10 đội bóng hay nhất trong lịch sử World Cup

Thứ Ba, 06/06/2006, 17:13
Trên thế giới mới chỉ có 7 quốc gia được nâng cao chiếc Cup vàng, nhưng bên cạnh đó còn tồn tại chẳng ít đội bóng huyền thoại khiến các CĐV say mê và nhớ mãi.

Brazil 1970 (thành tích tại giải: vô địch)

Tập thể giành chức vô địch thế giới thứ ba cho Brazil trong vòng 12 năm được đánh giá là đội bóng hay nhất mọi thời đại. Không xuất sắc trong phòng ngự, nhưng với hàng công siêu mạnh gồm 5 ngôi sao Pele, Rivelino, Jairzinho, Tostao, và Gerson, Brazil đã toàn thắng cả 6 trận trên con đường tiến tới chức vô địch (trong đó có những đội rất mạnh như Anh, Uruguay, Italy).

Thế hệ giành vĩnh viễn chiếc Cup nữ thần vàng cho Brazil.

Hà Lan 1974 (á quân)

Đoàn quân của HLV Rinus Michel đã trình làng một “ma trận” huyền bí mà trong đó các cầu thủ di chuyển liên tục và hoán đổi vị trí cho nhau. Người ta gọi đó là “bóng đá tổng lực”.

Lần lượt các đội bóng từ khá đến mạnh đều bị Hà Lan đánh bại một cách tâm phục khẩu phục, đáng kể nhất là chiến thắng trước Bulgaria (4-1), Argentina (4-0) và ĐKVĐ Brazil (2-0). Tuy nhiên, trong trận chung kết, đội bóng áo da cam đã bất ngờ bị hạ gục bởi ý chí thép và lợi thế sân nhà của người Đức.

Anh 1970 (vào tứ kết)

Đội bóng “ba sư tử” khi đó còn được đánh giá là nhỉnh hơn lần đăng quang 4 năm trước. Tuyến dưới được bảo vệ vững chắc bởi thủ môn Gordon Banks và trung vệ Bobby Moore, trong khi bộ ba Colin Bell, Bobby Charlton, và Alan Ball thống lĩnh khu vực giữa sân. Sức mạnh của nhà ĐKVĐ đã được tỏ rõ khi chỉ thua Brazil sát nút (0-1) tại vòng đấu bảng. Đáng tiếc, hàng loạt sai lầm của thủ môn dự bị Peter Bonetti (bắt thay Banks bị chấn thương) đã khiến đội quân xứ sương mù thua ngược Đức ở tứ kết với tỷ số 2-3 (dẫn trước 2-0).

Argentina 1978 (vô địch)

Có lẽ, đội quân tango đã quá may khi thắng Peru 6-0 trận cuối để qua mặt Brazil, giành vé vào chung kết nhờ hiệu số. Tuy vậy, không thể phủ nhận Argentina năm 1978 thậm chí còn mạnh hơn thời điểm đăng quang cùng Maradona 8 năm sau. Ở tuyến trên có vua phá lưới Mario Kempes. Leopoldo Luque và Ossie Ardiles cung cấp sự tinh ranh, còn thủ quân Daniel Passarella là một chiếc "máy cày" ở hàng thủ. Tất cả đều được chỉ huy bởi HLV tài ba Cesar Menotti.

Argentina đăng quang nhờ một đội hình đồng đều và giàu sức mạnh tấn công.

Hungary 1954 (á quân)

Những “gã phù thủy Magyar” đến World Cup 1954 với tư thế của ứng cử viên số một. Chẳng phải chờ lâu, sức mạnh khủng khiếp của Hungary lập tức được thể hiện qua hai trận đầu với 17 bàn thắng (hạ Triều Tiên 9-0 và Đức 8-3).

Tuy vậy, một chấn thương dai dẳng dính từ trận tứ kết (hạ Brazil 4-2) đã khiến ngôi sao chủ lực Ferenc Puskas không có đủ 100% thể lực trong trận cuối cùng. Hungary dẫn Đức hai bàn, nhưng vẫn thua ngược 2-3.

Brazil 1958 (vô địch)

Ít chín chắn hơn đội hình năm 1970 nhưng Brazil của năm 1958 xứng đáng là một trong những tập thể hay nhất nhờ lối chơi phóng khoáng. Ở hai cánh, Garrincha và Didi luôn thách thức mọi định luật của vật lý bằng kỹ năng giữ thăng bằng, lắc người, đột phá và những cú sút cong hình quả chuối. Mario Zagallo đóng vai trò giữ nhịp, còn Vava và Pele đảm nhận công việc ghi bàn. Cho tới nay đây vẫn là đội hình đầu tiên đoạt Cup thế giới bên ngoài lục địa sở tại.

Pháp 1998 (vô địch)

Lần thứ hai làm chủ nhà sau 60 năm, Pháp đã sản sinh ra một thế hệ tài năng đủ sức leo tới đỉnh cao. Zidane dĩ nhiên là ngôi sao, nhưng cầu thủ thu hồi bóng Deschamps và bộ tứ hậu vệ Lizarazu, Desailly, Blanc, Thuram mới thực sự là nền tảng của thành công. Với lợi thế sân nhà cùng những bàn thắng xuất phát từ tuyến dưới, Pháp xứng đáng giành ngôi cao nhất.

Chức vô địch của Pháp là minh chứng cho triết lý "lấy hàng thủ làm bệ phóng" thành công.

Tây Đức 1974 (vô địch)

Các học trò của HLV Helmut Schoen đã khởi đầu cực kỳ tệ hại khi để thua Đông Đức 0-1. Tuy nhiên, càng chơi càng hay, lứa cầu thủ tài năng như Beckenbauer, Gerd Muller, Paul Breitner, Wolfgang Overath và thủ môn Sepp Maier, đã đưa Tây Đức tiến vào chung kết gặp Hà Lan, đội lúc đó đang gây tiếng vang mạnh mẽ. Sau khi bị thủng lưới ngay ở phút thứ nhất bởi quả phạt đền của Johann Neesken, đội chủ nhà đã thể hiện ý chí thép và vùng lên, lật ngược tình thế (thắng 2-1).

Italy 1938 (vô địch)

Dưới tài huấn luyện của HLV Vittorio Pozzo cùng các ngôi sao như Giuseppe Meazza, Silvio Piola, và Giovanni Ferrari, đoàn quân thiên thanh không có đối thủ xứng tay trong thập niên 30 thế kỷ trước. Vượt qua Brazil ở bán kết rồi hạ Hungary 4-2 trong trận đấu cuối cùng, Italy trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công danh hiệu vô địch thế giới. “Nhờ” cuộc đại chiến thế giới thứ hai sau đó, xứ sở hình chiếc ủng vô tình trở thành quốc gia được giữ Cup nữ thần vàng lâu nhất (16 năm).

Tây Đức 1990 (vô địch)

Đoàn quân của HLV Beckenbauer năm 1990 là một tập thể đặc sệt tính thực dụng. Nhưng đấy mới là điểm thú vị khiến họ được coi là tập thể khó đánh bại nhất trong lịch sử. Nền tảng của mọi thắng lợi là bộ ba Matthaus - Kohler - Augenthaler, trong đó tiền vệ của Inter giữ vai trò thống lĩnh khu giữa sân còn hai cầu thủ sau là "gọng kìm thép" bẻ gãy mọi đợt tấn công của đối thủ. Khi cần bàn thắng, hậu vệ cánh Brehme và tiền vệ Hassler sẽ đóng vai trò xúc tác cho cặp tiền đạo Klinsmann - Voeller

Tổng hợp
.
.
.