Bệnh “cúm” của Mourinho

Chủ Nhật, 09/12/2018, 15:53

4-1 trước Fulham là chiến thắng đầu tiên ở Premier League kể từ trung tuần tháng 11 tới nay và dường như chiến thắng ấy đã giải tỏa phần nào áp lực đối với Jose Mourinho. Song, thực tế, “bệnh cúm” ở Man United vẫn còn chưa chấm dứt…


Trước Fulham, lần thứ hai liên tiếp Mourinho không cho Paul Pogba nằm trong 11 cầu thủ của đội hình chính thức. Và thậm chí, Pogba còn không được vào sân một phút nào. Nhưng không ai có bất kỳ lý do gì để chỉ trích Mourinho vì hành động ấy cả. Đơn giản, ông có một chiến thắng và nó lại là một chiến thắng với tỷ số đậm.

4-1, đó là tỷ số làm đẹp lòng tất cả những ai hâm mộ Man United. Đây cũng là lần đầu tiên Man United thắng cách biệt 3 bàn tại Premier League mùa giải này. Tỷ số ấy cũng là lần đầu tiên Man United ghi đến 4 bàn vào lưới đối thủ từ đầu mùa tới nay, tính cả ở đấu trường Premier League lẫn Champions League. Và nếu lục lại thành tích thi đấu của Man United kể từ khi Mourinho đến cầm quân, chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên hơn nữa. 

Lần gần nhất họ ghi được 4 bàn vào lưới đối thủ ở Premier League đã từ 28-11-2017 (trận thắng Watford) và lần gần nhất họ thắng cách biệt 3 bàn đã gần 1 năm nay, chính xác là từ 15-1-2018 (trước Stoke City). Đó là một kết quả kém cỏi so với một Man United mà người hâm mộ đã quen mặt suối 3 thập niên qua. 

Như vậy, khán giả của Man United đã chờ đợi quá lâu để được chứng kiến đội bóng của mình bùng nổ đến thế. Và chính vì sự chờ đợi quá lâu ấy, lần bùng nổ trước Fulham này lại càng có vẻ tạo nên ấn tượng rất mạnh. Trong ấn tượng rất mạnh ấy lại vắng tên Paul Pogba và bởi vậy, câu hỏi “Man United có thực sự cần Pogba không?” đã bắt đầu được nhắc lại lần nữa.

Nếu nhìn vào cách chơi bóng của Man United đêm thứ Bảy vừa rồi trước Fulham, có lẽ nhiều người sẽ cùng cảm giác rằng không có Pogba đội bóng chơi thanh thoát hơn, nhuần nhuyễn hơn, nhịp nhàng hơn. Song, có thể tromg nỗi quên cái tên Pogba, chúng ta cũng quên mất luôn rằng Fulham phải chơi với 10 người và lối chơi chịu trận với đội hình rất thấp của họ đã giúp tuyến giữa của Man United thực sự thảnh thơi. Thử hỏi, nếu không phải là Fulham mà là một đối thủ mạnh hơn, Man United có thể chơi được như thế hay không? Chưa chắc.

Mâu thuẫn giữa Mourinho và Pogba nổ ra hồi đầu mùa tưởng như đã được dẹp yên nhưng nó đã được chính Mourinho khơi trở lại sau trận hòa Southampton 2-2 hôm 1-12. Mourinho đăng đàn nói thẳng rằng Pogba như loại virus cúm, lây nhiễm tinh thần tiêu cực trong cả đội bóng. Cách phát ngôn đó của Mourinho thực ra không lạ, nếu lục lại lịch sử hành nghề của ông. 

2008, ở Chelsea, ông gọi Terry là virus. 2013, ở Real Madrid, ông gọi Casillas là virus. Và chỉ 2 năm trước thôi, hồi 2016, ở Chelsea, ông gọi Hazard là virus. Với Mourinho, ai làm ông ngứa mắt, cầu thủ ấy là virus. Tất nhiên, để là virus, họ phải là ngôi sao trụ cột, có đủ tầm ảnh hưởng đến cả đội bóng.

