Vạn tấm lòng hảo tâm hướng về đồng bào bị lũ lụt

Thứ Hai, 08/11/2010, 16:07
Một chị nông dân bỏ ra 7 triệu đồng để thu gom sách, vở, quần áo cũ từ nhiều nguồn khác nhau rồi cùng các chị em cùng xã giặt là, đóng gói kỹ càng. Khi thuê xe tải chở hàng đến toà soạn Báo CAND, chị còn xắn tay áo lao vào khuân vác hàng hoá…

Vào thời điểm này, tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền Tổ quốc lại hướng về miền Trung, chung tay thắp sáng ngọn lửa của tình đồng bào, đồng chí "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Đó là những câu chuyện đẹp được viết lên từ những tấm lòng nhân ái mà thường ngày có thể bị khuất lấp bởi những bận rộn, lo toan của cuộc sống.

Chưa bao giờ miền Trung lại nhận được nhiều những tấm lòng và sự sẻ chia của người dân cả nước như những ngày qua. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (tháng 10/2010), nhiều tỉnh Bắc và Nam Trung bộ đã phải hứng chịu các trận lũ lụt lịch sử hiếm thấy trong hàng chục năm qua.

Trước những mất mát, đau thương nơi miền Trung ruột thịt đang "oằn mình" chống chọi, nhất là khi cơn lũ lịch sử đi qua, khó khăn để lại, Báo CAND cho đến thời điểm hiện tại đã cử nhiều Đoàn công tác Xã hội - Từ thiện cùng các nhà hảo tâm trực tiếp mang hơn chục tỷ đồng cùng nhiều tấn hàng hoá gồm: gạo, mỳ tôm, sách giáo khoa và vở viết…về vùng lũ.

Hòa chung với truyền thống "tương thân tương ái", những ngày qua, Toà soạn Báo CAND đóng vai trò như một chiếc cầu nối lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, tổ chức làm từ thiện đến với người dân vùng lũ. Hình ảnh những cháu nhỏ, cụ già... mang tiền, hàng đến Toà soạn để ủng hộ người dân vùng lũ đã thực sự là những hình ảnh đẹp. Phòng làm việc đã phải nhường bớt phần diện tích cho hàng trăm thùng, túi hàng hoá như quần áo, sách giáo khoa…Nhiều người dân mang tiền, hàng đến Toà soạn không kịp để lại tên tuổi, địa chỉ mà chỉ nhắn gửi "nhờ Báo đem đến cho bà con mình đang hoạn nạn".

Hàng hóa cứu trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm tập kết tại Tòa soạn Báo CAND đang chờ chuyển đến đồng bào bị lũ lụt.

Chiều 4/11, có một người phụ nữ ở Hà Nội đã thuê xe tải chở đến Toà soạn hàng chục bao sách vở, quần áo cũ. Lúc đầu người phụ nữ này kiên quyết không cho biết tên tuổi và địa chỉ và chỉ một mực "nhờ Báo chuyển đến sớm cho bà con". Phải gặng hỏi mãi, chị mới cho biết, chị đại diện cho một số chị em phụ nữ ở xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tới Tòa soạn để chung tay chương trình "tương thân tương ái" do Báo CAND phát động.

Theo chị, để có được ngần ấy sách giáo khoa, vở viết, chị đã bỏ ra 7 triệu đồng để thu gom từ nhiều nguồn khác nhau. Rồi chị đã cùng các chị em giặt là, đóng gói kỹ càng. Chưa hết, khi thuê xe tải chở hàng đến toà soạn, chị còn xắn tay áo lao vào khuân vác hàng hoá, không một lời kể lể cũng như chẳng nề hà nặng nhọc, thậm chí còn chẳng muốn để lại một dòng địa chỉ, chẳng cần ghi cả biên nhận. Hình ảnh người phụ nữ nông dân ăn mặc chất phác, kiệm lời mà có nghĩa cử cao đẹp đó khiến nhiều cán bộ, phóng viên trong Toà soạn thật sự cảm động.

Dù đã có nhiều chuyến xe chở hàng vào miền Trung nhưng từ đầu tháng 11 đến nay, trụ sở Báo CAND vẫn luôn trong tình trạng đầy ắp hàng hoá cứu trợ. Hàng chuyển đi lại có những sự ủng hộ tiếp nối. Những người nông dân ở ngoại thành Hà Nội, những cụ già hưu trí, những cháu nhỏ và cả nhiều tập thể là CBNV đang làm việc tại các tổ chức, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã tìm đến gửi quà đi miền Trung. Những người đã mang tiền mặt, hàng hoá đến Toà soạn không hề để lại tên tuổi, địa chỉ và thực sự tin tưởng, gửi gắm cả tình cảm, tấm lòng của mình qua Báo CAND đến với người dân vùng lũ. Những cử chỉ đó đã làm cho những người làm Báo CAND chúng tôi xúc động và càng phải cố gắng hơn, trách nhiệm hơn trong việc chuyển những món tiền, hàng này đến với người dân vùng lũ.

