Tết vì người nghèo: Quà tặng của những tấm lòng

Thứ Năm, 22/02/2007, 13:28
Một người mẹ trẻ dạo khắp đường phố Hà Nội để tìm bằng được đại lý của công ty sữa với mong muốn 1 triệu đồng của mình có thể mua thêm được 1, 2 thùng sữa giúp các cháu sơ sinh bị bỏ rơi đỡ cơn khát.

Một nhà doanh nghiệp cuối năm với bề bộn công việc vẫn đến trao quà tận tay người nghèo dù họ ở vùng sâu, hẻo lánh. Một công ty vận tải bỏ qua những hợp đồng hứa hẹn nhiều lợi nhuận để cùng hành trình đưa quà đến bà con với cước phí bằng không. Đó chỉ là một số trong những tấm lòng bạn đọc cùng Báo CAND với chương trình giàu tính nhân văn  - "Tết vì người nghèo" năm Đinh Hợi.

Chuyện xúc động về bà mẹ trẻ giấu tên

Sau chuyến công tác tiền trạm cho đợt trao quà từ thiện cuối năm ở Yên Bái, chúng tôi đã viết bài về những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái trong sự chia sẻ, đồng cảm với thiệt thòi, mất mát của các em. Chúng tôi cũng mong muốn qua bài báo để tìm những tấm lòng đồng cảm của bạn đọc.

Hơn 1 tỷ đồng là tổng số tiền quà Báo CAND - Chuyên đề ANTG đã chuyển đến đồng bào các dân tộc 20 tỉnh, thành trên cả nước trong dịp Tết Đinh Hợi.

Thật may mắn, từ bài viết đó, nhiều độc giả đã gọi điện đến đường dây nóng hỏi chúng tôi về các cháu nhỏ, xin địa chỉ cụ thể để gửi quà hoặc sẽ trực tiếp đến thăm các cháu.

Có chị tâm sự: "Con nhà mình thì được chăm bẵm cả ngày, được dành cho những gì tốt đẹp nhất. Những cháu bị bỏ rơi cũng ngang tuổi con mình mà phải chịu thiệt thòi, đáng thương quá".

Một bà mẹ trẻ giấu tên đã để lại ấn tượng với chúng tôi và cứ khiến chúng tôi áy náy mãi. Ngay khi đọc bài báo, chị gọi điện và bày tỏ tâm nguyện muốn giúp bọn trẻ bị bỏ rơi. Chị muốn tìm đúng địa chỉ của đại lý sữa để mong số tiền mình bỏ ra có thêm 1, 2 thùng sữa cho các cháu.

Mặc dù công việc quá bận, lại đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi, nhưng khi biết chuyến công tác từ thiện của Báo sẽ lên Yên Bái vào ngay ngày hôm sau nên chị cố gắng sắp xếp công việc đi mua sữa.

Ngày 26/1, chúng tôi rất cảm động khi thấy chị ôm theo đứa con nhỏ và nhờ người chở thùng sữa đến trụ sở của Báo để gửi theo đoàn công tác. Mở thùng sữa ra, chúng tôi có chút thắc mắc khi nhìn thấy 15 bịch sữa loại 1kg/bịch đựng trong túi nilon, không nhãn mác mà chỉ có tờ rơi của công ty nhập khẩu sữa.

Chị giải thích, đây là sữa của New Zealand, vì không có đủ tiền mua cả bịch lớn nên chị phải nhờ người bán xé lẻ, mua 15kg. Khi chị đã về, chúng tôi cứ áy náy mãi vì e rằng, khi chuyển sữa đến trung tâm bảo trợ, liệu các cán bộ ở đó có dám cho các cháu ăn khi không biết nguồn gốc số sữa đó.

Mặc dù biết rằng việc này rất tế nhị, có thể chị sẽ hiểu lầm chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn phải gọi điện lại cho chị, đề nghị chị đổi loại sữa khác. Qua điện thoại, chị khá bất ngờ trước đề nghị của chúng tôi, nhưng chị cũng đồng ý sẽ đổi nếu cửa hàng sữa đồng ý nhận lại.

