Áp lực “ngôi sao”

Chủ Nhật, 18/06/2017, 08:06
Chỉ sau một trận đấu, dư luận bóng đá Việt Nam bỗng chia đôi quanh đề tài Công Phượng. Một bên thì bảo: "Phượng càng đá càng cùn bài", một bên thì phản bác: "Có giỏi hãy vào sân mà đá". Nhưng ngẫm ra thì chẳng riêng gì Công Phượng, những Văn Quyến, Công Vinh... trước đây cũng thế, và những ngôi sao sau này cũng khó mà khác được.


Trong số những ý kiến chỉ trích Công Phượng sau trận Việt Nam - Jordan tại vòng loại ASIAN Cup 2019 trên sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) vừa qua có cả ý kiến của chuyên gia bóng đá giàu kinh nghiệm: Huấn luyện viên Lê Thuỵ Hải.

Với tính cách bộc trực, không ngại "điểm huyệt" bất cứ ai mình thấy cần "điểm huyệt", ông Hải bảo Công Phượng chơi bóng quá cá nhân.

Rằng cứ hễ có bóng là Công Phượng lại tìm cách giữ bóng, đột phá cá nhân, mà phần lớn những pha đột phá đều không hiệu quả. Từ thực tiễn đó, ông Hải đưa ra lời khuyên với HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng: hãy mạnh dạn cất Công Phượng lên ghế dự bị.

Công Phượng (trái) đủ "lỳ" để biết ứng xử với nhiều luồng dư luận quanh mình.

Thực tế thì không cần tới cỡ Lê Thuỵ Hải, chỉ cần có chút ít hiểu biết về bóng đá cũng thấy toàn bộ thời gian có mặt trên sân Công Phượng không thể hiện được mình.

Ngoại trừ một, hai tình huống bất ngờ chuyền bóng nhanh, phần lớn các tình huống còn lại, Công Phượng đều giữ bóng, tìm cách qua người, và nếu đấy là những hàng phòng ngự cỡ Đông Nam Á có thể Phượng đã qua người thành công.

Nhưng trước một hàng thủ Tây Á vừa cao to, vừa giàu kinh nghiệm thì những pha qua người đơn giản đều bị "bẻ" từ trứng nước. Vấn đề đặt ra là vì sao HLV trưởng Hữu Thắng vẫn dùng Công Phượng lâu đến thế?

Có thể trong tư tưởng chiến thuật của mình, ông Thắng cho phép Phượng được đá cá nhân hơn những cầu thủ khác. Cũng có thể ông muốn xây dựng Đội tuyển với cái nòng cốt gồm bộ tứ Hoàng Anh là Xuân Trường - Tuấn Anh - Văn Thanh - Công Phượng, và hy vọng trong một khoảnh khắc nào đó, những pha đập nhả của bộ tứ này sẽ bất ngờ gây đột biến.

Hoặc cũng có thể so với những tiền đạo còn lại, đơn giản là Công Phượng chiếm được nhiều niềm tin của ông hơn. Thôi thì mỗi HLV đều có một quan điểm dụng nhân riêng, và nếu cứ sa đà vào chuyện này có bàn từ sáng đến tối cũng không hết chuyện.

Điều đáng chú ý là sau trận đấu, khi một nửa dư luận chê Công Phượng thì những fan ruột của Công Phượng lại phản biện theo kiểu: Có giỏi hãy vào sân mà đá. Cách phản biện như thế có phần... thiếu văn minh, vì xét cho cùng đá bóng là chuyện của cầu thủ, và nhận xét, đánh giá là chuyện của giới quan sát. Không thể đánh đồng hai câu chuyện, hai đối tượng này với nhau.

Sẽ là lý tưởng nếu giới quan sát đưa ra những nhận xét đồng thuận với cầu thủ, nhưng khi điều ngược lại xảy ra thì thay vì đặt những câu hỏi theo kiểu thách thức giới quan sát, các cầu thủ ngôi sao phải luôn biết cách ứng xử với giới quan sát một cách thích hợp nhất và tốt nhất cho mình.

Nói như ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTV trong một lần trả lời chương trình cà phê sáng VTV 3 thì: "Người đặc biệt phải học cách chịu những áp lực đặc biệt. Nếu không chịu được những áp lực ấy thì không xứng đáng làm người đặc biệt".

Xét ở khía cạnh này, có vẻ Công Phượng đã ứng xử tốt hơn hẳn so với một bộ phận không nhỏ những fan ruột của mình. Công Phượng im lặng trước những sự chỉ trích. Và cùng với sự im lặng, có lẽ Công Phượng cũng sẽ tìm cách sửa chữa, thay đổi những phần có thể là chưa tích cực trong cách thi đấu của mình.

Nên nhớ trong quá khứ, Công Phượng đã được chọn làm nhân vật trung tâm trong các chiến dịch truyền thông có tổ chức hẳn hoi. Nhất cử nhất động của Công Phượng khi ấy đều được tô vẽ để giúp người lớn đạt được một mục đích gì đó, và đến thời điểm này, có lẽ Công Phượng đủ trải nghiệm để hiểu ra tất cả.

Không ảo tưởng, đánh mất mình trước những chiến dịch truyền thông mà mình "bị"... chọn mặt gửi vàng; cũng không lung lay sụp đổ trước những sự chỉ trích, kể cả những chỉ trích mang tính xây dựng lẫn phá hoại, phải có nội lực và bản lĩnh lắm thì một ngôi sao mới đạt đến trạng thái đó.

Và hiện tại, người ta có thể thấy ít nhiều màu sắc đó ở một người còn rất trẻ như Công Phượng!

Không cần đi tìm... 2m tự do?

Vài năm trước, khi còn là một cầu thủ U.19, nổi đình nổi đám trong màu áo U.19 Việt Nam lẫn U.19 Hoàng Anh Gia Lai, Công Phượng đã là nhân vật bị quan tâm đặc biệt. Thời ấy, thầy ruột của Phượng ở Hoàng Anh Gia Lai là Guillaume Graechen đã nói rất hình ảnh rằng: "Cậu ấy thậm chí không có nổi 2 m tự do".

Nhắc lại chuyện này để thấy, khác với những đồng đội cùng trang lứa của mình như Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh... chỉ vừa bước chân ra ánh sáng là Phượng đã đối diện với những sự quan tâm, đánh giá rất đặc biệt từ dư luận, người hâm mộ. Có thể lúc đầu, một cầu thủ U.19 sẽ choáng vì điều đó.

Và sau này, khi phải gặp những chỉ trích nặng nề đầu tiên Công Phượng cũng gặp khó khăn. Nhưng đến lúc này, khi đã quá quen với những khen - chê quanh mình thì chắc chắn Phượng tự biết phải ứng xử ra sao để không dao động. Thay vì phải van xin, kêu gọi 2m tự do, lúc này Công Phượng sẽ biết cách đi tìm tự do ngay cả khi bị "bao vây" tứ phía. (Ngọc Anh)


Diệp Xưa
.
.
.