Đáng chú ý, nhiều cá nhân, tổ chức còn tổ chức cả đoàn công tác với nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt cùng đại diện Báo CAND mang hàng trăm suất quà về nơi "rốn" lũ để trao tận tay người dân. Việc làm và nghĩa cử giàu lòng nhân ái đó chỉ có được từ truyền thống đùm bọc, tương trợ và sẻ chia của một dân tộc nhân nghĩa.   

Có mặt tại các tỉnh miền Trung trong những ngày này, hình ảnh chúng tôi thường gặp nhất là những đoàn xe từ trong Nam ngoài Bắc nối đuôi nhau tìm về các điểm ngập lũ để thực hiện việc cứu trợ. Trong số những đoàn cứu trợ đó không chỉ là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn mà có rất nhiều những đoàn cứu trợ do các cá nhân tự đóng góp tiền với nhau mang mỳ tôm, gạo, quần áo thuê xe về tận các thôn xã để trực tiếp cứu trợ.

Người dân ở vùng lũ xã Đức Lạng - Đức Thọ - Hà Tĩnh nói với chúng tôi rằng: Ở vùng quê heo hút nghèo khó này chưa bao giờ chứng kiến hình ảnh từng đoàn xe khách, xe tải mang theo băng rôn, hàng hoá cứu trợ đến như vậy. Điều rất đáng ghi nhận là công tác tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ đã được chính quyền địa phương và nhân dân vùng lũ thực hiện khá thuần thục và chu đáo.

Phát quà cứu trợ ở xã Đức Lạng (Đức Thọ - Hà Tĩnh) với sự giám sát của chính quyền địa phương.

Sáng 3/11, có mặt tại các xã Đức Lạng, Đức Đồng, Đức Lạc (huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh) chúng tôi chứng kiến ở UBND các địa phương này ngập kín người đến nhận hàng hoá cứu trợ. Nhiều đoàn cứu trợ về cùng lúc, nhưng công tác cứu trợ không hề bị đình trệ. Chính quyền địa phương sử dụng loa phóng thanh, đọc tên từng hộ gia đình đã được bình xét và mời lên nhận tiền, hàng cứu trợ trước sự giám sát của lãnh đạo xã, Bí thư chi bộ và lãnh đạo các thôn. Công tác cứu trợ tuy được tiến hành rất khẩn trương nhưng không phải vì thế mà các đối tượng đón nhận hàng không được đảm bảo quyền lợi. Các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm trực tiếp trao tận tay các món quà mang nặng nghĩa tình tới từng người dân nơi "rốn" lũ mà mình đã chuẩn bị từ trước.

Ông Võ Công Hàm - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Sau lũ, công tác cứu trợ cho người dân đã được lãnh đạo huyện quán triệt nghiêm túc tới từng địa phương. Việc bình xét, chọn đối tượng phải được công khai, lập danh sách và thông báo tới từng thôn xóm. Ấy chẳng vì thế mà người nào người nấy khi đón nhận những món quà chở nặng nghĩa tình của các tổ chức, nhà hảo tâm đều rưng rưng xúc động mà cảm cái tấm lòng "lá lành đùm lá rách"…

Vào những ngày này thì không chỉ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại trong đợt lũ trước mà các tỉnh Nam Trung bộ cũng đang phải chìm trong biển nước. Các đoàn công tác cứu trợ của Báo CAND và nhiều tổ chức, cá nhân khác đang tiếp tục hướng về vùng lũ. Những chuyến hàng, những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức và cá nhân có tấm lòng hảo tâm lại tiếp tục viết nên những câu chuyện xúc động trong hoạn nạn. Chúng tôi vẫn cảm nhận rằng: Hơn những giá trị vật chất bình thường khác, việc chung tay góp sức với người dân vùng lũ sẽ mang đến những giá trị lớn hơn về mặt tinh thần cho chính những người dân bị thiệt hại và cho cả đối với mỗi chúng ta khi đã làm được một việc tốt và có ích

Đức Thọ - Trần Huy
.
.
.