Từ người lang thang vươn lên cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Thứ Tư, 09/03/2011, 19:06
Đôi vợ chồng nghèo nơi miền quê xứ Nghệ, đã có một thời làm hai kẻ bụi đời lang bạt từ mảnh đất miền Trung sỏi đá vào tận miền Nam để kiếm sống. Rồi họ tìm thấy nhau, và đưa nhau về xây tổ ấm, thế rồi hai con người ấy lại là người cưu mang 47 đứa trẻ, là 47 mảnh đời khuyết tật, bất hạnh...

Tuổi thơ làm "bang nhí"

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cơm gạo bố mẹ không đủ nuôi sống đàn con nhỏ nên mới hơn 10 tuổi, Tạ Duy Sáu (34 tuổi), xã Thọ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã sớm rời xa quê hương và gia đình lang bạt kiếm sống. Tuổi thơ của Sáu lớn lên dưới những góc phố, những nẻo đường, gầm cầu… tại TP HCM, Sáu bon chen với bao nhiêu "bang chủ" để có thể có cái bỏ vào bụng. Các góc phố, các vùng đất của TP HCM không nơi nào chân Sáu không đi tới.

Cuộc sống cứ chui lủi rồi làm nghề đánh giầy, bán sách báo dạo, rồi ăn xin cũng có… "Hồi đó, có nghề chi mần ra tiền là tui mần chứ không biết nó khó hay dễ. Lúc thì đi xách nước thuê mà nhỏ xíu nên họ cũng ngại không dám thuê, rồi đi bán báo ngày được ngày không, rồi đi đánh giầy nhưng cũng không ít lần bị khách đánh giầy xù tiền công… Cứ thế, tui sống ngày ăn ngày nhịn và cũng lớn lên từ những cái nghề như thế", anh Sáu nhớ lại.

Vợ chồng anh Sáu - chị Lương  trở thành bố mẹ của những đứa trẻ bất hạnh.

Còn chị Lê Thị Lương (31 tuổi) quê ở Diễn Châu - Nghệ An (vợ anh Sáu bây giờ) cũng là một người trong đám trẻ lang thang ngoài đường như Sáu vậy. Cũng kiếm sống bằng nghề bán dạo, bán sách báo, bán vé số… để có tiền ăn sống qua ngày. Hai con người như cùng cảnh ngộ, hai trái tim đồng cảm đã tìm đến nhau trong cơn hoạn nạn trong mấy lần đi bán báo chung với nhau.

Trong một lần bị bọn xã hội đen lừa đi đào vàng, lần mò mãi mới trốn thoát được, anh Sáu lại vào TP HCM kiếm sống. Mấy ngày đầu chưa kiếm được việc gì làm nên không có gì ăn, anh đói quá ngất lịm đi. Anh Sáu xúc động nhớ lại: "Trong lần nớ tui đói quá, ngất đi không biết khi mô, tỉnh dậy thấy một ông lão mù và một đứa cháu nhỏ. Họ mua cho tui một bát cháo đút cho tui mới có sức dậy. Hì hục ăn lấy ăn để như chưa bao giờ có bát cháo nào ngon hơn thế nữa. Ăn xong ngóc đầu lên thì không còn thấy hai ông cháu mù đâu nữa, chạy đi tìm mãi mà không thấy để nói lấy một câu cảm ơn…". Cũng từ đó, trong anh nuôi ước mơ sẽ làm gì đó để giúp những con người có hoàn cảnh khó khăn như mình.

Cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Năm 2001, anh Sáu và chị Lương đưa nhau về quê, mái ấm gia đình của đôi vợ chồng và hai đứa con nhỏ, mấy sào ruộng và buôn bán đủ nghề, không giàu có gì nhưng cũng không nghèo đói. Nhìn thấy quê mình nhiều người khuyết tật, nhiều mảnh đời bất hạnh nên anh nung nấu làm gì đó để giúp được họ. "Cứ nghĩ đến ông già mù mà tôi muốn làm điều gì đó thật có ích để giúp mọi người. Mình khỏe mạnh không giúp người khó khăn thì ai giúp được họ…" anh trải lòng. Anh tìm đến những người khuyết tật để xem họ muốn gì. Rồi anh liên lạc với Hội Người khuyết tật xã để xin tư vấn.

Đại gia đình những người khuyết tật và những đứa trẻ thiệt thòi dưới mái nhà chị Lương - anh Sáu.

Thế rồi, anh đã bỏ tiền túi ra mua nguyên vật liệu để những người khuyết tật làm chổi đót, chổi rành để tạo công ăn việc làm cho những người trong xã. Anh tự liên hệ đầu ra cho sản phẩm của các bác, các chú làm ra để tăng thu nhập chứ không bán cho tiểu thương. Lúc đầu là 7 người, nhưng tiếng lành đồn xa nên nhiều người nghe tin đến xin cùng làm. Ăn uống tại chỗ và công cho mỗi người tùy theo sản phẩm từ 500 - 800 ngàn đồng/tháng. Rồi anh lại liên hệ với những người có các cháu khuyết tật, nhận chăm sóc những cháu bé khuyết tật, trẻ mồ côi.

Năm 2006, anh đã làm đơn nộp huyện Yên Thành để xin thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội để có điều kiện chăm sóc các cháu và phát triển cơ sở sản xuất của mình. "Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Hiền Lương" được chính thức thành lập năm 2008, do anh Tạ Duy Sáu làm Giám đốc. Anh đã bàn với vợ và mạnh dạn thế chấp gia sản để vay vốn mở rộng sản xuất.

Không ai nghĩ được là đôi vợ chồng nghèo lại có cái ý tưởng táo bạo và có ý nghĩa xã hội như thế. Với trọng trách như một người cha dành trọn cho những đứa trẻ bất hạnh, mồ côi, khuyết tật. Mỗi đứa có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tình thương anh dành cho chúng không ai hơn ai. Hằng ngày, anh và chị cùng với những tình nguyện viên chăm lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ như chính những đứa con do mình sinh ra. 

Còn nhiều khó khăn, còn nhiều vất vả nhưng vợ chồng anh không vì thế mà chỉ lo cho bản thân mình mà dang rộng cánh tay giúp đỡ những người khó khăn. "Vợ chồng tui chỉ mong sao có đủ sức để giúp những khuyết tật để họ có cuộc sống đỡ vất vả và không thấy mình là người thừa của xã hội. Chúng tôi cũng muốn chăm sóc những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ như những đứa con mình bởi chúng đều là những đứa bé thơ ngây, không có tội tình gì đang rất cần có cuộc sống như bao đứa trẻ khác!" - anh Sáu tâm sự

Ngô Toàn
.
.
.