"Bản hòa tấu" Miura!

Thứ Năm, 11/12/2014, 09:56
Vẫn còn từ 1 đến 3 nốt nhạc nữa để ông Miura hoàn thành xong "bản hoà tấu đầu tiên", nhưng sẽ là không vội vàng khi kết luận: Đấy là một bản hoà tấu giàu cá tính và năng lượng. Lâu lắm rồi, người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới lại được nghe một bản hoà tấu đáng nghe như nhường này.

Chiến thắng 2-1 của ĐT Việt Nam trên sân Malaysia (bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2014) có thể xem như "bài test" cuối cùng để kết luận: Tân thuyền trưởng Miura đã thành công trong việc xây dựng một tập thể đầy bản lĩnh. Kết luận như vậy không hẳn vì chúng ta đã thắng, mà vì cách chúng ta đã thể hiện trong cả một lộ trình đã qua.

Thông thường, nói đến bản lĩnh của một tập thể người ta thường nói đến những cầu thủ giàu kinh nghiệm và hy vọng những con người giàu kinh nghiệm ấy sẽ kéo cả một đoàn tàu đi lên. Trong đội hình xuất phát của ĐT Việt Nam dưới thời Miura có những cầu thủ kiểu này không? Câu trả lời là: Có. Nhưng khác hẳn so với thời Calisto, Riedl ngày trước, những cầu thủ này không còn xuất hiện theo kiểu đương nhiên, tất yếu, mà phải cạnh tranh sòng phẳng với những đàn em của mình. Thế mới có chuyện chuẩn bị cho AFF Cup, Công Vinh thường xuyên đá dự bị. Trận đấu đầu tiên ở AFF Cup với Indonesia thì cả Công Vinh lẫn Tấn Tài đều ngồi dự bị. Và đến trận bán kết sống mái mới nhất trên đất Malaysia, khi ai cũng nghĩ Tấn Tài "phải" vào sân thì kết quả là: Tài cứ ung dung dự bị như thường.

Kiểu dùng người sòng phẳng, công bằng, chỉ dựa trên năng lực chuyên môn và nhu cầu chiến thuật, chứ không dựa trên thanh danh, tên tuổi cầu thủ mà ông Miura áp dụng đã giúp không khí cạnh tranh (dĩ nhiên là cạnh tranh tích cực) của ĐT được thiết lập. Và chính sự cạnh tranh tích cực, chính cái khát vọng cống hiến đến tối đa năng lực của từng cá thể đã tạo nên nội lực cho cả một đội bóng.   

51 tuổi, nhưng Miura chạy vẫn...dẻo quẹo. Ảnh: H.M.

Cũng rất khác so với thời những người tiền nhiệm cận kề, ĐT Việt Nam thời Miura có sự xuất hiện ồ ạt của cả một thế hệ cầu thủ trẻ, những người mà khi được gọi lên Tuyển thì người hâm mộ bóng đá nước nhà thậm chí còn chưa nhớ mặt thuộc tên. Ở đây, một phần cũng do ông Miura được VFF "bật đèn xanh" chuyện trẻ hoá đội hình, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ SEA Games 28, 29, nhưng mặt khác, và là mặt quyết định, ông dám dùng người trẻ và đã thành công trong việc thổi vào trái tim tuổi trẻ một niềm tin lớn. Ông tin dùng thủ thành Nguyên Mạnh ngay cả khi sự non nớt của tuổi trẻ đã khiến Mạnh mắc lỗi trầm trọng ở trận ra quân. Ông tin dùng Quế Ngọc Hải ở vị trí hậu vệ cánh, ngay cả khi bản thân cầu thủ này luôn nghĩ  mình chỉ có thể đá tốt ở vị trí "cài then" trước khung thành. Ông tin dùng Hoàng Thịnh ngay cả khi Thịnh trùng vị trí với đội trưởng Tấn Tài - vị trí mà đã có lúc người ta tưởng là bất khả xâm phạm. Rồi mới nhất, trong trận đấu với Malaysia ông tin dùng Huy Toàn (thay cho Vũ Minh Tuấn bị hai thẻ phạt) ngay cả khi Huy Toàn chơi rất tệ trong trận gặp Lào.

