Tri ân với vùng đất cách mạng Giồng Riềng

Thứ Tư, 04/05/2011, 16:02
Tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động từ thiện nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Giải phóng miền Nam và tinh thần Quốc tế lao động 1-5, Báo CAND và Bệnh viện 30-4 phối hợp Cục An ninh Tây Nam bộ, Công an Kiên Giang, Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, các Mạnh Thường Quân đến vùng đất cách mạng Giồng Riềng để khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho đồng bào nghèo, gia đình chính sách.

Sau khi thực hiện chương trình từ thiện tại hai địa phương của tỉnh Cà Mau, đoàn bác sĩ tiếp tục vượt hành trình hàng trăm km đường bộ và đường biển để ra tận xã đảo Hòn Thơm (Phú Quốc), đến với bà con nghèo, gia đình chính sách nơi đây. Ngày 1/5, sau khi vuợt hành trình dài trên biển và đường bộ, đoàn từ thiện Báo CAND, các y, bác sĩ Bệnh viện 30-4, Cục An ninh Tây Nam bộ, Công an tỉnh Kiên Giang và các Mạnh Thường Quân tiếp tục đến với xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, Hòa Thuận là cái nôi Cách mạng của tỉnh Kiên Giang và vùng ĐBSCL. Nơi đây đã ghi vào những trang vàng lịch sử đấu tranh của dân tộc với những chiến thắng anh dũng, vang dội. Và, trên mảnh đất anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng như: Lê Quang Tuân, chị Mười Mẫn, chị Tư Bốn.

Các y, bác sĩ Bệnh viện 30-4 khám bệnh phát thuốc và tặng quà cho bà con nghèo, gia đình chính sách xã Anh hùng Hòa Thuận.

Anh hùng Lê Quang Tuân là một trong những người con tiêu biểu của đất Hòa Thuận, với tinh thần mưu trí dũng cảm, gan dạ một mình lập nên nhiều chiến công mà thời ấy quân địch nghe đến tên ông đã khiếp sợ. Nhiều người dân lớn tuổi kể lại, Anh hùng Lê Quang Tuân (được phong tặng Anh hùng LLVTND trước giải phóng), chỉ một mình đánh du kích tiêu diệt cả đoàn biệt kích. Không những gan dạ, Anh hùng Lê Quang Tuân còn mưu trí sáng tạo cách đánh giặc rất mới là cài mìn trên ngọn dừa, đánh cháy 2 máy bay trực thăng của địch và bắn rơi 1 máy bay.

Với những chiến công lẫy lừng ấy, ngay sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 14/10/1976, chính quyền và quân dân xã Hòa Thuận được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (xã Anh hùng đầu tiên của huyện). Tuy nhiên, kinh tế chủ lực của xã vẫn dựa vào nông nghiệp, cùng với địa bàn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên hiện xã Hòa Thuận vẫn còn 333/3420 hộ nghèo. Khi đoàn công tác từ thiện về Hòa Thuận khám bệnh phát thuốc, tặng quà, do bác sĩ Tống Mạnh Chinh (Giám đốc Bệnh viện 30-4) dẫu đầu, nhiều bà con nghèo, gia đình chính sách trong xã Hòa Thuận rất phấn khởi. 

Qua ngày thực hiện các hoạt động từ thiện tại xã Hòa Thuận đã có trên 200 bà con nghèo và gia đình chính sách được các bác sĩ Bệnh viện 30-4 tận tình khám chữa bệnh và đoàn từ thiện tặng những phần quà cho bà con. Anh Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã, xúc động và cảm kích trước tấm lòng của đoàn từ thiện: “Tôi biết những ngày này, có nhiều gia đình đi du lịch, vui chơi lễ, còn các anh thì đến với bà con nghèo của xã để chăm sóc sức khỏe và tặng quà cho bà con. Tôi xin thay mặt bà con nhân dân trong xã và lãnh đạo địa phương gửi đến các anh, những người làm Báo Công an, bác sĩ Công an, cán bộ, chiến sĩ Công an và các Mạnh Thường Quân lời cảm ơn chân thành nhất từ tấm lòng mình”.

Toàn bộ chi phí cho đợt khám bệnh phát thuốc từ thiện này được Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi tài trợ

Nam Giao
.
.
.