Nửa thế kỷ chăm 2 con tật nguyền

Thứ Bảy, 29/10/2011, 13:29
Chồng bệnh tật liên miên mất hơn 1 năm nay, gánh nặng gia đình càng đè lên đôi vai người bà Tiến. Lưng của bà đã còng, có lẽ không hẳn vì tuổi tác mà chính bởi những gánh nặng lo toan số phận của 2 đứa con tật nguyền. Trong đôi mắt hằn sâu những vết chân chim, ngoài nỗi nhọc nhằn mưu sinh còn là nỗi canh cánh ưu tư khi bà trút hơi tàn biết ai sẽ chăm sóc hai đứa con tóc đã nhuốm màu thời gian!

Chị ngồi đó, ánh mắt ngây dại, tôi không biết trong ánh nhìn ấy có hay không: Khoảng trời phía trước? Bà, tóc đã bạc, lưng còng, bảy mươi hai tuổi, khi những giọt nước mắt tưởng chừng đã khô trên đôi hốc mắt vậy mà nó vẫn cứ ứa ra vào mỗi sáng khi đối mặt với ánh nhìn vô định trong đôi mắt của người con gần năm mươi tuổi mà chưa biết vui, biết buồn. Nhìn vào những đôi mắt ấy, tôi bỗng thấy trái tim mình đau nhói, nỗi đau thấm đẫm nước mắt…

Hai cuộc đời, một số phận

Đã hơn bốn mươi chín năm, mỗi một ngày của chị đều trôi qua trong vô thức, bởi trong tiếng khóc chào đời của chị, thanh âm đã nghe không tròn tiếng. Bế chị trên tay, nhìn thân thể chị dị thường không như những đứa trẻ sơ sinh khác, bà Nguyễn Thị Tiến, mẹ chị đã khóc trong nỗi đau như xé lòng. Cảm giác đó cho đến tận bây giờ như vẫn còn in trong trái tim đau thương của người mẹ, bởi chị là đứa con đầu lòng, bà gửi gắm với tất cả niềm tin và tình yêu thương.

Bảy mươi hai tuổi, khi những giọt nước mắt tưởng chừng đã khô trên đôi hốc mắt vậy mà nó vẫn cứ ứa ra vào mỗi sáng khi ánh bình minh thức giấc, khi bà đối mặt với ánh nhìn vô định trong đôi mắt của người con gần năm mươi tuổi mà chưa biết vui, biết buồn. Bà, tóc đã bạc, lưng còng nhưng ngày ngày vẫn phải chăm chị từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến việc tắm rửa vệ sinh. Mái tóc chị cũng đã bắt đầu điểm màu của thời gian, mà chị biết đâu thời gian, chị như không có tuổi.

Đã gần 50 năm ròng rã, bà Tiến âm thầm chăm sóc cô con gái đầu lòng bị tật nguyền bẩm sinh...

Cái tên Lê Thị Hải của chị chưa một lần được gọi từ những người thân, bè bạn như bao cái tên của những người bình thường khác, cái tên ấy chỉ nằm lặng lẽ trên tờ giấy khai sinh, trong cuốn sổ hộ khẩu của gia đình.

Bất ngờ chúng tôi đến thăm đã cảm nhận được trong ánh mắt người đàn bà bảy mươi hai tuổi này niềm khao khát giản đơn mà cháy bỏng: gọi tên con mỗi sớm mỗi chiều. Còn chị chắc cũng khát khao lắm được biết đến tên mình, được nghe, được nói, được cho và được nhận những niềm thương yêu.

Lê Thị Hương, người con thứ 2 của bà sinh ra cũng dị tật, rồi bị bệnh sốt rét cướp đi sinh mạng, còn anh Lê Đăng Hoa, người con thứ 3, giờ mái đầu cũng đã 2 thứ tóc nhưng cũng như chị Lê Thị Hải, vô định, vô thức. Đã 43 năm trôi qua, anh cũng như người chị gái của mình chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt thường ngày từ ăn, uống, tắm rửa… cũng đều do một tay người mẹ…

Tình mẹ bao la…

Không ai không rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh người mẹ đã ở ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ngày ngày vẫn phải chăm lo cho hai người con ròng rã gần 50 năm nay. Trong khi đó, cuộc sống gia đình bà chỉ phụ thuộc vào mấy sào vườn trồng rau, màu.

Ông Lê Đăng Nam, chồng của bà cũng đau ốm, bệnh tật liên miên và đã mất hơn 1 năm nay, gánh nặng gia đình càng đè lên đôi vai người mẹ già. Lưng của bà đã còng, có lẽ không hẳn vì tuổi tác mà chính bởi những gánh nặng lo toan số phận của những đứa con. Dường như trong đôi mắt hằn sâu những vết chân chim, ngoài nỗi nhọc nhằn mưu sinh còn là nỗi canh cánh ưu tư khi bà trút hơi tàn biết ai sẽ chăm sóc hai đứa con tật nguyền! 72 tuổi, nỗi ưu tư ấy càng trở nên ám ảnh đối với bà, bởi nó cứ luẩn quẩn trong suy nghĩ của bà hằng đêm.

...và cả người con trai 43 tuổi vô định, vô thức này.

Kể với chúng tôi, lời bà cứ tắc nghẹn, bờ vai của bà như muốn đổ sụp xuống bởi sự mệt mỏi, đơn độc. Ngày Hải chào đời, nhìn con mà tâm can héo hắt, rồi cuộc đời của nó sau này sẽ ra sao, nó đã không có tương lai ngay từ khi cất tiếng khóc. Thương con, thương phận mình sao bạc. Những ngày tháng chăm sóc, nuôi nấng Hải sau đó cũng vô cùng khó khăn, cực khổ. Đó là sự thiếu thốn về vật chất, đó là sự kỳ thị của không ít bà con hàng xóm.

Năm Hải lên 3, cả hai vợ chồng cứ thấp thỏm chờ đợi, thèm lắm tiếng “thỏ thẻ” của con trẻ nhưng đó chỉ là sự thèm khát trong vô vọng. Rồi cả hai vợ chồng quyết định tìm kiếm hy vọng, và những cái tên Lê Thị Hương, Lê Đăng Hoa ra đời nhưng rồi cũng gắn liền với những bất hạnh như Hải. Không chịu nổi cuộc sống khốn khó về vật chất lẫn tinh thần, trốn chạy những ánh mắt như cắt lòng cắt dạ mà hai vợ chồng ôm theo con Hải, thằng Hoa rời mảnh đất Thạch Hà, Hà Tĩnh lên Tây Nguyên. Mảnh đất Hòa Tân, Krông Bông, Đắk Lắk hôm nay đã trở thành nơi nương náu của cả gia đình đến tận bây giờ.

Căn nhà nghèo nàn, trống trải, cô đơn đến lạ, chỉ có tình yêu thương của người mẹ làm điểm tựa. Một điểm tựa thật vững chãi để trong tận cùng của nỗi đau, sự nghiệt ngã của số phận họ vẫn âm thầm bên nhau đi suốt cuộc đời khốn khó. Nhìn những mái đầu tóc bạc nương tựa vào nhau trong căn nhà gỗ nghèo nàn ấy mà lòng chúng tôi như thắt lại, không còn có nỗi đau nào hơn thế!

N.Như - L.Hương
.
.
.