Tấm lòng của một nữ cựu binh người Tà Riềng

Thứ Sáu, 30/10/2015, 09:59
Hàng chục năm qua, ngôi nhà của bà Zơrâm Thị Nhoi, người dân tộc Tà Riềng ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam, trở thành nơi ăn, ở miễn phí cho hàng trăm học sinh nghèo đồng bào các dân tộc thiểu số từ các bản làng xa xôi về đây trọ học...


Chúng tôi ghé nhà bà Zơrâm Thị Nhoi ở thị trấn miền sơn cước Thạnh Mỹ. Năm nay tuổi đã ngoài 70, nhưng bà Nhoi trông còn khỏe mạnh, rắn chắc như cây gỗ mun, gỗ gõ trong rừng Nam Giang. Rót chén nước mời khách, bà Nhoi chia sẻ nhiều năm qua, bà ngăn chia phòng của ngôi nhà của mình và mua thêm giường để hỗ trợ các em đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là con em người Tà Riềng ở rẻo cao Đắc Tôi, cách thị trấn Thạnh Mỹ gần 70km, xuống đây trọ học.

“Thấy mấy cháu đi học xa, chỗ ăn ở không có nên mình giúp mấy cháu có chỗ ở để yên tâm học tập”, bà Nhoi tâm sự. Không chỉ giúp chỗ ăn ở cho các em, bà còn dành tiền lương thương binh hạng 2/4 để giúp các em có sách vở, cải thiện thêm bữa cơm có cá, có thịt. Nhờ sự giúp đỡ của bà mà nhiều năm qua, hàng trăm học sinh người đồng bào thiểu số yên tâm học hành vì có chỗ ở ổn định. Các em đều xem nhà bà như ngôi nhà thứ hai của mình.

Bà Nhoi dọn dẹp giường chiếu giúp học sinh đang ở trọ tại ngôi nhà của mình.

Kể về tuổi thanh xuân của mình, bà cho biết:  Năm 1962, bà Nhoi lúc đó vừa tròn 17 tuổi, bà tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong, làm công tác dân công tại Khu V. Đến năm 1969, trong một lần máy bay B52 Mỹ đánh bom, bà cùng một số đồng đội khác bị thương. Và, trong những đồng đội hy sinh có người yêu của bà. 

“Mình và anh ấy quen nhau trong kháng chiến. Vì đất nước còn tiếng đạn bom, mình và anh ấy hẹn thề sau ngày hòa bình lập lại sẽ nên duyên chồng vợ. Nào ngờ đâu, số phận nghiệt ngã đã khiến mình bị thương, còn người yêu hy sinh, vĩnh viễn xa lìa nhau từ đó”. 

Ngưng một lúc, bà Nhoi kể tiếp rằng, sau khi bị thương, bà được tổ chức đưa ra miền Bắc điều trị thương tật, an dưỡng và học văn hóa cùng với nhiều trường hợp là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

Năm 1972, bà xung phong tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam, chuyển ngạch hoạt động tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nam Giang, tới năm 1986 thì nghỉ hưu. 

“Từ ngày người yêu hy sinh trên chiến trường, bà Nhoi vẫn ở vậy, không lấy chồng, một mực chung thủy với mối tình đã có. Nhiều năm nay, bà Nhoi tạo điều kiện giúp đỡ các em ở vùng sâu, vùng xa xuống thị trấn ăn học. Ngoài ra, cả cán bộ xã, thôn từ nơi xa đến cũng tá túc tại nhà bà. Chúng tôi hay đùa là “nhà đồng chí Nhoi đã thành “nhà trọ” miễn phí rồi!”. Hiện, bà Nhoi là hội viên gương mẫu xuất sắc của Hội Cựu chiến binh của thị trấn mình đấy”, ông Đinh Xuân Quỳ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Thạnh Mỹ, đi cùng chúng tôi, tự hào nói.

Nhờ sự giúp sức của bà Nhoi mà nhiều em học sinh nghèo khó ngày trước, giờ đã trưởng thành và ăn học đường hoàng. Trong đó, 2 em Zơrâm Cự và Zơrâm Thị Cảm, đang là bác sĩ và y tá tại Trung tâm Y tế huyện Nam Giang; em Hiên Thị Hênh, là cán bộ Trường THCS Lê Độ… Các em học sinh thành đạt, ghi nhớ công ơn bà Nhoi nên còn ở lại nhà bà, xem bà như người mẹ, người bà trong nhà và yêu thương, chia sẻ như những người con hiếu thảo. Nhiều em học trò ngày trước giờ thành danh, thi thoảng về Thạnh Mỹ đều ghé thăm và tặng quà cho bà. 

Nhưng, dù giúp ích rất nhiều cho các em học sinh nghèo, bà Nhoi vẫn rất khiêm tốn khi nói về điều đó: “Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mình là khi thấy lũ trẻ học trò nghèo được thành đạt và mạnh khỏe!”.

Ngọc Thi
.
.
.