Xét một cách khách quan, cách ông Miura dùng người chẳng khác gì một cuộc "đánh bạc", nhưng vấn đề là ông dám "đánh bạc", và có lẽ cũng dám đối đầu với những thất bại của một người "đánh bạc". Vừa hay vừa may cho ông khi đến lúc này "ván bạc" thành công mĩ mãn. Kết quả nó đem lại là: ĐT Việt Nam bây giờ gần như không bị quá phụ thuộc vào một hay một nhóm chủ lực binh nào. ĐT Việt Nam bây giờ cũng không dễ dàng bị "chỉ điểm" khi mất người vì thẻ phạt, chấn thương - điều rất hay xảy ra dưới thời Riedl. Và đấy chính là những yếu tố sâu xa, căn cốt để làm nên nội lực của một đội bóng.

Miura - Công Vinh: Nhìn bức hình này sẽ thấy gương mặt Miura còn hiền hơn cả cậu học trò Công Vinh. Ảnh: H.M.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa đủ. Nếu chỉ có vậy thì e là ĐT Việt Nam vẫn khó sống sót khi bị thả vào cái chảo lửa Shah Alam (sân nhà của Malaysia) với sự gào thét kinh người của 80. 000 khán giả. Nhìn cái cách các cầu thủ điềm đạm, khôn ngoan bày trận, cái cách mà họ đưa con mồi vào bẫy, rồi thuần thục vận dụng cái bẫy mà gần như không gặp phải sai số nào, có cảm giác ông Miura cũng đã trang bị cho họ một sức mạnh tinh thần to lớn. Thời Calisto, mỗi khi ĐT phải sống trong chảo lửa, trong những tình cảnh ngàn cây treo sợi tóc thì "sức mạnh tinh thần" lại được đốt cháy bằng những câu chuyện về lịch sử. Ông "Tô" từng có lần nói thẳng với cầu thủ: "Dân tộc các anh là dân tộc anh hùng. Và một dân tộc anh hùng thì không thể sinh ra những đôi chân đá bóng sợ hãi và hèn nhát. Các anh hãy đá như sẵn sàng chết trên sân cỏ xem nào".

Đến thời Miura không thấy (hoặc chưa thấy) những "liều thuốc tinh thần" như vậy. Điều rõ nhất mà ông Miura tạo ra trước trận đấu với Malaysia chính là sự thoải mái. Thoải mái tới độ mà cả đội tập luyện, chuẩn bị khá nhẹ nhàng. Và sau khi đã có sự thoải mái thì ông tạo cho các cầu thủ một niềm tin rằng họ có thể chiến thắng ngay trên sân khách. Khi ông bảo "chúng tôi muốn thắng để tạo ưu thế cho lượt về" thì có nghĩa ông đang nói đúng suy nghĩ của mình, chứ không phải một kiểu tung đòn gió như những gì chúng tôi từng lầm tưởng.   

Nhưng khi đã thắng rồi, khi mà rất nhiều người sẽ "lên mây" thì người đàn ông 51 tuổi này lại kéo tất cả về mặt đất qua tuyên bố: "Tỉ số 2-1 chưa phải là tất cả. Nếu chủ quan, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho trận lượt về". Cũng như vậy, sau trận đấu cuối cùng ở vòng bảng với ĐT Philippines - một trận đấu mà các cầu thủ cũng đã chơi rất hay, và đã giành chiến thắng 3-1 để đứng đầu bảng A đúng như tuyên bố của ông, khi một nhà báo đặt câu hỏi: "Đây có phải là trận đấu hoàn hảo không?" thì câu trả lời của ông cũng vang lên chắc nịch: "Không! Vẫn có những sai số khó chấp nhận, điển hình là việc chúng ta khống chế, triển khai bóng sau khi dẫn 3 bàn. Hãy thử tưởng tượng, nếu lúc ấy chúng ta chỉ dẫn 1 bàn thì kiểu thi đấu ấy sẽ mạo hiểm ra sao?". Cách ông Miura tuyên bố trước và sau mỗi trận đấu, trước và sau khi giao mục tiêu cho thấy: Ông mạnh mẽ, quyết liệt với từng mục tiêu nhưng cũng điềm đạm khiêm nhường khi mỗi mục tiêu được hoàn tất. Và có lẽ, cách nhìn nhận vấn đề theo kiểu biết người, biết ta, biết mức độ của ông thầy cũng là điều quan trọng tạo nên bản lĩnh cho ĐT.

