Ai lôi kéo lao động Việt Nam ở Đài Loan bỏ trốn?

Chủ Nhật, 07/11/2004, 19:58

Người lao động (NLĐ) vừa xuống sân bay là đã có các cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan đưa ngay danh thiếp, số điện thoại để chèo kéo. Các "cò" này giới thiệu việc làm có lương cao hơn, đánh vào tâm lý NLĐ muốn kiếm tiền nhanh để hoàn lại số tiền phải nộp khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Anh Tạ Hải Anh, cán bộ phụ trách đào tạo NLĐ đi Đài Loan của Trung tâm XKLĐ Tralaxen, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cho hay: “Điều đáng buồn là ngoài các cô dâu Việt Nam cùng những người XKLĐ đi trước đã bỏ trốn lại lôi kéo người mới sang. Họ báo tin về cho gia đình ở Việt Nam rồi tìm cách móc nối với nhau. Vì thế, một người bỏ trốn kéo theo cả làng, xã đi XKLĐ trốn theo.”

Em Nguyễn Thị Dung, một ứng viên XKLĐ, quê Can Lộc, Hà Tĩnh, tuy chưa sang nước ngoài nhưng đã bị lôi kéo bỏ trốn. Dung kể, khi đang học để chuẩn bị đi Đài Loan, em hay chơi với bạn Nguyễn Thị Thơm cùng quê. Thơm được người quen giới thiệu làm thủ tục đi Đài Loan làm giúp việc. Thơm hay tỉ tê tâm sự và rủ Dung sang bên đó làm việc một tháng cho quen rồi sẽ tìm cách trốn ra ngoài làm để được nhiều tiền.

Thơm còn cho Dung địa chỉ nhà ở Hà Tĩnh để khi Dung sang sẽ liên lạc. Đến tháng 7/2004, Dung thiếu tuổi nên chưa được nhận việc, còn Thơm chỉ sang Đài Loan ngày hôm trước, hôm sau đã bỏ trốn ngay trên đường đến nhà gia chủ.

Anh Hải Anh cho biết thêm: “Thơm mới bị cảnh sát Đài Loan bắt và đang bị giam. Một trường hợp khác bị NLĐ đi trước lôi kéo bỏ trốn là chị Nguyễn Thị Trà, sang Đài Loan tháng 12/2003. Sau hai ngày lang thang không tìm được việc, chị Trà bị dẫn đi làm ‘gái’. Lúc biết mình bị lừa, chị Trà gọi điện về Trung tâm XKLĐ Tralaxen ở Việt Nam khóc lóc, xin lỗi. Rất may là gia chủ chưa báo cảnh sát nên đại diện công ty ở Đài Loan đã thuyết phục được gia chủ đồng ý cho chị Trà quay về làm việc. Những trường hợp may mắn như chị chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

NLĐ tưởng rằng ra ngoài làm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng thực tế, khi trốn ra ngoài, họ không có chỗ ở, không có bảo hiểm lao động, nên thu nhập vẫn thiệt thòi. Đó là chưa kể những trường hợp bị lừa, bị quỵt tiền. Hơn nữa, NLĐ làm việc bất hợp pháp sẽ bị cảnh sát Đài Loan bắt.

Những NLĐ tại Đài Loan coi việc trốn ra ngoài làm việc của chị Nguyễn Thị Vân (quê Hà Tĩnh) là bài học lớn. Chị Vân được một "cò" cô dâu dẫn đến làm tại một cơ sở bánh ngọt. Nhưng sau hai tháng, chị Vân bị "cò" đó giữ luôn tiền lương. Chị thắc mắc thì bị dọa sẽ báo cảnh sát. Nhiều "cò" lôi kéo NLĐ vừa thu lợi từ khoản quỵt lương rồi sau đó báo cảnh sát bắt NLĐ để nhận tiếp tiền thưởng.

Năm 2003, phía Đài Loan đã đóng cửa thị trường XKLĐ từ Indonesia chỉ vì tỷ lệ NLĐ bỏ trốn là 3%. Trong khi đó, tỷ lệ bỏ trốn hiện nay của NLĐ Việt Nam đã lên đến 8,7%. Nhìn vào con số này, có thể thấy tình hình lao động bỏ trốn tại thị trường XKLĐ lớn nhất của Việt Nam đang rất báo động. Nguy cơ “đóng băng” thị trường Đài Loan đã được cảnh báo từ đầu năm 2004, khi ủy ban Lao động Đài Loan kết luận rằng Việt Nam nằm trong tốp 5 nước XKLĐ có tỷ lệ NLĐ bỏ trốn nhiều nhất.

Nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ NLĐ bỏ trốn đã được áp dụng. Thế nhưng giờ này, số NLĐ Việt Nam bỏ trốn đã đẩy lên mức cao nhất trong các nước XKLĐ vào Đài Loan. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh nhằm đạt được mục tiêu hết tháng 12/ 2004 phải đưa ít nhất 30% lao động bỏ trốn về nước. Tuy nhiên, việc tìm kiếm NLĐ bỏ trốn là hết sức khó, vì NLĐ có điện thoại di động, họ liên lạc với nhau rất nhanh. Hơn nữa, phải có nơi nhận lao động bất hợp pháp thì NLĐ bỏ trốn mới có việc làm và nơi cư trú.

Để ngăn chặn tình trạng NLĐ bỏ trốn và đảm bảo tương lai lâu dài của XKLĐ, chúng ta chỉ có thể trông đợi vào Dự thảo Luật XKLĐ và chuyên gia (do Bộ LĐTB&XH trình) sẽ sớm được Quốc hội thông qua
 

Thanh Loan
.
.
.