Nơi nuôi dưỡng tương lai cho trẻ mồ côi

Thứ Năm, 12/07/2012, 10:18
“Các cháu có hoàn cảnh rất đáng thương, tất cả đều mồ côi cha mẹ. Đưa về đây nuôi dưỡng, được đi học đầy đủ, Trung tâm mong giúp các cháu có một tương lai tươi sáng hơn” ông Nguyễn Trung Chắt, GĐ Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu (Kim Động, Hưng Yên) tâm sự.

Ông sinh năm 1952 (ở Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên), từng là Bộ đội Biên phòng chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Sau đó ông chuyển về công tác tại Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Hồi đó, ông Chắt thường phối hợp các tổ chức phi chính phủ nước ngoài làm các dự án từ thiện, giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật trên khắp cả nước. Tận mắt chứng kiến những em bé còn đỏ hỏn đã mồ côi cha mẹ khiến ông không thể cầm lòng.

“Người nước ngoài đến ta làm từ thiện được thì tại sao mình lại không thể tự tay thành lập một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi giúp đỡ các cháu”, ông Chắt chia sẻ. Năm 2000, ông quyết định nghỉ làm ở cơ quan để toàn tâm toàn ý bắt tay vào thực hiện dự định này. Khó khăn chồng chất, thiếu kinh phí, không đất để đặt trung tâm, để khắc phục ông về nhà gom toàn bộ số tiền mà gia đình tích cóp được, rồi ngược xuôi đi vận động các tổ chức, nhà hảo tâm quyên góp, đồng thời viết đơn xin UBND tỉnh cấp quỹ đất.

Niềm vui vỡ òa khi năm 2004, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hy Vọng Tiên Cầu (Trung tâm ngoài công lập) chính thức đi vào hoạt động với tổng kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng, diện tích rộng 3000m2, gồm 2 dãy nhà bao gồm phòng ở, nhà ăn, hội trường và phòng thực hành.

Chăm chút cho những mảnh đời bé bỏng

Ban đầu hễ cứ nghe bạn bè, người thân giới thiệu ở đâu có trẻ mồ côi là ông đến tận nhà tìm hiểu nói chuyện với gia đình, để đưa các em về nuôi dưỡng. Có những em bố mẹ đều mất, không người thân thích, ông phải làm đơn lên chính quyền xin phép đưa cháu vào trung tâm. “Trước khi đưa về đây, cuộc sống các cháu rất khốn khó, nhiều cháu phải đi làm việc từ sớm, kiếm tiền phụ giúp gia đình, đứa nào cũng còi cọc, đen nhẻm, có cháu gần 15 tuổi mà trông chẳng khác gì trẻ lên 7, lên 8” ông Chắt cho biết.

Trong số các trẻ ở đây, đáng thương nhất là hoàn cảnh của cháu Nguyễn Thị Phương Anh, quê Hưng Yên, đưa vào trung tâm nuôi dưỡng khi mới chưa đầy 1 tháng tuổi. Phương Anh không có bố, mẹ bị bệnh tâm thần ngày nào cũng đi lang thang khắp nơi. Hôm sinh, mẹ đẻ em ở ngoài đường nhưng cũng may là ở gần nhà, sau đó chị được đưa vào trại tâm thần điều trị. Nhà nghèo, ông bà ngoại lại già yếu, không có sữa mẹ, họ phải bế Phương Anh chạy khắp làng trên xóm dưới để xin cho em bú chực. Ngày ông Chắt tìm đến nhà, em nằm lọt thỏm trong nôi, cơ thể gầy gò, đầu to có biểu hiện của chứng suy dinh dưỡng, lúc nào cũng quấy khóc vì đói sữa. Bây giờ, Phương Anh đã được gần 2 tuổi, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, em gọi bác Chắt và các cô ở đây là bố Chắt, mẹ Với, mẹ Thảo.

Mái ấm của những đứa trẻ mồ côi.

Còn với Nguyễn Thị Luyến (17 tuổi, quê Đồng Thanh, Kim Động) không chỉ coi bác Chắt  như cha, mà với em bác Chắt còn là ân nhân cứu mạng. Bố đi lấy vợ hai, mẹ thường xuyên đau ốm, còn Luyến thì mắc bệnh tim bẩm sinh, da tái ngắt, sức khỏe yếu ớt cứ vận động mạnh là em bị ngất, nên phải nghỉ học. Gia cảnh khó khăn, không có tiền mổ tim, tính mạng của em bị đe dọa từng ngày. Năm 2010, em được đưa vào đây chăm sóc. Để có kinh phí mổ tim cho Luyến, ông Chắt và các cô trong Trung tâm phải tất bật đi vận động các nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh quyên góp giúp đỡ được 50 triệu đồng.