Bức hình này cho thấy một Miura cương nghị. Ảnh: H.M.

Ông Miura đến từ nước Nhật, và những gì ông thể hiện, từ sự nghiêm khắc, kỷ luật trong những vấn đề chuyên môn đến sự quyết liệt, khiêm nhường trong những ứng xử ngoài chuyên môn chứng tỏ một tính cách Nhật điển hình. Nói không quá, ĐT Việt Nam đang được trui rèn theo đúng tính cách ấy.

Vẫn còn một trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình cùng hai trận chung kết nữa (nếu ĐT lọt vào chung kết như nhận định của phần đông giới chuyên môn Đông Nam Á hiện nay), nghĩa là vẫn còn từ 1 đến 3 nốt nhạc nữa để ông Miura hoàn thành xong "bản hoà tấu đầu tiên", nhưng sẽ là không vội vàng khi kết luận: Đấy là một bản hoà tấu giàu cá tính và năng lượng. 

Lâu lắm rồi, người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới lại được nghe một bản hoà tấu đáng nghe như nhường này.

Con người bí ẩn

Nhìn dáng vẻ thư sinh nho nhã bên ngoài, dễ có cảm giác ông Toshiya Miura là mẫu người đơn giản, dễ đoán biết. Hôm ngồi cùng cậu học trò Công Vinh ở lễ bốc thăm chia bảng AFF Suzuki Cup tại khách sạn Sheraton (Hà Nội), thậm chí gương mặt của ông còn "hiền" hơn và mỏng mảnh khí thế hơn so với gương mặt cậu học trò. Nhưng khi chỉ đạo trận đấu, khi cần đốt lửa trái tim học trò thì người đàn ông Nhật Bản này lại có những động tác chỉ đạo cực kỳ mạnh mẽ. Và khi những học trò không thi đấu đúng với mong muốn của mình, như ở 45 phút đầu tiên trong trận đấu với Lào (45 phút mà chúng ta chỉ may mắn ghi được 1 bàn) thì ông cũng không ngại nổi trận lôi đình trong phòng thay đồ.

Còn với giới truyền thông, nếu như trước và sau 3 trận vòng bảng, ông Miura luôn tận tình trả lời mọi câu hỏi thì đến trước trận bán kết lượt đi ông lại thực hiện chiến dịch im lặng toàn tập. Có những khoảnh khắc ông ngồi một mình trong ôtô với gương mặt có phần căng thẳng. Nó khiến cho giới truyền thông cũng rất khó nắm bắt tính khí và những màn ứng xử kế tiếp của ông.

Vì là một người rất bí ẩn nên ông Miura cũng dụng nhân rất bí ẩn, khiến cho chính các học trò nhiều lúc cũng chẳng biết đâu mà lần?

Thể lực "ngon", kèo trái "sắc"

 Lần đầu đề nghị các cầu thủ Việt Nam thực hiện bài chạy quanh sân, ông Miura cũng xỏ giày chạy theo. Ai cũng nghĩ ông chỉ chạy một vài vòng làm mẫu, ai dè ông chạy từ đầu tới cuối cả mấy chục vòng. Điều đáng nói: Trong khi nhiều cầu thủ trẻ bở hơi tai thì một người đã 51 tuổi như ông vẫn chạy rất "ngon lành".

Thi thoảng trong những trận đấu giữa đội bóng của VFF với các đối tác ông Miura cũng xỏ giày ra sân. Và theo cựu danh thủ, chuyên gia bóng đá Đặng Gia Mẫn, người đã mục sở thị Miura đá bóng đủ 90 phút thì: "Ông ấy có kĩ thuật khá, và có cái kèo trái cực kỳ lợi hại". Theo ông Mẫn thì việc một người đã 51 tuổi như ông Miura vẫn có thể chạy tít, có thể đá đủ 90 phút một cách gọn gàng đủ cho thấy sự chuyên nghiệp trong việc rèn luyện, duy trì thể lực, thể chất của con người này. Mà một sự rèn luyện chuyên nghiệp - đấy lại là điều các cầu thủ Việt Nam thiếu nhất.

Tuấn Thành

Phan Đăng
.
.
.