Bộ môn bắn súng Việt Nam: Chờ đợi một cú hích!

Thứ Tư, 17/07/2019, 08:45
Gần 3 năm trước, tháng 8-2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giành tấm Huy chương Vàng (HCV) tại Olympic 2016 để đặt cột mốc mới cho thể thao cũng như bộ môn bắn súng Việt Nam. Từ đó đến nay, người ta vẫn chờ đợi một cú hích thật sự cho bộ môn này.

Vẫn chỉ là tấm HCV vượt khó

Đến lúc này, tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 vẫn được xem là kỳ tích của thể thao Việt Nam. Đơn giản, ngôi vô địch lịch sử ấy đến từ cả một quá trình vượt qua những khó khăn nội tại của bộ môn bắn súng Việt Nam. Khó khăn ấy đã được chỉ ra là trường bắn cũ kỹ, lạc hậu với chỉ toàn bia giấy thay vì bia điện tử như tại các giải đấu trên thế giới. Ngoài ra, còn là tình trạng xạ thủ thường xuyên thiếu đạn nổ để tập luyện. 

Có thể, Hoàng Xuân Vinh được đầu tư nhiều hơn về súng đạn và cơ hội thi đấu quốc tế so với nhiều đồng nghiệp do là vận động viên trọng điểm hàng đầu. Nhưng rõ ràng, trong một môi trường chung như vậy lại càng cần đến nỗ lực của chính xạ thủ này.

Không ngẫu nhiên khi trong suốt quá trình chuẩn bị cho Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh thường được đưa đi tập huấn ở nước ngoài để thoải mái bắn có đạn. Đương nhiên, kinh phí của bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) cũng phải dồn cho xạ thủ trọng điểm này và thành quả là 1 HCV, 1 HCB tại Olympic 2016.

Cũng vì vậy, càng có nhiều câu chuyện để kể về tấm HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh. Sau tấm HCV lịch sử ấy, đã có không ít kỳ vọng về sự chuyển biến thực sự của bộ môn bắn súng Việt Nam. 

Nào là những trường bắn hiện đại, toàn sử dụng bia điện tử, rồi các xạ thủ cũng không phải đau đáu vì thiếu đạn. Tuy nhiên, trong gần 3 năm qua, tình trạng tập chay vẫn diễn ra thường xuyên. Nhiều  đội tuyển tỉnh, thành phố vẫn trong tình trạng thiếu đạn tập cũng như thi đấu. 

Trao giải cho các nữ xạ thủ ở giải bắn súng trẻ toàn quốc Cúp Jin Jong Oh - 2019.

Ngay như ở giải bắn súng trẻ toàn quốc – 2019, có đoàn cũng chỉ dám đăng ký ở những nội dung ít sử dụng đạn thi đấu. Trường hợp khác lại chỉ đăng ký tham dự ít vận động viên để cân đối với số đạn nổ của mình. Ngay cả đoàn Hà Nội dù có tiếng là nhận được đầu tư về kinh phí hằng năm nhưng cũng trong cảnh thiếu đạn tập. 

Vấn đề ở đây còn là cơ chế để các địa phương mua đạn nổ để tập luyện, thi đấu bởi kinh phí quá lớn. Như chia sẻ của chuyên gia Park Chung Gun (Hàn Quốc) của đội tuyển bắn súng Việt Nam thì vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể của bắn súng Việt Nam từ sau Olympic 2016.

Sự tung hô, vinh danh đội tuyển bắn súng sau Olympic 2016 rồi cũng qua đi. Thay vào đó, bắn súng Việt Nam vẫn phải đối mặt thực tại là thiếu đạn, thiếu những trường bắn đạt chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, ở cấp độ đội tuyển, sự đầu tư không có quá nhiều điều đặc biệt so với 3 năm trước khiến bộ môn bắn súng Việt Nam chưa xuất hiện một xạ thủ đủ trình độ thay thế được Hoàng Xuân Vinh. Nhà vô địch Olympic 2016 vẫn tiếp tục nghiệp vận động viên nhưng cơ hội lặp lại kỳ tích đang ngày vơi đi do dấu ấn tuổi tác. 

