3 bài học từ Euro 2016

Thứ Tư, 13/07/2016, 14:12
Euro 2016 đã trôi qua một cách nhanh chóng. 30 ngày đại hội bóng đá đã khép lại với đầy đủ cung bậc cảm xúc thăng trầm. Dưới đây là những gì đáng ghi nhận lại tại vòng chung kết năm nay.

1. Bóng đá thắng nỗi lo

Trước khi vòng chung kết Euro chính thức được tổ chức tại Pháp, rất nhiều lo lắng về khủng bố đã được đưa ra. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) đã đưa ra những lời cảnh báo. Chính tổ chức này cũng đã thừa nhận trách nhiệm trong các vụ khủng bố đẫm máu tại châu Âu hai năm qua, trong đó có màn giết chóc tại tòa soạn báo Charlie Hedbo, cuộc đánh bom hàng loạt tại Paris, cuộc đánh bom các nhà ga tại Brussels.

Tuy nhiên, nước Pháp đã thẳng thừng tuyên bố không hoãn Euro. Tổng thống, Thủ tướng, các bộ trưởng của Pháp đã thay nhau lên tiếng khẳng định an ninh sẽ được bảo đảm tối đa trong mùa hè này tại Pháp, với quân số bảo vệ sự kiện lên tới hàng triệu chiến binh. “Cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn” – đó là lời của ông Francois Hollande, Tổng thống nước chủ nhà. Và quả nhiên Euro 2016 đã diễn ra an toàn.

Euro 2016 đã tôn vinh giá trị tập thể. (Ảnh minh họa)

2. Mở rộng giải đấu, giảm bớt chất lượng

Euro 2016 đã đi đến những vòng đấu cuối cùng hấp dẫn đến nghẹt thở. Nhưng trước đó là hàng chục trận đấu khiến cho những khán giả kiên nhẫn nhất cũng có phần ngán ngẩm. Việc mở rộng quy mô vòng chung kết từ 16 lên 24 đội của UEFA dường như đã gây ảnh hưởng tiêu cực của chất lượng giải đấu. Sự có mặt của các đội tuyển tiểu nhược cũng đồng nghĩa rằng, thứ bóng đá thận trọng có chủ đích đã được đề cao. Nhưng mâu thuẫn là, có những đội bóng không cần kết quả thực sự tích cực mà vẫn có thể vượt qua vòng bảng, dẫn tới việc họ không còn đá “bán sống bán chết” như với thể thức cũ. Nhà vô địch Bồ Đào Nha vô tình lại chính là biểu tượng của điều này.

3. Bóng đá tập thể lên ngôi

Tuy nhiên, điều đáng mừng là tại Euro năm nay, khi trình độ tổ chức được đề cao, bóng đá cũng đã thể hiện được một nét đẹp đáng chú ý: tập thể.

Dĩ nhiên bóng đá chưa bao giờ là sân chơi của một hay một vài ngôi sao, mà luôn là cuộc đối đầu của hai tập thể, mỗi tập thể 11 người. Nhưng trước kia, với cách vận hành chiến thuật bóng đá cũ, một đội bóng đôi khi chỉ cần 1 cầu thủ nổi bật để dựa vào. Còn giờ đây, hình mẫu đó đã tan biến. Zlatan Ibrahimovic và Thụy Điển, những ngôi sao Bỉ hay Anh đều sớm chia tay giải đấu trong nỗi buồn. 

Trong khi đó, những tập thể tôn trọng sự đóng góp của tất cả mọi người (dù có một ngôi sao rất rõ ràng hay không) như Xứ Wales, Đức, Bồ Đào Nha, Italia... đều đã thành công rõ rệt.

Vu Chân
.
.
.