Ông lão thiểu năng chăm em gái 71 tuổi bị bại liệt

Thứ Sáu, 26/12/2014, 10:10
Do di chứng những trận đòn tra tấn của địch, năm 2008, bà Mai Thị Thanh (71 tuổi, trú ở thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), bị đau rồi liệt tứ chi. Từ chỗ hằng ngày được em gái chăm lo, người anh trai bị thiểu năng bẩm sinh là ông Mai Văn Cục lại trở thành chỗ dựa cho bà khi đã ở tuổi “cổ lai hy”…

Căn bệnh quái ác khiến chân bà Thanh teo nhỏ, không thể đứng lên được. Đôi cánh tay gầy guộc, run rẩy, xúc muỗng cơm cũng rất khó khăn. Nhưng trong ánh mắt và từng lời nói của bà vẫn đầy ắp sự yêu đời và tình cảm mến thương khi nói về người anh trai của mình. Ông Cục năm nay 76 tuổi. Ở thôn Ngọc Sơn Tây ai cũng biết ông bị điếc nặng và thiểu năng về nhận thức. Vì thế, năm 1965, khi bà Thanh bị địch bắt vì tham gia hoạt động cách mạng, làm công tác giao liên và binh vận, bọn giặc không thèm để mắt đến người anh cả, tính tình ngây ngây dại dại; nhờ đó mà ông Cục được yên thân.

Bà Thanh kể, khi bị địch bắt, chúng đưa bà về quận Thăng Bình đánh đập, tra tấn dã man, như: tra điện, đổ xà phòng vào miệng… liên tục 3 ngày, sau đó chuyển vào nhà lao Quảng Tín. Tại đây, bà tiếp tục nhận những ngón đòn tra tấn dã man, tàn bạo hơn, phải chết đi sống lại nhiều lần. Nhưng trước sau như một, bà vẫn không hé răng khai báo một lời.

Không khai thác được gì, địch giam bà đến năm 1967 thì chuyển ra nhà lao Huế. Đầu xuân Mậu Thân 1968, bộ đội ta tấn công Huế, bà và nhiều tù chính trị được giải cứu, rồi theo bộ đội rút về vùng căn cứ ở miền núi huyện Hương Trà (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế), phục vụ, chăm sóc thương bệnh binh.

Năm 1972, do hậu quả những trận đòn tra tấn của địch, bà bộc phát chứng đau đầu và xương sống khủng khiếp. Bà được đưa ra Hà Nội chữa trị và ở lại học văn hóa. Sau ngày đất nước giải phóng, bà về lại quê nhà, tham gia hoạt động phụ nữ xã Bình Phục. Tuy nhiên, vì sức khỏe giảm sút nên năm 1981 bà nghỉ công tác, được hưởng chế độ bệnh binh hạng 4/4… Không có sức lao động, nhưng bà vẫn bám mấy sào ruộng, mảnh vườn để nuôi sống bản thân và chăm lo cho ông Cục.

Ông Cục bón cơm cho bà Thanh bị bại liệt ngồi một chỗ.

Còn ông Cục, hằng ngày lang thang ngoài chợ nhặt chai bao, phế liệu, để bán thêm tiền đong gạo. Hai anh em bà nương tựa, chăm sóc nhau trên đoạn đời còn lại. Nhưng cuộc sống không như mong muốn… Những trận đòn tra tấn bà phải hứng chịu năm xưa, nay hành hạ bà, nhất là khi trái gió trở trời.

Sức khỏe bà ngày càng sa sút, đến năm 2008, tay chân yếu dần rồi liệt hẳn. May mắn là trước khi đổ bệnh nặng, bà đã bày ông Cục nấu được nồi cơm, kho được con cá. Dù ngon hay dở, hai anh em vẫn không bị đói. Từ đó, như thường lệ, sáng tinh mơ, ông Cục đã thức dậy, sau khi đắp chăn lại cho bà, ông xuống bếp nấu cơm và bón cơm cho em gái ăn trước khi quẩy đôi trạc rách ra chợ nhặt phế liệu. Gần trưa, ông lại về thổi cơm. Tuy nhiên, cả hai anh em dặn nhau sống dè sẻn, tiết kiệm từng bữa...

Khi chúng tôi đến thăm, dù ông không nghe, cũng ít khi mở miệng nói chuyện, nhưng bà Thanh cần gì, ra hiệu vài lần là ông Cục hiểu và làm giúp. Tuy nhiên, bà Thanh bảo, việc vệ sinh, tắm giặt thì ông Cục không giúp được. Bởi vậy, có khi cả tuần, bà mới được người em gái ở xa về giúp một lần. Biết hoàn cảnh khó khăn của bà Thanh và ông Cục, chính quyền xã Bình Phục, Hội Phụ nữ xã thường đến thăm, hỗ trợ gạo và đồ dùng thiết yếu.

Bà Thanh tâm sự rằng, việc đó rất quý, nhưng bà luôn áy náy, vì biết địa phương còn nghèo, các gia đình hội viên Hội Phụ nữ xã cũng còn thiếu thốn. Chiếc tivi do một đơn vị tặng để trên bàn, bà Thanh ít khi dùng vì sợ tốn điện, dù gia đình được Trường Trung cấp CSGT nhận hỗ trợ trả tiền điện hằng tháng.

Khi chúng tôi trao số tiền 3 triệu đồng của bạn đọc Báo CAND cho bà Thanh và nhờ Hội Phụ nữ xã Bình Phục mua gạo giùm, dù bị điếc, không nói được; song dường như ông Cục cũng hiểu được nên ông rất phấn khởi… Hoàn cảnh đáng thương của bà Thanh và ông Cục rất cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ các đoàn thể ở địa phương và những tấm lòng vàng…

Thân Lai
.
.
.