Từ sau Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh vẫn chưa thể lên ngôi vô địch ở những Đại hội thể thao quốc tế quan trọng với thể thao Việt Nam như SEA Games, ASIAD. 

Trước Olympic 2016 gần 2 năm, anh đã giành vé tham dự để rồi toàn tâm toàn ý tập luyện và thi đấu. Còn đến lúc này, Hoàng Xuân Vinh vẫn mải miết đi tìm tấm vé tham dự Olympic 2020.

Thêm một giải đấu cũng chưa đủ

Cuối tháng trước, những người gắn bó với bộ môn bắn súng Việt Nam hồ hởi chứng kiến Giải bắn súng trẻ toàn quốc Cúp Jin Jong Oh Ginseng Khan - 2019, giải đấu gắn với tên tuổi huyền thoại bắn súng thế giới người Hàn Quốc từng đoạt 4 HCV sau 3 lần liên tiếp dự Olympic diễn ra ở Hà Nội. 

Đó được xem là hiệu ứng thấy rõ về tấm HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh. Bởi, sau khi Hoàng Xuân Vinh giành tấm HCV này, huyền thoại bắn súng người Hàn Quốc Jin Jong Oh mới tới Việt Nam nhiều hơn, nhất là từ nửa cuối năm 2018 đến nay. 

Sự giao lưu giữa Jin Jong Oh với các nhà quản lý, vận động viên hàng đầu của bắn súng Việt Nam bên cạnh sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã mang giải đấu đến cho các tay súng trẻ Việt Nam. Trong đó là mục đích truyền cảm hứng từ tượng đài bắn súng này cũng như kỳ vọng sẽ có nhiều tay súng tài năng bộc lộ khả năng kế thừa Hoàng Xuân Vinh.

Cũng nhờ đó, bắn súng trẻ Việt Nam có thêm một giải đấu để giúp các xạ thủ trẻ cọ xát. Trước đó, các xạ thủ chỉ có cơ hội thi đấu ở 2 giải trẻ toàn quốc. Còn hiện tại, họ đã có 3 giải đấu trẻ trong hệ thống thi đấu quốc gia. Tuy nhiên, từng ấy giải vẫn là ít so với nhu cầu thi đấu để nâng bản lĩnh thi đấu nhằm duy trì trạng thái thi đấu ổn định.

Đó cũng là bài học mà Jing Jong Oh gửi đến các xạ thủ Việt Nam. Nhưng để làm được như vậy, xạ thủ này đã dự vô số giải quốc tế trong một năm. Đi kèm là điều kiện tập luyện ở mức độ tốt nhất trong làng bắn súng thế giới.

Vì thế, thêm giải đấu là quý nhưng bộ môn bắn súng Việt Nam còn cần nhiều hơn nữa. Đó là sự đầu tư từ trung ương đến các địa phương để giúp các xạ thủ không thiếu đạn tập luyện, không phải tập chay rồi đơn vị chủ quản đành dồn kinh phí cho 1-2 xạ thủ hàng đầu ra nước ngoài tập huấn, thi đấu để họ đỡ “thui chột” tài năng, mất cảm hứng tập luyện. Và cũng để bắn súng Việt Nam không phải mang tiếng vượt khó để đạt kỳ tích.

Sẽ tổ chức thường niên giải đấu mang tên Jin Jong Oh

Theo Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, với sự đồng hành của các doanh nghiệp cùng sự ủng hộ của huyền thoại bắn súng thế giới Jin Jong Oh, giải bắn súng trẻ toàn quốc Cúp Jin Jong Oh sẽ được duy trì, tổ chức hằng năm. Liên đoàn Bắn súng cũng kỳ vọng giải đấu sẽ giúp duy trì đam mê bắn súng cho các xạ thủ trẻ Việt Nam. 

Minh Hà

Minh Khuê
.
.
.