Việc Mourinho để Pogba dự bị thực tế đã được vài chuyên gia kêu gọi từ khá lâu. Họ cũng cùng suy nghĩ như Mourinho khi cho rằng Pogba chỉ làm hại Man United bởi tính cách ưa thể hiện, sự bóng bẩy phù phiếm của anh. Và mãi đến tận bây giờ, Mourinho mới làm việc đó. Nhưng liệu bệnh cúm ở Man United có chấm dứt hay không nếu Mourinho cứ đày Pogba trên băng ghế dự bị? Rất có thể là không.

Không khó để nhận thấy, với Man United, Pogba là cầu thủ có tính sáng tạo bậc nhất và có nhiều đường chuyền hiểm hóc nhất. Trước những đối thủ sừng sỏ, Man United thực sự cần một cá nhân đủ sức thay đổi cục diện cuộc chơi như Pogba. Và nên nhớ, Man United vẫn chưa lọt vào top 4 ở Premier League và họ vẫn còn một chặng đầy vất vả ở Champions League. Không Paul Pogba, rất có thể đó sẽ là một Man United thảm bại.

Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự đối đầu ở nội bộ Man United hiện thời là giữa hai cái tôi cực lớn của hai thương hiệu Mourinho và Pogba. Một bên là một trong những HLV thành công nhất của bóng đá đương đại và bên kia là cầu thủ đắt giá nhất, là nhà đương kim vô địch thế giới. Nếu Pogba không có thương hiệu và chỉ là một cầu thủ với danh tiếng bậc khá như những Rashford, Lingard hay Mata, chắc chắn việc Mourinho tiếp tục đày anh lên băng ghế dự bị sẽ chẳng trở thành tâm điểm của dư luận. 

Nhưng thực tế thì lại khác. Pogba không chỉ là thương hiệu nổi bật nhất Man United lúc này (anh luôn đứng ở trung tâm trong các poster quảng bá của đội bóng) mà còn là một khối tài sản của CLB. Với mức giá chuyển nhượng 89 triệu bảng Anh, rõ ràng Pogba vượt qua vị thế của một danh thủ đơn thuần. Anh đã là một hạng mục đầu tư (porfolio) của CLB và giới chủ sành sỏi của Man United chắc chắn sẽ không chấp nhận chuyện cầu thủ - hạng mục đầu tư ấy chỉ được mua về để nhằm mục đích trưng bày trên băng ghế dự bị.

Song giới chủ Man United cũng không thể dũng cảm lựa chọn Pogba và gạt bỏ Mourinho. Đơn giản, sa thải Mourinho trước thời hạn, họ sẽ phải bồi thường ít nhất là 12 triệu bảng Anh. Và điều đó có thể dẫn đến một kết cục thỏa hiệp mang lại lợi ích tài chính cho nhà Glazers. Khả năng họ cố gắng bán Pogba (vì anh đang được giá) để chọn phe Mourinho là rất cao. 

Thực hiện vụ chuyển nhượng đó, họ có ngân sách để mang về một ngôi sao khác và vẫn duy trì được 1 HLV có thương hiệu trên băng ghế huấn luyện. Nói trắng ra, làm vậy họ chỉ thu tiền về chứ không phải chi một khoản tiền bồi thường cho Mourinho nhằm mục tiêu “bảo dưỡng” Pogba.

Nhưng thực tế thị trường hiện nay lại đang cho thấy những cầu thủ sáng tạo tầm cỡ Pogba không nhiều. Nếu có thì một là đã có tuổi (như Modric) và gắn bó với một CLB lớn tầm cỡ không kém Man United hoặc hai là giá cả có thể đắt đỏ không kém Pogba (sau khi Mbappe và Neymar đã phá mức kỷ lục chuyển nhượng mà Pogba đặt ra). 

Và thực tế ấy cũng cảnh báo Man United rằng thực ra bệnh cúm của Mourinho, của Man United vẫn chưa cắt cơn. Thay vào đó, nó chỉ tạm lắng bởi được xoa dịu bằng một chiến thắng nhàn nhã trước một đối thủ vô cùng kém thế.


Hà Quang Minh
.
.
.