhân cần chữa trị.

Dung kể mình phải cố gắng hơn bình thường do hai đầu gối đau. Lệ Dung có mong muốn lớn nhất là sớm được phê duyệt và hỗ trợ chi phí để được phẫu thuật tại Singapore. Với chấn thương sụn chêm đầu gối, Viện Thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể tiến hành phẫu thuật.

Tuy vậy, Dung đã được bác sĩ tại đây cho biết, với khả năng hiện tại, thành công ca mổ chỉ là 50-50. Vì thế, cô muốn được đảm bảo tốt nhất chữa trị chấn thương nên phẫu thuật tại Singapore trở thành phương án khả dĩ nhất. Mức phí (chưa tính tiền đi lại, ăn ở) mà bệnh viện tại Singapore báo giá cho Lệ Dung, nếu phẫu thuật chấn thương trên với 2 đầu gối, là 30 nghìn đô-la Singapore (khoảng hơn 500 triệu đồng).

“Tôi chưa biết lấy đâu để có một khoản chi phí lớn như vậy. Tôi đã hỏi các bác tại Tổng cục TDTT để xem trường hợp của mình có được đưa đi phẫu thuật tại Singapore hay không. Mong mỏi của tôi là được chữa trị sớm nhất có thể”, Dung giãi bày thêm.

Trong quy định tập luyện và chế độ dành cho vận động viên khi tập trung đội tuyển quốc gia, từng tuyển thủ đều được chế độ bảo hiểm. Dù thế, quyết định cho vận động viên ra nước ngoài mổ chữa chấn thương hay không phụ thuộc vào kinh phí, mà quyết định cuối cùng sẽ do Tổng cục TDTT thực hiện chứ không thể ở bộ môn đấu kiếm.

Trưởng bộ môn đấu kiếm (Tổng cục TDTT) – ông Phùng Lê Quang từng chia sẻ rằng, tiền phân bổ cho môn này thực hiện các kế hoạch tập huấn, thi đấu năm 2016 đã được chi vào những giải và chương trình mà đội tuyển góp mặt.

Hiện tại, kinh phí gần như hết. Chúng ta không quên trường hợp Vũ Thị Nguyệt Ánh (karatedo), năm 2011, đã mong mỏi được đi phẫu thuật dứt điểm chấn thương sụn chêm đầu gối và ngành thể thao khi đó hơi chậm trễ. Chỉ khi có Mạnh Thường Quân tài trợ 200 triệu đồng, cựu tuyển thủ này mới đủ chi phí đi Singapore chữa trị thành công. 

Ổn định tâm lý mới lâu dài được

Tính hết năm nay, Lệ Dung có 16 năm gắn bó với môn đấu kiếm. Không thi đấu giải toàn quốc 2016 mà chỉ ngồi theo dõi đồng đội, Dung bảo vẫn thèm cảm giác đứng ra tranh tài lắm. Kể như, giải vô địch Đông Nam Á 2016 (đầu tháng 9 vừa qua) là giải cuối cùng mà Dung thi đấu chính thức. Thực tế, Lệ Dung còn nhiệt huyết và đủ năng lực thi đấu nhiều năm với đấu kiếm đỉnh cao.

Câu chuyện được đi chữa chấn thương và chế độ dành cho tuyển thủ bị chấn thương của ngành thể thao không ít lần báo giới đã nhắc đến. Nhiều trường hợp của đấu kiếm đã giải nghệ rất sớm một phần nản chí vì thấy tương lai khó triển vọng.

“Tôi có 16 năm thi đấu và không hối tiếc. Hiện tại, tôi nghỉ thi đấu nhưng vẫn muốn gắn sự nghiệp cùng đấu kiếm và tham gia huấn luyện vận động viên trẻ cho đơn vị Hà Nội”, Lệ Dung cởi mở cho biết. Đam mê như vậy nhưng Dung từng có phút chạnh lòng. Đấy là chuyện cô mong mỏi được xét vào biên chế công chức Sở VH-TT Hà Nội.

Sau SEA Games 28-2015, Dung đã được nhắc có khả năng nhận suất biên chế trên. Đến giờ, trường hợp của cô vẫn chưa được thay đổi.

“Tôi vẫn chỉ là nhân viên theo hợp đồng với Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội. Hệ số lương cơ bản của tôi giờ là 2,64. Tôi nghĩ sự cống hiến của mình qua thành tích huy chương, đóng góp vào kết quả chung thì mong muốn được vào biên chế để ổn định rồi tiếp tục công việc làm huấn luyện cũng là phù hợp”, Dung kể.

Diệu Phương
.
.
.