Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu:

Tìm lại ánh sáng cho những cuộc đời bất hạnh

Thứ Bảy, 29/06/2013, 13:16
Nằm lặng lẽ trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP HCM đã hơn nửa thế kỷ, ngôi trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu trở thành nơi neo đậu của không ít những số phận kém may mắn.

Trường hợp nhẹ thì thị lực kém chỉ còn nhìn thấy ánh sáng lờ mờ, nặng thì mất hẳn thị lực, thậm chí câm, điếc bẩm sinh, tứ chi không hoạt động được bình thường chỉ vì không được vận động trong thời gian quá dài. Nhiều thành viên sinh sống ngay tại TP Hồ Chí Minh, cũng có không ít lặn lội đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Nhưng, tất cả đều tìm đến ngôi trường đặc biệt này như một lối thoát để có điều kiện hòa nhập với cộng đồng, hoặc ít nhất cũng tìm được niềm tin, vui sống mỗi ngày...

Lớp học đặc biệt trong ngôi trường đặc biệt

Đảo quanh một vòng các phòng học, phòng ăn, sinh hoạt, Hiệu trưởng nhà trường, cô Hà Thanh Vân đưa chúng tôi trở lại phòng học đặc biệt nhất của nhà trường. Gọi là đặc biệt bởi trong khuôn viên vài chục mét vuông chỉ lỏng chỏng vài bộ bàn ghế với chưa đầy 10 học trò.

Chưa bước chân tới cửa, cậu bé có cái tên rất đẹp - Quang Anh đã rối rít chào, mừng như thể chúng tôi là người thân em mong gặp đã từ lâu lắm. Quang Anh bị mù bẩm sinh. Cha mẹ em ở mãi tận ngoài Hà Nội nên gần như mọi sinh hoạt, học tập đều nhờ bàn tay hướng dẫn của các thầy cô trong trường.

Cô, trò cùng học bên các bộ sách giáo khoa chữ nổi, công trình được công nhận kỷ lục Việt Nam của Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.

Nhìn cách ăn mặc, có lẽ Quang Anh không thuộc diện con nhà nghèo, được chăm sóc khá kỹ lưỡng, có thiếu thốn chăng thì cũng là bàn tay chăm chút yêu thương mỗi ngày của người thân. Gặp khách, gặp cô hiệu trưởng, cậu bé không đòi quà. Yêu cầu của cậu bé từ khi chào khách, hoàn thành bài tập đọc lưu loát cho đến món quà lúc chia tay luôn lặp đi lặp lại: Cô ôm và thơm Quang Anh một cái nhé...

Ngồi gần cậu bé Quang Anh là một thành viên đã lớn lộc ngộc nhưng suốt từ lúc chúng tôi ghé thăm đến lúc ra về, cậu chàng chỉ loay hoay xoay qua xoay lại một vài khối hình nhựa nhiều màu. Cô Hà Thanh Vân cho biết, cậu đã 16 tuổi rồi. Mù, điếc bẩm sinh. Người thân của cậu có thể vì bận bịu quá, có thể vì thương con cháu hoặc đơn giản vì thiếu thông tin nên chăm chút quá. Cậu không mảy may phải động chân động tay làm gì, cũng không giao lưu tiếp xúc với người lạ.

Lâu dần, đôi tay yếu đến mất chức năng cầm, nắm, xoay, vặn. 16 tuổi, cậu mới được gia đình gửi vào Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Mục đích không phải để học chữ hay tìm kiếm một tương lai sáng sủa hơn mà cái đích gần nhất được chính thầy cô, gia đình phấn đấu là giúp cậu có thể tự mình làm được những việc đơn giản nhất cho bản thân. Các khối hình nhựa cậu cứ lóng ngóng xoay trở là dụng cụ đang giúp cậu tập điều khiển bàn tay, cổ tay... Những kỹ năng sơ đẳng nhất của một con người từ lúc mới chào đời.

