Tàn nhưng không phế

Thứ Năm, 15/12/2005, 09:18
Bằng nghị lực, Lê Nguyên Bình đã vượt qua mặc cảm tật nguyền, không ngừng học hỏi vươn lên, anh không những khẳng định mình trong niềm đam mê tin học mà còn làm giàu cho bản thân với 2 cơ sở sản xuất và dạy nghề.

Nằm khiêm tốn ở số 103, phố Nguyễn Thái Học thuộc đô thị cổ Hội An, cơ sở kinh doanh và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mang tên "Hòa Nhập" với gần 30 công nhân thì có trên 23 người là bị khuyết tật ở chân, khiếm thính và giảm thiểu năng trí tuệ.

Nhưng ở nơi đây, không khí làm việc hăng say và những nụ cười rạng rỡ luôn hiển hiện trên khuôn mặt của mỗi người. Giám đốc cơ sở là một chàng trai trên 35 tuổi, cũng là người khuyết tật tên là Lê Nguyên Bình. Anh được mệnh danh là "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" do Bộ Bưu chính viễn thông trao tặng vì đã sáng tạo ra 2 phần mềm trợ giúp và giao lưu trực tuyến dành riêng cho người khuyết tật Việt Nam bằng cả 2 thứ tiếng Việt và Anh có địa chỉ http:/forun.wso.net.

Các em khuyết tật ở cơ sở Hòa Nhập.
Điều đặc biệt website này ngoài việc là nơi hướng nghiệp, trao đổi tâm tư, những vấn đề quan tâm của người khuyết tật, nó còn có thiết kế đặc biệt để cả người mù vẫn có thể xem được. Bằng nghị lực, Lê Nguyên Bình đã vượt qua mặc cảm tật nguyền, không ngừng học hỏi vươn lên, anh không những khẳng định mình trong niềm đam mê tin học mà còn làm giàu cho bản thân với 2 cơ sở sản xuất và dạy nghề "Tiến Bộ" và " Hòa Nhập".

Vốn là người khuyết tật, đã từng sống trong sự mặc cảm, tự ti nên anh thấu hiểu tâm tư của những người cùng cảnh ngộ. Mong muốn duy nhất của anh là hai "địa chỉ đỏ" của vợ chồng anh sẽ trở thành nơi để sẻ chia, bao bọc những người đồng cảnh ngộ vượt qua mặc cảm tật nguyền vươn lên trong cuộc sống.

Ở đây, tất cả anh chị em khuyết tật trong cơ sở đều cho biết: Họ cảm thấy hạnh phúc khi thấy mình là người có ích, được tương trợ, được đào tạo nghề hoàn toàn miễn phí và trên hết là có một việc làm phù hợp, ổn định để tự nuôi bản thân. Ông chủ cơ sở còn cho chúng tôi biết thêm, hiện những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do những công nhân khuyết tật của anh sản xuất rất được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Họ ưa chuộng không phải bởi hàng được làm bằng chính bàn tay của những con người khiếm khuyết mà những sản phẩm này đạt đến độ tinh xảo cao, không thua kém gì những mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các cơ sở chuyên nghiệp khác.

Hiện cơ sở của anh đã thiết lập một website riêng, chuyên giới thiệu và buôn bán, trao đổi những sản phẩm mỹ nghệ của người khuyết tật bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, địa chỉwww.reachingoutvietnam.com

HT
.
.
.