Nỗi lòng của mẹ

Thứ Sáu, 05/10/2007, 09:57
Người con trai vừa chào đời đã bị dị tật bẩm sinh. Nỗi buồn cho số phận đứa con chưa dứt thì chồng mẹ Ngoạn cũng lâm bệnh nặng qua đời. Mẹ Ngoạn tưởng chừng như hóa đá. Nhưng rồi, vì thương con, mẹ gắng gượng vượt qua, vừa nuôi con vừa tham gia làm cơ sở cho cách mạng và đã không ít lần bị đòn roi tra tấn của kẻ thù.

Tôi tìm về xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào một ngày cuối hạ. Cái nắng chói chang và dường như càng thêm ngột ngạt khi bước vào nhà mẹ Đặng Thị Ngoạn, ở thôn 3.

Căn nhà chẳng có gì ngoài hai chiếc giường tre, tuềnh toàng và leo lắt. Người mẹ già gần chục năm nay chìm trong bóng tối, miệt mài chăm sóc người con trai vốn đã mang tật nguyền từ những ngày còn chập chững.

Người con trai Lê Văn Kích vừa mới chào đời đã bị dị tật bẩm sinh. Đôi chân chẳng đứng vững trên đường đời. Nỗi buồn cho số phận đứa con không được may mắn thì chồng mẹ cũng lâm bệnh nặng qua đời.

Một mình mẹ Ngoạn tưởng chừng như hóa đá trước nỗi đau ấy. Nhưng rồi, vì thương con, mẹ gắng gượng vượt qua, vừa nuôi con vừa tham gia làm cơ sở cho cách mạng và đã không ít lần bị đòn roi tra tấn của kẻ thù.

Nhưng tưởng rằng, ông trời sẽ không phụ lòng mẹ thì oái ăm thay, số phận nghiệt ngã lại tiếp tục đè lên đôi vai gầy guộc ấy. Trong một lần không may mắn, mẹ đã bị ngã và đôi mắt dần rơi vào bóng tối từ đó. Vậy là, trong ngôi nhà nhỏ, giờ chỉ có một người mẹ mù cùng một đứa con tật nguyền.

Nhà chẳng còn gì, thời gian đầu, chỉ với mấy sào ruộng, không thể tự mình đi làm, mẹ phải nhờ người đưa ra đồng, rồi mò mẫm nhổ mạ và tiếp tục nhờ người đưa ra ruộng cấy. Đến mùa gặt, mẹ lại tự mình gặt lúa và nhờ người đưa về, lần lữa như vậy nhiều năm trời...

Cũng chính phải gắng sức mình vì con trong bóng tối mà sức khỏe mẹ Ngoạn càng yếu dần sau những lần ngã bệnh. Thương mẹ, người con trai tật nguyền cũng cố gắng lê từng bước chân vào bếp, nhóm lửa thổi cơm canh để mẹ đỡ vất vả.

Nhưng dù gắng gượng đến đâu thì cái nghèo cái đói cũng luôn đeo đẳng, mẹ Ngoạn lại mò mẫm trồng thêm khoai, sắn quanh vườn để đỡ đi một phần cái ăn, cái mặc. Nghèo là vậy, nhưng vẫn khổ nhất là những lúc thiên tai lũ lụt, đôi mắt mù loà cùng đôi bàn chân không đứng vững phải co ro bám víu trên trần nhà.

Năm anh Kích đến tuổi đi học, người mẹ mù không muốn con mù chữ nên xin cho con đến trường học chữ. Thời gian đầu, mọi người không khỏi lắc đầu thương cảm khi nhìn thấy cảnh người mẹ mù cõng đứa con tật nguyền trên đôi lưng còng, lê từng bước chân khó nhọc để đến trường.

Nhưng rồi, bệnh tật của Kích càng thêm trầm trọng. Anh phải ở nhà vĩnh viễn vì đôi chân không đủ sức để đi xa. Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau bằng tình thương của xóm giềng và chính quyền địa phương.

Bây giờ, bà Đặng Thị Ngoạn đã bước qua tuổi 80, còn người con trai cũng đã gần 60 tuổi. Hai số phận tật nguyền đang ngày càng trở nên mong manh trước cuộc sống. Mẹ Ngoạn thở dài: "Nếu tui đi rồi, chẳng biết thằng Kích có thể sống được những ngày còn lại được hay không?".

Tạm biệt ngôi nhà nhỏ có hai con người không may mắn, tôi cứ ám ảnh mãi tiếng thở dài mang nhiều nỗi lòng của mẹ...!

Hoàng Quốc Tiến
.
.
.