Những nỗ lực, khát vọng tìm... ánh sáng

Thời điểm chúng tôi ghé thăm Trường kiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, thầy và trò ngôi trường tự hào được tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận ngôi trường sở hữu kỷ lục Bộ sách giáo khoa chữ nổi đầu tiên tại Việt Nam. Cô Hiệu trưởng Hà Thanh Vân chia sẻ rằng, được công nhận thì vui, coi như là sự động viên các thầy cô tiếp tục hành trình của mình trong những chặng đường dìu dắt các học trò đặc biệt, nhưng, nếu không được công nhận, đó cũng vẫn là công việc các thầy cô nơi đây phải làm, thậm chí là động viên nhau làm thật tốt hơn nữa.

Bởi lẽ, gắn bó với ngôi trường này, ngoài sứ mệnh của nhà giáo còn là tình yêu thương con trẻ, nhất là những con trẻ bất hạnh như các học sinh trong trường. Là người gắn bó lâu năm với trường, hơn ai hết, cô hiểu được những khó khăn vất vả, kể cả những thử thách mà các thầy cô phải vượt qua khi quyết định trụ lại với trường cho đến tận hôm nay.

Cô không thể nào quên, những năm đầu sau giải phóng, tiếp quản ngôi trường, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề. Sách chữ nổi ngày đó đã có nhưng không đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là từ khi Nhà nước thực hiện chương trình cải cách giáo dục. Không có sách, thầy cô bàn nhau xây dựng những bộ sách, tài liệu riêng cho trò của mình. Nghĩ là thế nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Sực nhớ đến Viện Nghiên cứu xã hội, cạy cục nhờ các mối quan hệ, lại được sự chỉ dẫn nhiệt tình của khá nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực giáo dục nên các bộ sách giáo khoa đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị mới có cơ hội ra đời. Ngày ấy, thầy cô hầu như chỉ làm bằng sự nhiệt tình. Ngày giảng dạy, đêm về soạn... sách, chương trình được thẩm định rồi lại tự tổ chức mua giấy, thuê dập chữ nổi, tranh ảnh nổi cho học trò. Sau nhiều năm, đến nay, trường đã sở hữu bộ sách giáo khoa chữ nổi tương đối đầy đủ.

Ngoài phục vụ nhu cầu học trò tại trường, hàng vạn bộ sách chữ nổi khác đã được trường cung cấp cho các cơ sở đào tạo dành cho người khiếm thị trên cả nước. Tiếng lành đồn xa, đồn đến Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam thì được xác lập kỷ lục Bộ sách chữ nổi đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều khác mà thầy cô trong trường đã, đang làm ngoài công việc dạy chữ cho học trò: dạy kỹ năng tự sinh hoạt độc lập, hướng dẫn cha mẹ cách giúp con rèn luyện kỹ năng định hướng, phát triển vận động phù hợp ngay từ những ngày ấu thơ...

Bởi lẽ, việc tạo điều kiện để các trẻ khiếm thị, khuyết tật có điều kiện trưởng thành, phát huy khả năng như rất nhiều công dân bình thường khác trong xã hội mới là mục đích cuối cùng mà các thầy cô, nhà trường hướng đến. Thực tế, từ ngôi trường này, đã có không ít người khiếm thị thành danh trong xã hội, tìm về lại trường, chung tay chia sẻ, giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh. Có người trở thành giám đốc công ty, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Cây lành đã sinh trái ngọt.

Tuy nhiên, thầy cô trong trường vẫn không khỏi băn khoăn lo lắng khi nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có chủ trương đổi mới sách giáo khoa. Nếu đổi mới, những bộ sách chữ nổi đang sử dụng cũng cần được thay thế. Không phải các thầy cô nơi đây không làm được những bộ sách như những ngày trước đã từng làm, nhưng, nếu vẫn tự lực cánh sinh, cứ làm dò dẫm như thế thì học trò sẽ phải đợi một thời gian không ngắn mới có sách, việc học có thể bị gián đoạn...

Ngọc Nguyễn
.
.
.