Sau phẫu thuật, hiện giờ sức khỏe của Luyến rất tốt, có thể thoải mái đùa vui với bạn bè, điều đó trước đây em chỉ dám nghĩ đến trong mơ. Tháng 9 này, em sẽ đến học tại một trường nghề để thực hiện tiếp ước mơ còn dang dở. “Nếu không có sự chăm sóc tận tình của bác Chắt, bác Với, cô Hương em đâu được như ngày hôm nay. Em hứa sẽ gắng học thật tốt, ra nghề làm thật nhiều tiền để giúp mẹ, giúp ông bà và các em ở đây”, Luyến bộc bạch.

14 tuổi, vào trung tâm được 1 năm, thân hình nhỏ thó, em Hoàng Văn Hoa tự nhủ mình phải quyết tâm nuôi ước mơ mai sau sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bố. Bố bị bệnh tâm thần, mẹ bỏ đi theo người khác khi còn bé, rồi bác Chắt đưa em vào trung tâm. Được sống với các bạn có cùng cảnh ngộ, cảm thông chia sẻ buồn vui, làm Hoa dần vơi đi chuyện buồn gia đình. 14 tuổi, hiện giờ em mới học lớp 5, nhưng chưa bao giờ Hoa nhụt chí. “Em sẽ gắng học thật giỏi để trở thành bác sĩ chữa khỏi bệnh cho bố, cho những người nghèo khổ”, Hoa tự tin nói.

Công sinh không bằng công dưỡng

Từ ngày thành lập, Trung tâm Hy Vọng nuôi dưỡng, chăm sóc 36 em, trong đó có 8 em trưởng thành ra ngoài lập nghiệp. Ông Chắt cho biết, bởi tất cả các cháu đều là trẻ mồ côi, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, nên lúc mới vào nhiều cháu hay cáu gắt, tự ti với bản thân và bạn bè. Có những em ra ngoài tiếp xúc với trẻ hư bị nhiễm tật xấu, vào đây các bác, các cô phải dạy dỗ uốn nắn từ lời ăn, tiếng nói, đến sinh hoạt hàng ngày. “Coi lũ trẻ như con cháu ruột thịt trong nhà, giáo dục bằng tình cảm, nhất quyết không được quát mắng. Hơn nữa, để các cháu không mặc cảm bản thân, nên trung tâm có tên là Hy Vọng chứ không phải trại trẻ mồ côi”, ông Chắt nói.

Hiện Trung tâm có 3 mẹ nuôi thường xuyên có mặt để nấu nướng, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu. Làm việc không cần lương, họ cũng có hoàn cảnh phần nào giống các cháu ở đây, có lẽ vì thế những người mẹ nuôi này càng thấu hiểu nỗi khổ của lũ trẻ. Hai mẹ nuôi Ngô Thị Bình và Nguyễn Thị Với đều có chồng mất sớm, còn mẹ nuôi Vũ Thị Hương dù 48 tuổi vẫn chưa lập gia đình.

Gắn bó từ khi trung tâm mới thành lập, kỉ niệm mà mẹ nuôi Vũ Thị Với nhớ nhất là lần lo mổ tim cho em Luyến. Vừa chạy đi tìm nguồn quyên góp, cô vừa thường xuyên túc trực bên giường bệnh của Luyến, hồi hộp chờ kết quả đến khi bác sĩ thông báo ca mổ thành công, cô mới cảm thấy an tâm trở về trung tâm. Nhưng vui hơn, có nhiều em ra ngoài trưởng thành, ngày lễ ngày tết về trung tâm hỏi thăm sức khỏe bố, mẹ cùng những đứa em nuôi.

“Nhìn những đứa con mà mình tự tay chăm sóc lớn khôn từng ngày là niềm vui lớn nhất của những bậc làm cha, làm mẹ nuôi như chúng tôi. Không thể xa lũ trẻ, tôi sẽ gắn bó với các con ở đây cho đến hết đời”, mẹ nuôi Vũ Thị Hương, người có mặt từ ngày trung tâm thành lập thổ lộ. Mong rằng trung tâm sẽ tiếp tục là nơi che chở cho nhiều em nhỏ kém may mắn

Nguyễn Sáng
.
.
.