Nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng ở Đam Rông

Thứ Hai, 09/09/2019, 08:16
Đam Rông là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, rừng chiếm khoảng 77% diện tích tự nhiên. Đây cũng là địa phương giáp ranh với huyện Đắk Glong (Đắk Nông), huyện Lắk và Krông Bông (Đắk Lắk) nên công tác quản lý địa bàn gặp không ít khó khăn, phức tạp.


Các vụ án hình sự tại Đam Rông liên quan đến hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thường chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số án. Nhiều vụ án đã được Công an huyện Đam Rông phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Viện Kiểm sát huyện khởi tố, điều tra làm rõ. Các đối tượng phạm tội bị đưa ra xét xử nghiêm minh nhằm tạo răn đe, giáo dục chung.

Tuy nhiên, lợi nhuận về gỗ, đất rừng và các loại lâm sản đã khiến không ít đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, vẫn vào rừng khai thác các loại gỗ quý hiếm hoặc hủy hoại rừng để lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp, bán qua tay kiếm lời bất chính.

Cơ quan chức năng huyện Đam Rông khám nghiệm hiện trường một phụ phá rừng.

Gần đây nhất, Công an huyện Đam Rông đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện mật phục, bắt giữ nhóm đối tượng khai thác gỗ quý hiếm trái phép tại khoảnh 1, tiểu khu 65, địa giới hành chính xã Đạ Long. 

Các đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ gồm Võ Hồng Lịch (SN 1979), Võ Hồng Dương (SN 1985), đều ngụ ở tỉnh Phú Yên và Nguyễn Văn Tứ (SN 1987), Phạm Văn Huyênh (SN 1991), đều ngụ tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định có 23 cây gỗ bị cưa hạ, gây thiệt hại 29,7m3 gỗ tròn.

Đáng chú ý, trong số những cây gỗ bị nhóm này khai thác có tới 9 cây gụ hương (xá xị) nhóm IIA (nhóm gỗ tự nhiên quý hiếm, nguy cấp) khối lượng 14,476m3. Toàn bộ phần thân và cành, ngọn vẫn còn nằm nguyên tại hiện trường, phần gốc và rễ cây gụ hương đã bị đối tượng lấy đi. Ban đầu, cả 4 đối tượng này không thừa nhận hành vi khai thác bất hợp pháp những cây gỗ trên mà cho rằng mình chỉ là người được thuê để vận chuyển.

Tuy nhiên, với những lời khai đầy mâu thuẫn cùng chứng cứ không thể chối cãi, biết không thể qua mắt được cơ quan điều tra, cả 4 đối tượng đều phải cúi đầu nhận tội. 

Theo lời khai của Võ Hồng Lịch và Võ Hồng Dương, khi tìm được cây gụ hương, các đối tượng đào quanh gốc để cây tự đổ, sau đó dùng máy cầm tay cắt gốc, rễ đem về lán trại để bào, nấu, chiết xuất lấy tinh dầu. Hiện nhóm “lâm tặc” này đã bị Công an huyện Đam Rông khởi tố để điều tra.

Trước đó, vào cuối tháng 6-2019, thực hiện kế hoạch kiểm tra, truy quét ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản tại lô d, khoảnh 5, tiểu khu 72, xã Đạ Long, Công an huyện Đam Rông và Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện có 5 cây thông tre lá ngắn (nhóm IIA) vừa bị cưa hạ.

Kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một máy cầm tay được giấu trong một gốc cây nhưng không xác định được đối tượng vi phạm. Với quyết tâm truy tìm bằng được thủ phạm, từ các biện pháp nghiệp vụ, đầu tháng 7-2019, lực lượng chức năng đã bắt giữ Liêng Hót Bi Na, trú tại thôn 4, xã Đạ Long.

Tại cơ quan điều tra, Liêng Hót Bi Na đã thừa nhận chính là thủ phạm khai thác 5 cây thông tre lá ngắn quý hiếm với mục đích lấy gỗ làm nhà. Số gỗ bị thiệt hại là 7,4m3. Cơ quan chức năng cũng đã khới tố Liêng Hót Bi Na để điều tra về hành vi khai thác gỗ bất hợp pháp.

Theo ông Phan Đình Phùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, hành vi phá rừng, khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn vẫn còn diễn biến rất phức tạp. 

Đáng chú ý là các vụ phá rừng tại tiểu khu 180, 181 xã Liêng Srônh, thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk quản lý; tiểu khu 237, 251, xã Đạ KNàng, thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý.

Việc khai thác lâm sản trái pháp luật cũng xảy ra phức tạp tại các tiểu khu 211, 215, xã Phi Liêng và tiểu khu 65, xã Đạ Long, xã Đạ Tông. Trước thực trạng trên, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, Công an, Kiểm lâm, Viện Kiểm sát và UBND các xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thượng tá Phạm Văn Sế, Phó Trưởng Công an huyện Đam Rông cho biết, Công an huyện đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan như Kiểm lâm, Viện Kiểm sát, chủ rừng... tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản bất hợp pháp có dấu hiệu hình sự trên xảy ra trên địa bàn. 

Với địa hình là đồi núi chia cắt, diện tích rừng tự nhiên lớn, lại giáp ranh với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk nên công tác điều tra, xử lý các vụ án có liên quan đến rừng và đất rừng gặp không ít khó khăn.

Có những vụ án, để tới được hiện trường, lực lượng chức năng phải đi bộ mất cả ngày trời đường rừng. Thậm chí, khi bị bắt giữ, các đối tượng còn kích động bà con, họ hàng chống đối, gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án.

Tuy nhiên, với nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại, khai thác, tàng trữ và vận chuyển lâm sản bất hợp pháp trên địa bàn, Công an huyện Đam Rông và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục chung.

Khắc Lịch
.
.
.