Khi chúng tôi chở số sữa trên đến địa điểm chị mua, đó là một công ty chuyên nhập khẩu sữa New Zealand trên phố Thái Thịnh, người phụ trách cửa hàng kể rằng chị đã khóc khi quay trở lại cửa hàng. Qua cửa hàng bán sữa, chúng tôi mới biết chị sống trong một ngõ nhỏ trên phố Thái Thịnh.

Người phụ trách cửa hàng gọi điện cho chị, chị đến ngay sau vài phút. Chúng tôi thấy mắt chị đỏ hoe và rất dè dặt khi tiếp xúc. Chúng tôi hiểu rằng, chị đang buồn. Chị cho rằng lòng tốt của mình bị nghi ngờ.

Mặc dù buồn vậy nhưng chị vẫn nhận lại số tiền 1 triệu đồng từ đại lý sữa New Zealand, đi mua loại sữa khác và giao lại cho chúng tôi rồi vội vã đạp xe đi làm. Chúng tôi cứ áy náy mãi sau sự việc này, nhưng cũng tin rằng, khi nghĩ lại chị sẽ thông cảm cho chúng tôi và hiểu rằng, lòng tốt của chị đã được ghi nhận.

Và hành trình của các nhà doanh nghiệp hảo tâm

Ở Báo CAND, cánh phóng viên rất quen với việc cùng các nhà doanh nghiệp đến thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt. Và trong những chuyến đi như thế, chúng tôi tận mắt thấy tấm lòng của các thương gia và thầm cảm phục họ - những người luôn bận rộn với công việc kinh doanh không chỉ bỏ tiền bạc mà cả thời gian đến với những người mình giúp đỡ.

Trong số những nhà hảo tâm này, tôi lại có cơ may nhiều lần cùng ông Lâm Tấn Lợi - chủ Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, đến các địa chỉ từ thiện.

Sau chuyến đi đến với trẻ em bị bỏ rơi ở Yên Bái cuối tháng 1, đồng nghiệp của tôi truyền nhau câu chuyện ông Duy Lợi (chúng tôi hay gọi ông Lâm Tấn Lợi bằng cái tên này) bế bọn trẻ mà chẳng ngại chúng tè dầm.

Đấy là chưa kể chúng là trẻ bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, chưa rõ bệnh tật thế nào. Ông đã làm những việc giản đơn ấy bằng tấm lòng nhân ái. Khi ẵm một bé trai, ông ngậm ngùi bảo cháu bị suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ ở đây phần lớn đều bị như vậy.

Được biết, trẻ ở đây được hưởng chế độ 310.000đ/tháng. Số tiền này là rất ít ỏi đối với nhu cầu phải được đáp ứng của đứa trẻ. "Tết cho người nghèo" năm 2005, ông cũng có mặt trong đoàn công tác cùng Thiếu tướng, Tổng Biên tập Hữu Ước.

Đứng bên nôi những đứa trẻ chưa đầy tháng tuổi, ông trầm ngâm bảo "tội nghiệp quá". Nhà doanh nghiệp này không phải bay từ trong TP Hồ Chí Minh ra và đến đây để nói có vậy. Ông đã thể hiện bằng hành động cụ thể là đóng góp hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ các cháu.

Sát cánh bên Báo CAND, ông bảo đây là địa chỉ tin cậy giúp chuyển những đồng tiền của ông đến người cần giúp đỡ một cách trọn vẹn nhất.

Doanh nghiệp Vận tải Sơn Dương chuyên hoạt động ở miền Tây Bắc mấy năm gần đây là người bạn đồng hành cùng Báo CAND đến với bà con dân tộc các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Những chuyến đi lên huyện Sông Mã, Sốp Cộp... là các cuộc thử thách bởi những cung đường đầy đèo dốc. Song họ vẫn đi, đi để đưa đến cho bà con dân tộc những tấm chăn bông ấm áp, gói mì chính đậm đà... và cả tấm lòng của các nhà hảo tâm, của Báo CAND đến với đồng bào.

Chúng tôi không thể kể hết ra đây những tấm lòng bạn đọc hảo tâm đã tin tưởng gửi gắm cho Báo, những người đã sát cánh cùng Báo trên hành trình đến các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền Trung... làm ấm lòng người nghèo

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.